Khánh Hòa xử lý cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam

author 15:53 30/01/2024

(VietQ.vn) - Qua kiểm tra và xác minh Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện Hộ kinh doanh Trần Anh Tuấn có dấu hiệu buôn bán phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Qua thời gian giám sát, nắm bắt tình hình địa bàn, ngày 28/12/2023 theo đề xuất của kiểm soát viên quản lý địa bàn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng phương án đồng thời phối hợp với đại diện chủ thể quyền Chi nhánh Công ty Luật Phạm và Liên doanh tại thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Trần Anh Tuấn (biển hiệu Quang Hưng) - kinh doanh phụ tùng xe gắn máy, địa chỉ: 315 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh.

Qua kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh Trần Anh Tuấn có dấu hiệu vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam (Honda, Yamaha).

 Khánh Hòa phát hiện hộ kinh doanh phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Cục QLTT Khánh Hòa

Đoàn kiểm tra đã lập biên tạm giữ hàng hóa là phụ tùng xe gắn máy với 148 đơn vị sản phẩm các loại có tổng trị giá 13.070.000 đồng, gồm: 10 cái thớt đề, 07 cái dây thắng xe máy nhãn hiệu Yamaha; 71 bộ dây phanh trước, 10 cái dây ga xe gắn máy, 04 cái dây col mô tô, 08 cái dây thép không gỉ, 14 cái dây thắng sau, 02 cái dây phanh, 17 cái dây curoa, 05 cái bọc tay nắm xe máy nhãn hiệu Honda, đồng thời báo cáo, đề xuất Đội trưởng ban hành Quyết định thẩm tra, xác minh để xử lý theo quy định của phát luật.

Kết quả, qua thẩm tra, xác minh lực lượng chức năng đã xác định Hộ kinh doanh Trần Anh Tuấn do ông Trần Anh Tuấn chủ hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam (Honda, Yamaha). Đội Quản lý thị trường số 2 đã chuyển hồ sơ vụ việc (do vượt thẩm quyền) lên cấp có thẩm quyền để xử lý vụ việc.

Ngày 25/01/2024 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số: 244/QĐ-XPVPHC đối với hộ kinh doanh Trần Anh Tuấn với số tiền 16.000.000 đồng đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 148 đvsp hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha được bảo hộ tại Việt Nam.

Để giảm thiểu tình trạng này kinh doanh, buôn bán hàng giả mạo, trong thời gian tới Đội tiếp tục tăng cường thực hiện Kế hoạch 888 trên nhiều lĩnh vực, tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý địa bàn đồng thời xử lý nghiêm các hành vi mua bán, hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nói tới tình trạng buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu, với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất ở Việt Nam, mà còn sản xuất cả ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Đặc biệt, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện xe máy nói riêng, hàng hóa nói chung xuất hiện chẳng những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, an toàn tính mạng của người sử dụng. Quan trọng hơn, dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm phương hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp này.

Về dài hạn, vấn đề này làm giảm chỉ số xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nổi bật như CPTTP, EVFTA, trong đó việc bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nội dung quan trọng của cam kết. Do đó để ngăn chặn tình trạng này cần sự tham gia quyết liệt của các hiệp hội chung tay cùng doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy

Thông tư 26/2019/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng và 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng, linh kiện ô tô, mô tô, xe gắn máy.Theo đó, ban hành 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng, linh kiện ô tô, mô tô, xe gắn máy gồm:

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy chì dùng trên xe mô tô, xe gắn máy; Mã số: QCVN 47:2019/BGTVT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới; Mã số: QCVN 52:2019/BGTVT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới; Mã số: QCVN 53:2019/BGTVT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng; Mã số: QCVN 82:2019/BGTVT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện; Mã số: QCVN 91:2019/BGTVT.

Bên cạnh đó, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô; Mã số: QCVN 33:2019/BGTVT.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang