Tòa án tối cao chịu trách nhiệm bồi thường người ngồi tù oan sai 10 năm

author 06:54 06/11/2013

(VietQ.vn) - Thông thường khi bị oan sai người dân có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tòa án đã có quyết định, bán làm oan sai bản thân, người thân của họ, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp trên, cơ quan Viện kiểm sát có thẩm quyền …

Dư luận hiện đang rất quan tâm đến câu chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn, người vừa được trả tự do sau 10 năm chịu án chung thân về tội giết người, và nhiều người bàn tới trách nhiệm bồi thường oan sai của cơ quan công quyền khi kết án cho ông. Tại sao người dân quan tâm đến câu chuyện này, vì sao trách nhiệm bồi thường ngỡ như là chuyện đương nhiên lại được bàn đến sôi nổi?

Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao, Công ty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) xung quanh câu chuyện đang được quan tâm này để có được cái nhìn toàn diện và cụ thể hơn các vấn đề đang được quan tâm.

Nguyễn Thanh Chấn

Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau 10 năm ở tù

- Nhiều người quan tâm đến việc ông Nguyễn Thanh Chấn khi được minh oan thì cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường, hiện nay căn cứ pháp lý của việc bồi thường này như thế nào thưa ông?

Trước đây, khi chưa có Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 thì các văn bản điều chỉnh về vấn đề này có Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra; Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hiện nay, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 điều chỉnh các vấn đề về bồi thường oan sai như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn mà dư luận quan tâm.

- Ai, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn về những thiệt hại to lớn về tinh thần, vật chất khi ông Chấn được minh oan?  

Theo khoản 2, Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp: Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội; Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội; Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, trường hợp Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn có tội tại phiên xử phúc thẩm, sau đó ông Chấn được minh oan thì Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho ông Chấn.

- Những thiệt hại nào được bồi thường, mức bồi thường ra sao, thưa luật sư?

Điều này quy định khá rõ trong Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 và Thông tư số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT. Theo đó các trong trường hợp này các thiệt hại được bồi thường có thể xác định là: Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; thiệt hại do tổn thất về tinh thần được xác định là cứ một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường ba ngày lương tối thiểu; Thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ như chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị ...

Ngoài ra, người bị oan sai hoặc người đại diện có quyền yêu cầu khôi phục danh dự, việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức như: Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên; Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp …

- Ông đánh giá như thế nào về việc bồi thường của nhà nước theo các quy định nêu trên đối với người bị oan sai?

Có những điều tiền bạc, vật chất không bao giờ có thể bù đắp được. Mất mát của những người như ông Chấn là rất lớn. Lật lại chuỗi diễn biến của vụ việc thì việc để ra oan sai này cần được nhìn nhận với tinh thần trách nhiệm cao nhất của những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu không có cuộc hành trình kêu oan, đi tìm công lý của người nhà ông Chấn thì khó có một kết thúc như hiện nay. Rõ ràng cuộc đi tìm công lý của họ thực sự đơn độc, nếu không câu chuyện oan trái đã không phải kéo dài đến mười năm.

- Người dân khi bị oan sai thường không biết tìm đến đâu để được giải quyết, vậy họ cần phải nhờ đến ai khi gặp oan trái để được minh oan?

Thực ra không hẳn người dân không biết tìm đến đâu để kêu oan. Thông thường khi bị oan sai người dân có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tòa án đã có quyết định, bán làm oan sai bản thân, người thân của họ, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp trên, cơ quan Viện kiểm sát có thẩm quyền …

Cái chính là vì sao oan sai thường được giải quyết bởi những tác động của các cơ quan … không có thẩm quyền theo luật, mà phải bởi sự can thiệp của những cơ quan vượt cấp. Bởi người dân trong nhiều trường hợp không được hỗ trợ một cách kịp thời, họ rất đơn độc trong hành trình tìm kiếm công lý của mình.

- Nhiều người cho rằng dường như các cơ quan công quyền chưa có thói quen bồi thường do oan sai?

Thực tế có chuyện này, có nhiều trường hợp theo luật thì khi xác định rõ oan sai, được yêu cầu bồi thường thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm phải chủ động ngồi lại với người bị oan sai để bồi thường cho họ, nhưng nhiều khi cơ quan nhà nước đâu có dễ dàng làm như vậy. Như vừa qua có vụ án bà Đào Thị Hồng ở Quảng Trị bị oan sai, Viện kiểm sát làm sai không chịu bồi thường buộc bà Hồng phải kiện ra Tòa án, mà kiện xong rồi cũng chưa dễ mà đòi được tiền của cơ quan nhà nước …

Câu chuyện bồi thường cho người bị oan sai cũng cần được nhìn nhận như một trách nhiệm thường xuyên, tạo thành thói quen chủ động của người nhà nước, nếu không người dân không tin mấy vào những gì màu mè gọi là luật pháp, công lý …

- Làm gì để ngăn ngừa những câu chuyện như thế này, thưa ông?

Giảm thiểu oan sai thì việc tiến hành tố tụng phải công tâm, làm đúng quy trình và phải có trách nhiệm với sinh mệnh con người. Chúng ta thực ra đang có thói quen buộc tội, mà chưa sẵn sàng vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự. Nếu có thói quen cứ khởi tố rồi là phải làm sao cho có tội, đã truy tố rồi là phải xử cho có án thì tình trạng oan sai vẫn sẽ đến, càng nhiều hơn. Nhiều người nói trách nhiệm bồi thường oan sai ngày càng được đề cao có thể làm giảm thiểu những oan trái, nhưng cái gốc tự thân vẫn phải là một nền tố tụng minh bạch và thực sự vì quyền con người.

Nếu không tình trạng ép cho đến cùng người oan để họ không còn đường giải oan hòng tránh việc phải bồi thường cũng không có gì lạ. Câu chuyện cải cách tư pháp vẫn là chuyện dài, cần phải làm từ gốc rễ để có thể tạo nên một quy trình tố tụng đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật, đảm bảo quyền con người được bảo vệ, làm được điều đó có thể giảm thiểu oan sai...


Hoàng Lan (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang