Khoa học và công nghệ - Động lực phát triển: Bài 1- Giải quyết hiệu quả những vấn đề KT-XH bức thiết

author 14:55 28/01/2021

(VietQ.vn) - Thực hiện đường lối của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp đồng hành với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai nhiều chương trình ưu tiên mang tính đột phá chiến lược, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào giải quyết các vấn đề bức thiết trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Đưa các chủ trương của Đảng vào cuộc sống

Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội luôn xác định: Khoa học-công nghệ là động lực quan trọng và là khâu đột phá trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bước sang giai đoạn 2015-2020, đường lối của Đảng về phát triển khoa học - công nghệ không chỉ được định hình trong các văn kiện riêng về khoa học và công nghệ, mà đã được đưa vào hầu hết các Nghị quyết Trung ương quan trọng liên quan tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã đồng hành với Bộ Khoa học và Công nghệ đưa nội dung phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương.

Nhiệm kỳ 2015-2020, trên cơ sở các Nghị quyết Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhanh chóng triển khai thực hiện, cụ thể hóa nội dung, yêu cầu gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Đặc biệt, việc nhất thể hóa người đứng đầu đồng thời là Bí thư cấp ủy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đã thuận lợi và thể hiện rõ nét hơn. Việc triển khai các nhiệm vụ chính trị trọng tâm đều gắn với trách nhiệm của đảng viên giữ vai trò cán bộ chủ chốt. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, bám sát chỉ đạo triển khai và thực hiện đôn đốc, kiểm tra, giám sát đã giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy trong Bộ liền mạch, thông suốt và hiệu quả hơn.

Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN 

Đảng ủy Bộ luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng trực thuộc triển khai kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua việc quán triệt, phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch hành động về khoa học-công nghệ vào thực tế cuộc sống. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng ngày càng được nâng lên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy với lãnh đạo đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị ngày càng được tăng cường.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng, hoặc phối hợp với các bộ liên quan tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội thông qua tổng số 5 Luật, một Nghị quyết của Quốc hội. Bộ đã trình Chính phủ ban hành 22 Nghị định, 34 Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ đã ban hành 82 thông tư, 6 thông tư liên tịch; phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các quy định tại Luật Quản lý tài sản công, các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hệ thống pháp luật khoa học-công nghệ ngày càng được hoàn thiện, tư duy quản lý hoạt động khoa học-công nghệ được đổi mới mạnh mẽ và luôn cập nhật với các xu hướng quốc tế tiến bộ. Những đổi mới tích cực trong quản lý hoạt động khoa học-công nghệ tập trung vào việc hoàn thiện đầu tư và cơ chế tài chính cho khoa học-công nghệ, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ; hoàn thiện các chính sách thu hút, sử dụng cán bộ khoa học-công nghệ, đặc biệt nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài, từng bước hình thành đội ngũ nhân lực khoa học-công nghệ trình độ cao. Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng cùng với hệ thống pháp luật về khoa học-công nghệ được hoàn thiện, tạo cơ sở và tiền đề cho khoa học-công nghệ phục vụ hiệu quả tăng trưởng kinh tế, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.

Giải quyết hiệu quả những vấn đề kinh tế-xã hội bức thiết

Thực tế gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19…, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học đã vào cuộc với các giải pháp, sáng chế mới, tiên phong, đầy trách nhiệm và hiệu quả.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến dịch phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp quốc gia đã nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống, ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát, sản xuất vaccine phòng dịch COVID-19... Các nhà khoa học Việt Nam đã nhanh chóng nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2, đưa Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công việc phân lập virus; nghiên cứu, chế tạo thành công và được Bộ Y tế cấp phép sử dụng 4 bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, được Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường Châu Âu (CFS).

Đại diện Học viện kỹ thuật quân sự giới thiệu robot hỗ trợ y tế với các bác sĩ bệnh viện Bắc Thăng Long. Ảnh: TTXVN phát 

Cùng với đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot VIBOT-1a có chức năng vận chuyển trong các khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao, có khả năng giao tiếp với bệnh nhân; chế tạo thành công robot NaRoVid1 hỗ trợ nhân viên y tế trong việc khử khuẩn, lau sàn nhà. Các nghiên cứu khoa học-công nghệ phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ; phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong việc xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, theo dõi (tracking) khách nước ngoài tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế…. có ý nghĩa to lớn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Xu thế mới toàn cầu trong đa dạng hóa nguồn đầu tư cho khoa học-công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ mang lại cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, điều tiết hoạt động khoa học-công nghệ, buộc Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng và có các giải pháp tiếp cận, tham gia một cách phù hợp. Trong 5 năm qua (2015-2020), Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sự thay đổi về quản lý và quản trị lĩnh vực khoa học công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: Nội dung khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng được cụ thể hóa nhằm tạo đột phá, đồng hành và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học-công nghệ ngày càng song hành và gắn kết mạnh mẽ với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi giá trị, mang thương hiệu Việt Nam, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người Việt Nam.

Bài 2- Cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang