Khó thở, ngất xỉu vì tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 tại nhà

author 15:32 05/11/2021

(VietQ.vn) - Mới đây một người phụ nữ tại TP.HCM đã bị khó thở, SpO2 tụt thấp do tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 tại nhà mà không theo sự chỉ dẫn bác sĩ.

Ngất xỉu vì tự mua thuốc điều trị Covid-19 tại nhà

Bác sĩ Lê Thị Bảo Yến (phụ trách Trạm y tế lưu động số 1) tại TP.HCM kể, khi chị và đồng nghiệp mang bình oxy tới nhà, yêu cầu test lại, người phụ nữ kiên quyết không đồng ý. Bà nói đã tự test âm tính, chỉ muốn mượn bình oxy để hỗ trợ hô hấp. Do trước đó, trạm y tế lưu động thường xuyên cho bệnh nhân bị hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trên địa bàn mượn bình oxy dùng tại nhà, nên đồng ý cho mượn. Bác sĩ Yến dặn bà nếu có dấu hiệu khó thở nặng hơn, phải gọi điện ngay để được xử trí.

Hôm sau, khi tháo mặt nạ oxy để đi vệ sinh, bà bị ngất. Kết quả test nhanh người phụ nữ và con gái đều dương tính. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 6. Khoảng 40 phút sau nhập viện, người bệnh phải chuyển tuyến cấp cứu đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP Thủ Đức. Hiện, liên hệ với người nhà, bác sĩ Yến cho biết bệnh nhân đã thoát nguy kịch, cai máy thở, tình trạng sức khỏe ổn định hơn.

Tương tự, tại phường 11 có hai vợ chồng ông cụ đều trên 80 tuổi, biết mắc Covid-19 khi các con tự test tại nhà. Ban đầu, người nhà mua thuốc cho ông bà uống, sau vài ngày, ông cụ khó thở, ho nhiều, mới báo nhân viên y tế tới thăm khám.

Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 tại nhà. Ảnh minh họa 

Bác sĩ Yến nhận định cụ ông nguy cơ trở nặng, phải nhập viện để chăm sóc y tế toàn diện. Tuy nhiên người nhà bày tỏ, cụ ông mắc bệnh nền tai biến mạch máu não, cần có gia đình bên cạnh, sợ vào bệnh viện sẽ mất liên lạc, họ quá lo lắng nên năn nỉ xin được chăm sóc ông tại nhà. Nhấn mạnh trong bệnh viện có đội ngũ tình nguyện viên chuyên nghiệp, tận tâm chăm sóc cụ, vẫn không thuyết phục được gia đình, bác sĩ Yến đành hướng dẫn gia đình theo dõi bệnh nhân kỹ lưỡng, cả cách sử dụng bình oxy... Chưa đầy 24 giờ sau, hai ông bà đều khó thở hơn, nhân viên y tế phải quay lại nhà đưa ngay bệnh nhân đến Bệnh viện dã chiến số 6 điều trị. Hàng ngày, tình hình sức khỏe hai ông bà được bệnh viện thông báo cho gia đình qua điện thoại.

Theo các bác sĩ, đây là 3 trường hợp mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà ở phường 11, quận 3, trong vài tuần gần đây, đến khi trở nặng mới cầu cứu y tế.

Bác sĩ Yến thông tin thêm, nhiều người dân mang tâm lý chủ quan rằng đã tiêm hai mũi vaccine, có bệnh nền và nhiễm virus cũng không đáng lo ngại hoặc họ sợ phải đi cách ly tập trung, không báo cho y tế địa phương.

Tuyệt đối không nên mua thuốc điều trị Covid-19 theo hướng dẫn trên mạng

Bác sĩ Yến cũng khuyến cáo người dân nếu có triệu chứng bệnh, hoặc tự test nhanh dương tính, cần liên hệ ngay với y tế địa phương để được thăm khám, đánh giá, phân loại nguy cơ trở nặng nhằm xử trí phù hợp. Người lớn tuổi, có bệnh nền, sống một mình dù đã tiêm vaccine vẫn cần nhập viện. Đặc biệt, không nên mua thuốc theo hướng dẫn trên mạng mà không phải nhân viên y tế, hoặc chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân để tự điều trị Covid-19.

Cũng theo các bác sĩ, hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số người đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng vào thị trường rồi bán lại với giá gấp đôi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tinh vi hơn, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa. Do đó người dân cần cảnh tỉnh trước những lời quảng cáo môi trường mạng internet về thuốc điều trị Covid-19. Bởi hiện nay, phương án phòng chống Covid-19 tối ưu nhất chính là 5K + vaccine phòng Covid-19.

Còn theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hành động dựa trên thông tin sai lệch có thể trả giá bằng cả tính mạng. Tổ chức này thông tin thêm, trong 3 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch bắt đầu lan rộng ra khắp thế giới, gần 6.000 người trên toàn cầu đã phải nhập viện, trong khi ít nhất 800 người có thể đã chết do thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19.

Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng ngành y tế cũng đưa ra khuyến cáo người dân khi mắc Covid-19, điều trị Covid-19 không đơn thuần là dùng thuốc. Không nên nhầm lẫn giữa mục đích là cần có thuốc hay mục đích là điều trị bệnh. Vì thuốc chỉ là một phần trong quá trình điều trị bệnh. Người bệnh phải trải qua nhiều giai đoạn bệnh với các triệu chứng khác nhau và thuốc sử dụng cho bệnh nhân có nhiều loại, tùy theo triệu chứng bệnh và giai đoạn bệnh. Các thuốc điều trị dự phòng, cần có sự kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau, phối hợp như thế nào để an toàn và hiệu quả cũng là một vấn đề.

Hơn nữa, theo quảng cáo các trang mạng, thuốc điều trị Covid-19 trên thị trường có rất nhiều loại, người mua rất dễ mua thuốc theo cảm tính, theo quảng cáo, nhiều loại thuốc nhập lậu, không có nhãn phụ, không rõ thành phần và tác dụng… Việc sử dụng thuốc như vậy sẽ chưa thấy hiệu quả mà còn dễ gây ra hậu quả xấu.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng cảnh báo, người dân không nên săn lùng uống các loại thuốc này vô tội vạ, dẫn đến tiền mất tật mang. Mỗi người có một cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau, do đó cần có sự chỉ định về liều lượng của bác sĩ. Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được điều trị ở buồng bệnh hồi sức tích cực. Ca bệnh nặng, nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được hồi sức tích cực. 

Quan trọng hơn cả việc chữa bệnh là phòng bệnh, cần tuân thủ về việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, tiêm vắc xin đầy đủ. Nếu chúng ta không mắc bệnh thì không cần dùng tới thuốc điều trị. Việc tiêm vaccine sẽ giúp chúng ta ít trở nặng khi mắc Covid-19, hạn chế việc dùng thuốc và các can thiệp khác.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang