Khôi phục lòng tin giới đầu tư

author 14:29 03/12/2012

(VietQ.vn) - Đánh giá cao những nỗ lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ nhưng các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012 cho rằng, Chính phủ cần có cải cách cấp thiết, tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn nữa để lấy lại lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các nhà đầu tư.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012 cho rằng Chính phủ cần có cải cách cấp thiết để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư

Thực tế cho thấy, những bất ổn của kinh tế vĩ mô những năm gần đây, sự suy giảm kinh tế của năm 2012, sự kém cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh… đã phần nào khiến lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào Việt Nam giảm sút.

Phát biểu tại VBF, ông Christopher Twomey - Chủ tịch Amcham, đánh giá cao nỗ lực bình ổn của Chính phủ. Những năm qua, thành công của Việt Nam trong thu hút FDI dựa chủ yếu trên kỳ vọng về một nền kinh tế ổn định. Tuy nhiên, Chính phủ cần có cải cách cấp thiết, tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, cần tích cực hơn nữa trong việc chống tham nhũng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh VBF, cho biết VBF sẽ đề xuất cụ thể một giải pháp tổng thể “ba chân kiềng” nhằm phục hồi sự năng động của nền kinh tế. Các giải pháp này sẽ không chỉ tập trung vào việc cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm khôi phục lòng tin của giới đầu tư, kinh doanh, mà còn là các biện pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp.

Ông Lộc cho biết, 2 năm qua, số doanh nghiệp phá sản bằng một nửa trong 2 thập kỷ. Tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh chỉ đạt 33% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 47% của năm 2011 và bằng một nửa so với tỷ lệ 70% của các năm trước đó.

Trước tình trạng này, ông Lộc đề nghị ưu tiên hàng đầu là cải cách thể chế, cụ thể là cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ không bị cuốn vào các nhiệm vụ ngắn hạn. Cần đảo ngược quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, vốn có những bước lùi trong những năm qua, đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh, minh bạch như DN niêm yết.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, chúng ta phải tái cơ cấu lại cả nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng, số lượng doanh nghiệp phá sản, người thất nghiệp nhiều là cái giá phải trả. Tuy nhiên cái giá này không phải trả để nền kinh tế đi xuống mà là bàn đạp để đi lên. Tồn kho của thời gian qua chính là do cầu giảm, nhưng cốt lõi trong suốt một thời gian dài, Việt Nam cho ra quá nhiều ngành, đẩy cung vượt cầu. Việc hạ lãi suất là điều cần thiết nhưng không là tất cả. DN cũng phải tự thay đổi từ chính nội tại.

Về phía DN, Ông Bùi Cảnh Tuấn - Giám đốc công ty TNHH Hat tra, khẳng định: đầu tư và tiêu dùng trong nước đang giảm trong khi đó lộ trình giảm thuế các sản phẩm vào Việt Nam ngày càng nhiều. Hiện giá sản phẩm nội địa cao do lãi suất cao. Mỗi ngày trôi qua, tồn kho lại càng nhiều. Bên cạnh việc giảm lãi suất thì DN cũng cần được Chính phủ hỗ trợ thêm.

Lắp ráp sản xuất ô tô trong nước
Lắp ráp sản xuất ô tô trong nước

Tín dụng vẫn được nhìn nhận là rào cản lớn đối với sự phát triển của DN. Mặt khác, số lượng DN có các khoản vay phi chính thức nhiều gấp đôi so với các DN có các khoản vay chính thức. Gần 90% các DN có khó khăn tại thị trường tín dụng chính thức cho biết có tiếp cận với các khoản vay từ nguồn phi chính thức.

Ông Laurent Charpentier - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhận định tình hình sụt giảm sản lượng bán hàng ô tô là do ảnh hưởng phần nào của khủng hoảng kinh tế nhưng nguyên nhân chính vẫn nằm ở các yếu tố nội tại như chính sách quản lý, sức mua…Với mặt hàng ô tô, Nhà nước luôn đánh thuế cao, đồng thời xếp vào danh mục các loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đến nay, ô tô đã phải "cõng” tới 5 loại thuế và 9 loại phí, như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, lệ phí trước bạ, biển số… Chưa hết, nay Bộ Tài chính còn áp phí bảo trì đường bộ mới.

Niềm tin đang giảm sút nghiêm trọng ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Câu chuyện hàng tồn kho đang được nhiều chuyên gia mổ xẻ và cho rằng là chướng ngại vật cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội lại cho rằng đó không phải là khó khăn nhất.

"Tồn kho công nợ mới là quan trọng. Cứ doanh nghiệp lớn nợ doanh nghiệp nhỏ, thậm chí có số nợ từ các nguồn Chính phủ", Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội Đặng Đức Dũng kiến nghị.

Ngày 3/12, trước thềm hội nghị Nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam (CG), diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam chính thức khai mạc với chủ đề: Khôi phục động lực kinh tế. Nhiều thảo luận về nhận thức môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, vấn đề ngân hàng, vốn được trình bày.

Ngọc Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang