Khó khăn trong xử lý tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp

author 06:37 17/10/2021

(VietQ.vn) - Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp gặp nhiều khó khăn do các quy định pháp luật chưa rõ ràng.

Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thường lợi dụng sự thông thoáng trong thông quan điện tử để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ…; lợi dụng thương mại điện tử, hàng hóa vận chuyển theo hình thức độc lập để gian lận thương mại, trốn thuế. Hoạt động này diễn ra ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng, tình trạng khai sai về xuất xứ để trục lợi, trốn thuế khiến việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Hải quan gặp nhiều khó khăn. Đơn cử quý 3/2021, Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu gian lận về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua biên giới.

Trong đó, 3 doanh nghiệp khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã bị xử lý theo quy định. Mặc dù những doanh nghiệp này nhập khẩu các mặt hàng Trung Quốc nhưng lại khai xuất xứ made in Japan, Germany, Mexico, India, USA; khai chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…

Một trường hợp khác là Công ty TNHH Trần Hoàng Việt Nam, mặc dù làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng kéo cắt tỉa cây bằng sắt mạ kết hợp nhựa, bộ lọc không khí và bộ lọc dầu, lõi lọc nước, bộ phận của máy lọc nước của Trung Quốc nhưng lại khai xuất xứ Nhật Bản, Đức, Mexico, Ấn Độ, Hoa Kỳ. Tương tự, Công ty CP Homely Thái Lan nhập khẩu mặt hàng máy ép chậm dùng ép rau quả từ Trung Quốc nhưng chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Đối với hình thức xuất khẩu, thủ đoạn gian lận là doanh nghiệp nhập hàng hóa từ nước khác vào Việt Nam, dán mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu. Mới đây, lực lượng kiểm tra sau thông quan đã xử lý một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng tơ sợi, vải lụa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Hoặc còn có những trường doanh nghiệp không có hoặc có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam nhưng hàng hóa lại gắn mắc Việt.

Việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp đang khó khăn do các quy định pháp luật hiện chưa rõ ràng, chưa cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam? Thực tế, các khái niệm về xuất xứ được ghi trên hàng hóa hiện nay rất nhiều như: “Made in Viet Nam, Made by Viet Nam, Of Vietnam origin, Product of Vietnam... nên gây nhiều cách hiểu khác nhau.

Ảnh minh họa

Hành vi “giả mạo xuất xứ” được quy định trong Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có chế tài xử lý rất nặng nhưng không xử lý được trong thực tế. Nguyên nhân do chưa có quy định cụ thể, thống nhất cách hiểu thế nào là “giả mạo xuất xứ” nên dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện khi tiến hành xử lý. Do vậy theo Tổng cục Hải quan, nội dung này cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhưng cũng giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Kiểm tra sau thông quan đã thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro 150 doanh nghiêp.

Đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết, từ nay tới cuối năm tiếp tục triển khai chuyên đề xuất xứ có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng và nhân lực có hạn. Trong đó, cơ quan này tập trung thanh tra, kiểm tra vào các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào 3 thị trường là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và có sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Từ kết quả đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng để hoàn thiện các chính sách, quy định của Nhà nước đối với xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Liên quan tới vấn đề trên, Bộ KH&CN đã hoàn thiện Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Dự thảo nghị định này đã bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh gồm cả hàng hóa xuất khẩu. Nội dung quy định cụ thể đối với nhãn hàng hóa xuất khẩu được giới hạn ở phạm vi ghi xuất xứ hàng hóa để phòng chống gian lận thương mại, các nội dung khác ghi theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Ngoài ra, Dự thảo nghị định cũng quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa. Đối với hàng hóa lưu thông trong nước, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt, gồm: tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, Nghị định 43 được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo từ Nghị quyết 19 (cũ) và Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 do Chính phủ ban hành. Nghị định 43 ra đời dựa trên quan điểm vừa tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Kể từ khi ra đời, Nghị định 43 ngoài việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, giúp cơ quan chức năng làm tốt hoạt động quản lý nhà nước về sản phẩm hàng hóa, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Ví dụ trong Nghị định 43 có quy định miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong các dịch vụ sửa chữa, bảo hành chính hãng mà không nhằm mục đích mua bán trên thị trường. Hay quy định miễn ghi nhãn phụ đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nội bộ (không phục vụ việc mua bán trên thị trường).

Đó là điểm mới mà Nghị định 43 đưa ra so với trước đây. Ví dụ như trước đây bất kể hàng hóa là linh kiện, nguyên liệu, nếu không có nhãn Tiếng Việt thì bắt buộc phải ghi nhãn phụ. Việc này khiến doanh nghiệp tốn kém trong việc tổ chức ghi nhãn, in ấn, tốn kém chi phí, thời gian….

Còn điểm mới nữa là đối với hàng hóa không xuất khẩu được ra nước ngoài (có thể do không đáp ứng chuẩn xuất khẩu) nhưng nếu vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước (đảm bảo chất lượng, an toàn) thì vẫn được sử dụng nhãn cũ nhưng được phép gắn thêm nhãn phụ lên để thể hiện rằng hàng đó là hàng xuất khẩu quay lại thị trường trong nước. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều.

Nghị định 43 còn cho phép doanh nghiệp tự xác định ghi nhãn hàng hóa theo quy định về xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thuận lợi giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí. Về nguyên tắc, Nhà nước rất tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp tự xác định xuất xứ theo quy tắc xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, cũng yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch, trung thực.

Bảo Lâm (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang