Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp

author 16:46 31/03/2023

(VietQ.vn) - Đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 14 tỷ USD trong quý II/2023, ngành nông nghiệp cần tập trung hạn chế tối đa thủ tục hành chính, có các kế hoạch, mô hình sản xuất sáng tạo, phù hợp; tổ chức sản xuất cần gắn với rải vụ để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu. Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, bởi đây là động lực để thay đổi bộ mặt sản xuất của ngành nông nghiệp.

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2023 của Bộ NN&PTNT ngày 31/3/2023. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
 

Quý 1 tăng trưởng khá 

Trong 3 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát; nhưng giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao. Nhờ chủ động triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định và an sinh xã hội. 

Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản trong 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 9,44 tỷ USD. Như vậy, trong quý 1/2023, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn hơi giảm, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá lợn giảm theo xu thế chung trên thế giới do tác động của dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Điển hình như ở Trung Quốc, giá lợn của nước này có thời điểm năm 2022 cao hơn của Việt Nam 25.000 – 27.000 đồng/kg nhưng hiện đã ngang với Việt Nam là 2,1 USD/kg, tương đương hơn 49.000 đồng/kg. Tương tự, giá lợn hơi của Philipines, Thái Lan cũng ở mức thấp.

Hiện, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cụ thể để giảm giá thành sản xuất như hỗ trợ cho hộ chăn nuôi nhỏ phối trộn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, tận dụng tối đa nguyên liệu của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển chăn nuôi theo mục tiêu đa giá trị. 

Khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, Cục Chăn nuôi đã báo cáo Bộ về khai thác ngách hẹp đối với thức ăn chăn nuôi đó là đề xuất giảm 2% thuế với đậu tương và khô dầu. Các Hiệp hội chăn nuôi đang có ý kiến, Bộ NN&PTNT cũng đã có báo cáo Chính phủ để điều chỉnh mức thuế với đậu tương và khô dầu về 0%. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo Cục chăn nuôi áp dụng các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trong đó có hỗ trợ nhiều mặt trong chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi. Bộ cũng đã chỉ đạo các tập đoàn như C.P, De Heus trồng nguyên liệu tại chỗ như sắn, ngô, đậu tương để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất vẫn là nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn; đồng thời tăng chế biến và tiến tới xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp. 

Mở rộng thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT xác định năm 2023 sẽ là một năm còn nhiều khó khăn: lãi suất ngân hàng cao, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng… Do đó, phải đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới,… là nhiệm vụ ưu tiên của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn thời gian tới. 

Hiện nay, hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics còn yếu kém nên việc giải ngân vốn đầu tư công là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp. Do vậy, cần tập trung hạn chế tối đa thủ tục hành chính, có các kế hoạch, mô hình sản xuất sáng tạo, phù hợp, có kế hoạch rải vụ... Đặc biệt, phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để thay đổi bộ mặt sản xuất của ngành”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Về mở rộng thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, cần xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài; tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang