Khan hiếm thuốc Tobrex điều trị đau mắt đỏ: Không nên tự mua thuốc thay thế vì dễ gây biến chứng

author 06:28 14/09/2023

(VietQ.vn) - Trước tình trạng nhiều nơi đang khan hiếm thuốc điều trị đau mắt đỏ khiến nhiều người dân đã tự ý mua loại thuốc khác để tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên theo các bác sĩ khuyến cáo cần thận trọng vì dễ gặp biến chứng.

Nhiều nơi khan hiếm thuốc nhỏ Tobrex điều trị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ lây lan nhanh, số ca mắc ở TP.HCM vẫn đang có xu hướng tăng. Hiện hầu hết các tiệm thuốc trên địa bàn thành phố đều hết sạch dung dịch nhỏ mắt Tobrex do nhu cầu mua tăng cao. 

Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tại 18 nhà thuốc trên các đường Nguyễn Thị Búp, Trương Thị Hoa (quận 12), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), Hai Bà Trưng (quận 1, 3), Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức)... các nơi đều thông báo thuốc nhỏ mắt Tobrex, một trong các thuốc có chỉ định với bệnh nhân đau mắt đỏ đã đứt hàng, chưa biết khi nào có lại. Một số nhà thuốc nhỏ lẻ tại các khu vực gần giáp ranh TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) còn sót lại vài chai thuốc, với giá dao động từ 50.000 - 56.000 đồng/lọ.

Đến lượt Đà Nẵng, theo thống kê của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, số lượng bệnh nhân viêm kết mạc (đau mắt đỏ) đến khám, điều trị trong vòng 10 ngày đầu tháng đang tăng rất nhanh. Tính từ ngày 1 đến 10/9, có hơn 1.300 bệnh nhân đến khám và điều trị, chưa kể có rất nhiều bệnh nhân điện thoại đến đường dây nóng nhờ tư vấn mua thuốc. Tuy nhiên trong những ngày qua Đà Nẵng cũng xảy ra tình trạng khan hiếm một số thuốc sử dụng điều trị đau mắt đỏ. Nhiều người dân tìm mua thuốc nhỏ mắt Tobrex, Tobradex không có nên tìm các loại thuốc tương tự khác để thay thế nhưng cũng hết.

Người dân không nên tự mua thuốc nhỏ mắt thay thế khi chưa có sự chẩn đoán từ bác sĩ. Ảnh: Tuổi Trẻ

Tại nhà thuốc Tâm An (đường Phạm Tứ), khi khách hàng hỏi mua thuốc nhỏ mắt cho trẻ em thì nhân viên bán hàng cho biết "hết hàng". Nhân viên này giải thích thuốc Tobrex nhập khẩu và Tobradex sản xuất trong nước đều đã hết hàng từ nhiều ngày.

"Giờ còn một vài lọ thuốc cùng loại nhưng cay lắm, trẻ không chịu nhỏ đâu anh. Có hai loại kia (Tobrex và Tobradex - PV) thì may trẻ con chịu được"- nhân viên này nói và mong khách hàng thông cảm.

Trong khi đó, tại cửa hàng Long Châu (đường Ông Ích Đường), nhân viên cũng cho biết "đứt hàng" thuốc nhỏ mắt từ 2 ngày qua. Hiện cửa hàng còn thuốc viên nhưng thuốc viên bán theo đơn thuốc.

Tại cửa hàng trên đường Đinh Châu (quận Cẩm Lệ), loại thuốc nhỏ mắt Tobrex, Tobradex đã hết hàng vài ngày qua. Chủ cửa hàng cho biết thông thường cửa hàng nhập về 1 lốc 20 lọ mỗi loại, bán trong vòng nửa tháng. Tuy nhiên, đợt này thì thuốc đã bán hết sạch từ ba ngày trước. Hiện cửa hàng chỉ có các loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh tương tự với số lượng ít với giá rất rẻ. Tuy nhiên khách chỉ mua lai rai. 

Đa dạng thuốc nhỏ mắt điều trị đau mắt đỏ tránh tự mua vì dễ gây biến chứng

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang - phụ trách phòng kế hoạch Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết thuốc đặc trị đỏ mắt tại bệnh viện vẫn đảm bảo, tuy nhiên vẫn có thể có nguy cơ thiếu thuốc nếu dịch bùng phát mạnh.

"Số ca bệnh tăng từ sau lễ khi các cháu đi học trở lại, số lượng bệnh đến khám có khi tăng gấp 3-4 lần so với ngày bình thường vì các cháu chưa biết cách bảo vệ mắt. Do đó khuyến cáo người bệnh nên tìm đến bác sĩ nhãn khoa. Vừa qua có tình trạng bệnh nhân tự ý dùng thuốc nhỏ mắt mà không qua chẩn đoán, điều trị nên dẫn đến biến chứng.

Bác sĩ Trang cho biết xu hướng đợt bùng dịch đau mắt đỏ lần này là do vi rút gây ra nên rất khó điều trị, và phải dùng thuốc kháng vi rút. Nếu bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc không đúng liều lượng sẽ bị nặng nề hơn, lúc đó việc chữa trị kéo dài và dễ tái phát.

Liên quan tới thuốc nhỏ mắt, bác sĩ CKI Nguyễn Đức Huy - khoa mắt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng cho rằng, dung dịch nhỏ mắt Tobrex không phải là thuốc duy nhất trị đau mắt đỏ hiệu quả. Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ có chỉ định phù hợp theo từng trường hợp cụ thể tùy vào nguyên nhân và mức độ của bệnh.

Thuốc nhỏ mắt cũng như tất cả các loại thuốc điều trị khác đều phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, người dân không vì quá lo lắng, tự đổ xô đi mua về dùng. Loại duy nhất người dân có thể tự mua để sử dụng là nước muối sinh lý nhỏ mắt NaCl 0,9%. 

Đặc biệt, trên mạng xã hội hiện có nhiều người không có chuyên môn nói chưa chuẩn về thuốc điều trị đau mắt đỏ khiến người dân đổ xô đi mua thuốc nhỏ mắt. Thực tế, không bác sĩ nào lên mạng hướng dẫn bệnh nhân tự mua thuốc. Người dân mua về cũng không biết nhỏ vào mắt liều lượng như thế nào, thời gian sử dụng trong bao lâu nên rất nguy hiểm.

Sở Y tế TP.HCM khẳng định, trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh khác nhau và đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sỹ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Hiện nay, ngoài Tobrex, trên thị trường có nhiều loai thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin, Tobramycin… đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ. Như vậy, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn, không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh, Corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không những không có tác dụng mà còn có thể làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, khẩu trang, kính mắt.

Vệ sinh thường xuyên mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý và các loại thuốc nhỏ mắt, mũi thông thường; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Khi có dấu hiệu mắc bệnh đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh biến chứng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang