Khánh Hòa: Tiêu hủy hàng nghìn lít xăng, dầu không rõ nguồn gốc

author 06:47 27/08/2022

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức tiêu hủy hơn 8 nghìn lít xăng, dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, có 4.700 lít dầu DO, 1.780 lít xăng và 1.700 lít dầu nhờn.

Đây là số xăng, dầu bị lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tịch thu trong đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hồi tháng 2 do không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hiện không còn giá trị sử dụng.

Do thuộc nhóm chất thải nguy hại nên toàn bộ số xăng, dầu này được Phòng Cảnh sát kinh tế vận chuyển đến Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa để tiêu hủy theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn.

 Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy hàng nghìn lít xăng, dầu không rõ nguồn gốc. Ảnh tư liệu

Việc tiêu hủy công khai số tang vật bị tịch thu do vi phạm pháp luật nhằm tuyên truyền, răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái…góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh.

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng vừa được Chính phủ ban hành, hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng phương tiện đo bị sai, bị hỏng hoặc không đạt yêu cầu về đo lường, sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép; tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Đối với một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng chứng chỉ kiểm định (Giấy chứng nhận kiểm định hoặc dấu kiểm định, tem kiểm định) giả mạo; không thực hiện kiểm định phương tiện đo trong thời hạn quy định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; làm thay đổi cấu trúc kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo; tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép; hoặc có hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu thì sẽ bị phạt tiền từ 35-50 triệu đồng.

Nghị định cũng nêu rõ, phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục đăng ký giá bán xăng dầu trong nước với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hành vi không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ xăng dầu cho các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu cũng bị phạt ở mức 60-80 triệu đồng.

Ngoài ra, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quy định về mức điều chỉnh giá, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu và thời gian tối đa giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu.

An Nguyên (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang