Khởi nghiệp của giới trẻ mang khát vọng cống hiến cho đất nước

author 14:52 16/03/2017

(VietQ.vn) - Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Bên cạnh vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng thể chế, chính sách thì các doanh nghiệp cũng đang chung tay hỗ trợ các startup theo cách của riêng mình.

Nếu như động lực khởi nghiệp của thế hệ doanh nhân trước đây xuất phát đơn giản từ nhu cầu mưu sinh, kiếm sống thì tinh thần khởi nghiệp của người trẻ bây giờ còn mang khát khao ước vọng hoàn thiện những mong muốn bản thân, từ đó cống hiến cho đất nước.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng để rõ hơn vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, năm 2016 được coi là một dấu mốc quan trọng, từ phía cộng đồng khởi nghiệp khi mà nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như nhiều đề án hỗ trợ khởi nghiệp, hành lang pháp lý cởi mởi hơn với cộng đồng khởi nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của hệ sinh khái khởi nghiệp (HSTKN) trong thời gian qua?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đánh giá về HSTKN gắn với đổi mới sáng tạo (ĐMST) chúng ta có sự so sánh với giai đoạn trước. Ngay từ năm 2013, Bộ KH&CN đã xây dựng một dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo mô hình thung lũng Silicon. Cách đây khoảng 3 năm khi nói đến hệ sinh thái khởi nghiệp thì có rất nhiều khái niệm trong HSTKN mọi người chưa hiểu nhiều. Ngay cụm từ HSTKN, mọi người chất vấn tại sao dùng khái niệm HSTKN sau đó thì dần dần về mặt thông tin, tuyên truyền, các kiến thức mọi người cũng dần cập nhật và thấy rằng đây là một sự hợp lý để phát triển hoạt động khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp gắp với đổi mới sáng tạo.

Khởi nghiệp gắn liền với ý tưởng mới, sáng tạo và đưa ra khả năng sau này có thể thu hút đầu tư từ các quỹ, các tổ chức ở trong và ngoài nước cho hoạt động khởi nghiệp đó, và sau này khởi nghiệp không chỉ là hoạt động để tìm kiếm công ăn việc làm, một hoạt động lập nghiệp mà hoạt động này sẽ đưa ra và phát triển có thể trở thành một chuỗi các đơn vị hoặc những công ty doanh nghiệp lớn, những việc này gọi là hoạt động gắn với ĐMST. Những ý tưởng đó, đào tạo bồi dưỡng những người đi trước, thậm chí là những doanh nghiệp thành công, những tập đoàn lớn, họ sẽ quay trở lại hỗ trợ cho ý tưởng đó. Các bạn có ý tưởng sáng tạo sẽ dần hình thành được công ty của mình, doanh nghiệp khởi nghiệp, khái niệm đó đến thời điểm hiện nay đã có 1 sự chuyển biến vượt bậc so với thời gian trước đó.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng

Năm 2015, Bộ KH&CN đã tổ chức sự kiện Techfest – ngày hội khởi nghiệp đầu tiên có sự tham gia của các bạn chuyên gia quốc tế, các nhà đầu tư quốc tế đến tham dự. Năm đó số lượng người đến dự khoảng 1.000 người và khoảng 20 nhà đầu tư nước ngoài đến tham dự và thu hút được nhiều ý tưởng sáng tạo, của các cộng đồng khởi nghiệp đến tham dự.

Năm 2016, được Chính Phủ chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, khởi nghiệp gắn với những ý tưởng sáng tạo. Đặc biệt, Chính phủ đã kí Quyết định 844/QĐ-TTG phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với ĐMST. Hiện nay, trong giới khởi nghiệp nhắc đến Quyết định này rất là nhiều vì trong đó đã nêu rất đầy đủ các nội dung của Đề án 844 từ hoạt động về xây dựng mạng lưới cổng thông tin kết nối, đào tạo cho hệ sinh thái khởi nghiệp hay những việc xây dựng quỹ đầu tư cho khởi nghiệp, hoạt động tổ chức các sự kiện để có thể tập hợp, lắng nghe, lựa chọn những người làm khởi nghiệp tốt nhất. Đây là đề án rất quan trọng, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành thành lập Ban chỉ đạo để triển khai đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và đã xây dựng chương trình, nội dung để thực hiện tiếp các nội dung của Đề án 844.

Về phía Bộ KH&CN, hiện nay đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, như dự án ĐMST giữa Việt Nam– Phần Lan hiện đang tập trung hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, dự án phát triển các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp KH&CN giữa Việt Nam – Bỉ hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, dự án ĐMST gắn với ứng phó biến đổi khí hậu cũng hoàn toàn hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN và các quỹ khác cũng đã và đang hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

Ông đánh giá như thế nào về việc nhiều Statup thành lập các DNKHCN điều đó đóng góp như thế nào đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: HSTKN và hoạt động của HSTKN cho ra đời các doanh nghiệp khởi nghiệp vì các doanh nghiệp dùng ý tưởng, sáng tạo có thời gian được lớn lên, đào tạo, bồi dưỡng và sau này hoạt động trong DN đó, thu hút được các nguồn lực đầu tư, các quỹ đầu tư, họ có 1 nguồn lực tài chính của các quỹ ở Việt Nam và nước ngoài. Sự phát triển của DN gắn với KNĐMST năm đầu tiên có thể được hỗ trợ ít nhưng năm sau xem xét và đánh giá lại. Có những DN sau 3 năm đánh giá có thể được đầu tư lên đến 3 triệu USD và thu hút vốn hàng triệu USD của các quỹ. Với những doanh nghiệp khởi nghiệp này mà chúng ta đẩy mạnh phát triển số lượng thì sự thu hút được đầu tư ở trong và ngoài nước là một điều rất tốt. Như vậy nguồn lực và hoạt động của các đơn vị này sẽ đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế của đất nước ta. Đương nhiên là chúng ta có lực lượng về mặt tài chính của các quỹ đầu tư vào tại Việt Nam và doanh nghiệp khởi nghiệp đó, sau này sẽ được đưa lên sàn và có thể đấu giá và đưa ra sàn chứng khoán để định giá và có thể chuyển nhượng.

Trong HSTKN, khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) được nhiều người lựa chọn. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của CNTT đối với phát triển HSTKN?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Nhìn trong các doanh nghiệp khởi nghiệp thì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Đối với các nước trên thế giới, họ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, các bạn làm khởi nghiệp đó rất nhiều bạn làm về CNTT, bên cạnh các lĩnh vực khác cũng có. Tại Việt Nam, ngoài lĩnh vực CNTT thì vẫn có những lĩnh vực khác như nông nghiệp… Việt Nam là một nước có thế mạnh là có nhiều bạn trẻ, rất đam mê CNTT và thực sự giỏi về CNTT. Hiện nay, việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trên lĩnh vực CNTT là khá nhiều và chúng tôi thấy rằng điều này là rất đúng, các bạn nhìn thấy trong giai đoạn hiện nay thế giới đang có một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là sự len lỏi, đưa CNTT vào ứng dụng và kết nối vạn vật với nhau, kết nối các yếu tố với nhau tạo ra một hiệu ứng mới, sự gia tăng của doanh nghiệp. Người ta không thể tưởng tượng là tại sao có những công ty Uber, Grab là những công ty không có nhân viên, không có oto vẫn hoạt động có hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao cho xã hội. Đây là sự len lỏi, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó, đã trở thành nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hiện nay trong công nghiệp, nhờ có ứng dụng CNTT, ứng dụng kĩ thuật số vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đem lại hạ giá thành, đem lại kết nối và hiệu quả mà ta không ngờ tới, và đây là cuộc cách mạng thế giới đang chứng kiến. Ở Việt Nam chúng tôi nghĩ cũng không ngoài quy luật đó, hiện nay việc ứng dụng CNTT và khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT nó đi theo đúng xu thế của thế giới và điều đó giúp cho chúng ta phát triển kinh tế - xã hội, phát triển lĩnh ngành nghề ứng dụng CNTT. Đây chính là thế mạnh của người Việt Nam, đặc biệt là những bạn trẻ tuổi đam mê, rất say mê với CNTT.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Hà (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang