Bao giờ người chăn nuôi hết cảnh thua lỗ vì giá thức ăn tăng cao?

author 19:15 10/08/2021

(VietQ.vn) - Giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng phi mã, trong khi giá tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đang giảm ở mức thấp khiến người chăn nuôi và doanh nghiệp lao đao chịu lỗ, hoặc “treo” chuồng. Vấn đề cấp thiết là sớm có những chính sách lâu dài, đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi vào diện bình ổn giá.

Người chăn nuôi “treo” chuồng vì giá thức ăn tăng cao

Theo diễn biến thị trường, giá lợn hơi, gia cầm... đang ở mức bình ổn trong thời gian qua. Ví dụ, giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc đang dao động ở mức 51.000 - 54.000 đồng/kg, tại các tỉnh phía Nam vào khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi thấp, được bình ổn nhưng nghịch lý là giá thức ăn chăn nuôi đang tăng chóng mặt thời gian gần đây khiến người chăn nuôi lao đao, bù lỗ. Đơn cử, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo tăng 400 đồng/kg với tất cả thức ăn chăn nuôi đậm đặc, hỗn hợp cho lợn con tập ăn, lợn nái; thức ăn hỗn hợp cho lợn còn lại tăng 300 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho gà, vịt, gia súc tăng 200 đồng/kg.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nông dân "treo" chuồng 

Các doanh nghiệp khác như Công ty NHH Chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz, Công ty De Heus, Công ty US Feed, Công ty TNHH CJ Vina Agri… cũng đồng loạt tăng giá sản phẩm. Giá thức ăn chăn nuôi gồm cám lợn, thức ăn hỗn hợp gia cầm, gia súc… tăng 250- 500 đồng/kg. Thậm chí, thức ăn đậm đặc cho lợn và gà của Công ty Guyomar’ch Việt Nam giá tăng tới 4.000 đồng/kg.

Thời gian qua, ước tính giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 35%, cùng với chi phí vật tư khác, giá lợn phải đạt mức khoảng 70.000 đồng/kg, người chăn nuôi mới có lãi.

Trong khi đó thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% chi phí sản xuất, khiến người chăn nuôi gặp khó, đặc biệt, những người chăn nuôi quy mô nhỏ. Để tránh thua lỗ, nhiều hộ dân đã chọn giải pháp tạm dừng chăn nuôi. Hộ ông Đồng Văn Đệ ở Hương Sơn, Mỹ Đức sau khi bán đàn lợn hơn 10 con hồi cuối tháng 6, đành để chuồng trống vì giá con giống cao. Theo ông Đệ, giá lợn giống hiện nay hơn 2 triệu/con, còn giá cám đã tăng giá 10 lần, do đó những người chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ động được con giống sẽ không có lãi nên ông tạm dừng vào đàn mới, chờ nghe ngóng thị trường.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, đến nay đã có khoảng 50% số trang trại lớn phải treo chuồng, 2/3 số hộ chăn nuôi gia cầm ngừng tái đàn.

“Nguồn vốn thiếu, giá cám đang cao nên không có vốn để vào gà, không có lãi cho người chăn nuôi", một chủ hộ chăn nuôi tại Xã Nam Điền, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết.

Cùng chung tình cảnh trên, 80% lò ấp trứng của một doanh nghiệp cũng đang phải ngừng hoạt động vài tháng nay. Không bán được gà giống nên trứng cũng không được ấp.

Cần sớm bình ổn giá

Nguyên nhân giá thành thức ăn chăn nuôi tăng cao trong tời gian qua là do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên chi phí vận chuyển tăng cao (200-300%). Tuy nhiên, nghịch lý với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nằm ở việc mỗi năm Việt  Nam chi hàng tỷ USD nhập khẩu ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại bán đi hàng triệu tấn sắn, rồi hàng triệu tấn cám gạo mà chưa có nghiên cứu chuyên sâu để đưa vào làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đây chính là bất cập khiến chúng ta phải phụ thuộc vào giá thế giới và chịu sự chi phối của doanh nghiệp nước ngoài.

Theo các hiệp hội doanh nghiệp, đã đến lúc chúng ta phải có một chiến lược bài bản về tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng từng đưa ra kiến nghị đưa thức ăn chăn nuôi thành mặt hàng bình ổn giá nhưng vẫn chưa thành hiện thực. "Để thức ăn chăn nuôi trở thành mặt hàng bình ổn không phải là điều dễ dàng, song nếu đề xuất này được thực hiện nó sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho ngành chăn nuôi hơn, chủ động cho sản xuất hơn", ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá.

 Cần đưa ra giải pháp bình ổn giá để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của người dân

Để có những giải pháp, trước mắt ngoài việc khuyến khích tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có... Bộ NN&PTNT đang có chính sách chuyển đổi nhanh chóng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo số liệu gần đây đã chuyển đổi được 250.000 ha, sắp tới sẽ chuyển đổi thêm 250.000 ha và đến năm 2030 dự kiến sẽ chuyển đổi được 1 triệu ha.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Bộ NN&PTNT cần rà soát loại bỏ những loại phí, lệ phí bất hợp lý về kiểm soát đầu vào, chất lượng nguyên liệu; cần có chiến lược phát triển chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước như ngô, đậu tương, bột cá, nguyên liệu bổ sung khoáng, vitamin. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết như hợp quy, kiểm tra chỉ tiêu dinh dưỡng ở cầu cảng, kiểm dịch… để hạ giá thành sản xuất.

Về việc các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt lợi nhuận “khủng” và trả chiết khấu rất cao, người chăn nuôi cuối cùng chịu thiệt ở giá thành, đây là điều rất khó can thiệp và điều chỉnh, bởi đây là cơ chế thị trường. Đặc biệt, để kiểm soát giá như các nước khác, Chính phủ cần đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, lúc đó sẽ khống chế được giá các nguyên liệu đầu vào và người chăn nuôi có thể chủ động được kế hoạch sản xuất.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang