Khi robot dò bom mìn được dùng để phát hiện virus Sars-CoV-2

author 06:46 19/10/2020

(VietQ.vn) - Công ty khởi nghiệp Koniku (Mỹ) đang nỗ lực chuyển đổi một robot dò bom mìn thành thiết bị phát hiện Sars-CoV-2 gây bệnh Covid-19 với tốc độ nhanh hơn phương pháp xét nghiệm truyền thống.

Theo các nhà khoa học, các tế bào chứa mầm bệnh giải phóng những hợp chất hữu cơ phát ra mùi hương và một số động vật/robot có thể ngửi được. Dựa trên nguyên lý đó, Koniku đã hoán cải robot Konikore để “đánh hơi” các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có trong hơi thở của người nhiễm Sars-CoV-2. Người máy hình đĩa bay này có một con chip silicon được lập trình để nhận ra mùi hương nhất định. Khi ấy, đèn báo hiệu của robot sẽ sáng lên.

Trong các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên, Konikore đã điểm mặt chính xác sự hiện diện của virus cúm A. Sắp tới, Koniku sẽ thử nghiệm robot đối với các mẫu bệnh của những người xét nghiệm Sars-CoV-2 để so sánh với phương pháp truyền thống. Koniku tin rằng những sản phẩm đầu tiên sẽ được bàn giao cho khách hàng trước cuối năm nay.

Hiện, robot này đang được hãng sản xuất máy bay Airbus nghiên cứu để giúp xác định chất nổ và các vật liệu nguy hiểm tiềm ẩn trên các máy bay cũng như phi trường. Trong điều kiện tốt nhất, phiên bản này mất chưa tới 10 giây để đưa ra phản hồi. Trong thử nghiệm gần đây, thiết bị cũng cho thấy khả năng phát hiện chất nổ tốt hơn chó nghiệp vụ.

Robot Konikore của Công ty Koniku. Ảnh: Daily Mail 

Trước đó, bàn về việc ứng dụng robot vào phòng chống dịch Covid-19, tờ Nikkei Asian Review nhận định, từ lâu lực lượng robot đã đứng sau “hậu trường” tăng cường hiệu quả, năng lực sản xuất trong các nhà máy và nhiều nơi khác. Nhưng lúc này, robot đã trở thành tâm điểm chú ý với vai trò đối tác tin cậy giúp giữ an toàn cho mọi người trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Vận chuyển, khử trùng và các công việc khác đang được robot đảm nhiệm ngày càng nhiều nhằm giúp giảm bớt sự tiếp xúc của con người và hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế đang quá tải ở nhiều quốc gia. Những cỗ máy này thay thế công nhân và ngày càng thông minh hơn với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo các đánh giá, thị trường robot dịch vụ toàn cầu có tiềm năng khoảng 37 tỷ USD trong vòng vài năm tới. Do đó, hiện tại, nhiều công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nơi khác đang gấp rút thương mại hóa đội robot dịch vụ.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang