Dùng thuốc gây tê khi lăn kim chữa mụn có thể gây khó thở, rối loạn tri thức

author 06:13 27/08/2022

(VietQ.vn) - Người phụ nữ 36 tuổi bị toàn thân mẩn đỏ, khó thở và rối loạn tri thức sau khi dùng thuốc gây tê để lăn kim trị mụn.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận nữ bệnh nhân 36 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc nặng (huyết áp không đo được), giảm oxy máu, nhiễm toan chuyển hoá nặng, lơ mơ... sau khi đi trị mụn ở lưng tại spa.

Trước đó, người này đến một spa thực hiện thủ thuật lăn kim chữa mụn ở lưng. Đây là một trong những phương pháp xâm lấn tối thiểu được cho là có thể cải thiện các rối loạn về da với hiệu quả ở một chừng mực. Dụng cụ có đầu kim lăn gồm nhiều kim nhỏ thường đường kính 0,1-0,25 mm và dài 0,25-2,5 mm. Để thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, sau đó được kỹ thuật viên lăn thiết bị lên da từ 15 đến 20 lần trên vùng điều trị.

Bệnh nhân trên cho biết, sau khi cô được bôi thuốc tê ở nửa lưng, nhân viên spa ủ tê bằng màng bọc thực phẩm. Khi lau thuốc tê, nhân viên tiến hành lăn kim kết hợp với thuốc đông y để trị mụn. Khoảng 30 phút sau, cô xuất hiện triệu chứng đỏ toàn thân, ngứa, khó thở và rối loạn ý thức, được nhân viên cơ sở spa sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện.

 Lăn kim trị mụn tại spa không uy tín gây nhiều biến chứng. Ảnh minh họa

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ kết hợp ngộ độc lidocaine, nguyên nhân là thuốc gây tê tại chỗ hấp thu qua da trên diện rộng và từ từ gây ngộ độc. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu, lọc máu liên tục cho người bệnh. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân trên là ca điển hình của ngộ độc thuốc tê do bị quá liều thuốc tê lidocain.

"Ban đầu, bệnh nhân không may bị sốc phản vệ nhiều khả năng là do methyl paraben", bác sĩ nói. Sau đó, thuốc tê ngấm từ từ qua da tới mức gây ngộ độc, gây loạn nhịp tim muộn, may mắn bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ cho biết loại thuốc tê bệnh nhân dùng là ở dạng gel, tương tự kem bôi chứa lidocain với hàm lượng trên 15%. Đây hàm lượng rất cao, trong khi loại thuốc tê dùng để tiêm thường chỉ ở nồng độ 2%. Loại gel gây tê này đồng thời có chứa tá dược là methylparaben có thể gây dị ứng.

Bác sĩ khuyến cáo trường hợp ngộ độc thuốc gây tê rất nặng, nguy kịch, dễ tử vong và dễ dàng xảy ra với nhiều dạng phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ như bôi thuốc tê rộng trên da, đặc biệt kết hợp lăn kim trên da hoặc trên vùng da có tổn thương, bệnh da có sẵn, gây tê lấy mỡ bụng, gây tê tủy sống... Đây đều là các thủ thuật đòi hỏi người thực hiện là các nhân viên y tế được đào tạo chuyên khoa và phải được tiến hành ở bệnh viện có điều kiện cấp cứu hồi sức để kịp thời xử trí tai biến ngộ độc do thuốc tê.

Bác sĩ khuyên người muốn áp dụng các thủ thuật, kỹ thuật thẩm mỹ xuyên qua da (còn gọi là các thủ thuật/kỹ thuật xâm nhập thường bằng kim hoặc dao mổ), hay có bôi, đắp thuốc trên diện da rộng, thì cần tiến hành tại bệnh viện đảm bảo đúng chuyên môn về thẩm mỹ và cấp cứu hồi sức. Những thủ thuật này tuyệt đối không thực hiện ở tiệm spa, hớt tóc, thẩm mỹ hoặc phòng khám không đảm bảo an toàn.

Cũng theo các bác sĩ, trị mụn bằng lăn kim không phải ai cũng hết mà tùy theo cơ địa, tình trạng da của từng người và khi điều trị cần chế độ chăm sóc rất nghiêm ngặt. Bạn nên đến các cơ sở da liễu uy tín để bác sĩ khám và tư vấn chi tiết phương pháp điều trị thích hợp nhất cho da.

Đặc biệt, lăn kim không nên thực hiện khi người bị viêm da cơ địa, trứng cá đỏ, vảy nến, dày sừng ánh sáng, mụn lồi có cuống, mụn cóc, mụn trứng cá ở giai đoạn hoạt động, sẹo lồi, vết thương hở, vùng cần điều trị đang có tình trạng nhiễm trùng như nhiễm HSV (Herpes Simplex Virus), nhiễm nấm, nhiễm khuẩn. Lăn kim có thể làm lan rộng và nặng thêm những tình trạng này.

Ngoài ra, người có bệnh lý đái tháo đường, rối loạn đông máu hay đang dùng thuốc kháng đông, bệnh lý mạch máu collagen, xơ cứng bì cũng nên xem xét cẩn thận trước khi thực hiện thủ thuật này.

Nếu lăn kim không đúng cách sẽ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, viêm da tiếp xúc dị ứng khi sử dụng các chất không rõ nguồn gốc hay có thành phần dễ gây kích ứng, dị ứng da, có thể để lại sẹo, rối loạn sắc tố nếu điều chỉnh độ sâu lăn kim cho vùng điều trị không thích hợp hoặc lạm dụng trong một thời gian ngắn.

Sở Y tế TP.HCM quy định 16 tiêu chuẩn dành cho phòng khám thẩm mỹ 

1. Tất cả nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và phải đăng ký hành nghề.
2. Nếu phòng khám có hợp đồng với nhân viên y tế hiện là viên chức nhà nước phải có văn bản của người đứng đầu đơn vị cho phép làm việc ngoài giờ.
3. Bố trí đủ nhân sự để hỗ trợ bác sĩ thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và theo dõi người bệnh.
4. Nếu phòng khám có khám, chữa bệnh cho người nước ngoài, bác sĩ phải được cấp giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngoại ngữ hoặc có người phiên dịch theo đúng quy định.
5. Nếu cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ người nước ngoài tham gia khám, chữa bệnh, phải có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề phù hợp do Bộ Y tế cấp, được cấp giấy chứng nhận sử dụng thành thạo tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc có người phiên dịch theo đúng quy định.
6. Phòng khám chỉ được hoạt động sau khi Sở Y tế đã thẩm định và cấp phép.
7. Biển hiệu của phòng khám phải đúng quy cách và đầy đủ nội dung theo quy định. Cơ sở thẩm mỹ phải trình nội dung quảng cáo lên Sở xét duyệt.
8. Tất cả kỹ thuật chẩn đoán và điều trị của phòng khám phải được Sở Y tế thẩm định và phê duyệt trước khi thực hiện.
9. Khi thay đổi nhân sự thực hiện kỹ thuật, người chịu trách nhiệm chuyên môn phải báo cáo về Sở Y tế để thẩm định, phê duyệt lại các kỹ thuật có liên quan.
10. Trong quá trình hoạt động, nếu phòng khám có nhu cầu bổ sung thêm kỹ thuật thì phải gửi hồ sơ để được Sở Y tế thẩm định và phê duyệt bổ sung trước khi triển khai thực hiện.
11. Bác sĩ điều trị phải là người trực tiếp tư vấn cho người bệnh về chỉ định và các phương pháp can thiệp để người bệnh biết rõ và chọn lựa.
12. Nội dung tư vấn phải bao gồm cả hiệu quả can thiệp và tác dụng không mong muốn, phải được thể hiện và lưu vào hồ sơ bệnh án.
13. Phòng khám phải lập hồ sơ bệnh án ngoại trú cho từng người bệnh đến khám và điều trị theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng đúng biểu mẫu hồ sơ bệnh án ngoại trú do Bộ Y tế ban hành.
14. Bác sĩ điều trị ghi chép đầy đủ các mục quy định trong bệnh án, lưu ý những nội dung về thăm khám, chẩn đoán, đánh giá tình trạng người bệnh trước và sau phẫu thuật, thủ thuật.
15. Cơ sở thẩm mỹ phải có phiếu tường trình thủ thuật, phẫu thuật phải được ghi đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Y tế. Hồ sơ bệnh án phải được lưu trữ theo đúng quy định.
16. Phòng khám phải ghi đầy đủ thông tin theo đúng biểu mẫu của Bộ Y tế, tuân thủ nghiêm các quy định về kê đơn thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang