Khoa học và công nghệ góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới

author 14:29 26/11/2018

(VietQ.vn) - Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phục vụ trực tiếp cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất ở nông thôn.

Nhằm góp phần thúc đẩy hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016 và giai đoạn 2016-2020 do Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức thực hiện. Đến nay, sau hơn bảy năm triển khai nhiều đề tài, dự án KH&CN, các mô hình sản xuất mới đã được ứng dụng vào quá trình xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Chương trình Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số do Bộ KH&CN chủ trì tổ chức thực hiện cũng có rất nhiều đóng góp cho việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói chung cũng như nông thôn mới nói riêng.

KH&CN đã được khẳng định là quốc sách hàng đầu, là nội dung cần được ưu tiên tập trung trước một bước trong hoạt động của các cấp, các ngành. Trong đó, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn đời sống là yêu cầu quan trọng và quyết định.

Không những thế, KH&CN cũng đã trở thành yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng. KH&CN được coi là “xương sống” để ngành nông nghiệp nâng cao giá trị cho nông sản. Không chỉ phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, KH&CN còn là lời giải cho bài toán tái cơ cấu ngành trồng trọt và xây dựng mô hình nông thôn mới trên cả nước...

Theo GS. Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2011-2016, Chương trình đã thu nhận được nhiều kết quả lớn.

Cụ thể, Chương trình đã triển khai được 69 nhiệm vụ (trong đó có 47 đề tài và 22 dự án), bám sát Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chuyển giao được 147 công nghệ và quy trình kỹ thuật; xây dựng được 185 mô hình chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, 26 sổ tay hướng dẫn nông dân làm khoa học, 5.000 hộ nông dân trên 100 xã được hưởng lợi, đào tạo được 11.000 lượt người tiếp nhận kiến thức khoa học và sản xuất theo chuỗi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới.

Đặc biệt, Chương trình cũng xuất bản một ấn phẩm đặc biệt mang tên “Khoa học với sự nghiệp nông thôn mới”. Ấn phẩm được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá là kết quả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học công nghệ.

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017 ngày 6/8/2018 ở Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận: Chương trình “đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, phục vụ trực tiếp cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất ở nông thôn, phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là giai đoạn bản lề quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc, đồng thời hướng đến 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”…

Thời gian qua, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới do Bộ KH&CN chủ trì đã đạt được nhiều thành tựu to lớn làm thay đổi quá trình sản xuất nông thôn. Ảnh: báo Công Thương

Cũng theo GS Nguyễn Tuấn Anh, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm tại Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/1/2017, Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tổng kết của chương trình KHCN phục vụ chương trình nông thôn mới và những nhiệm vụ cấp bách theo yêu cầu đặt hàng của Chính phủ và các địa phương.

Cụ thể là phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 1, tập trung vào các nhiệm vụ gắn với những vấn đề cấp thiết, xuất phát từ thực tiễn, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân và cộng đồng.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thực hiện Chương trình, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ các vùng khó khăn (thôn, bản) nâng cao vai trò của người dân để phấn đấu vươn lên, cải thiện môi trường nông thôn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, an ninh trật tự nông thôn, phát huy nguồn lực; đánh giá bước đầu những kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020, đề xuất mô hình xây dựng nông thôn mới sau năm 2020.

Chương trình trong giai đoạn tới cần ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng, phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa… Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án, mô hình phục vụ  triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Khẩn trương hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình. Cần hoàn thiện quy trình để đẩy nhanh tiến độ tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ phù hợp với đặc thù của Chương trình, nhất là đối với các nhiệm vụ đột xuất, theo đặt hàng của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương.

Cần xác định rõ tiêu chí lựa chọn đề tài, dự án để đảm bảo sự chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, tránh dàn trải, tập trung được nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đối với những đề xuất có quy mô nhỏ của các địa phương nên lồng ghép thành những nhiệm vụ lớn, giải quyết vấn đề có tính liên ngành, liên vùng.

Bảo Lâm

Bộ KH&CN giải đáp kịp thời thắc mắc về đăng ký nhãn hiệu doanh nghiệp(VietQ.vn) - Bộ KH&CN đã có văn bản trả lời doanh nghiệp xung quanh những thắc mắc về cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang