Không chỉ bán hàng sai nhãn mác, nhà sách Minh Thuận còn có dấu hiệu trốn thuế?

author 06:36 14/05/2021

(VietQ.vn) - Như Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã phản ánh, hệ thống nhà sách Minh Thuận bán hàng sai nhãn mác theo quy định. Bên cạnh đó, tại đây còn không xuất hóa đơn VAT khi khách hàng yêu cầu.

Hệ thống nhà sách Minh Thuận bán hàng nguồn gốc nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt, một số sản phẩm không có nhãn mác. Cùng với đó, khi khách hàng mua hàng có trị giá trên 200.000 đồng tại đây, siêu thị không xuất hóa đơn VAT khi khách hàng yêu cầu.

Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã liên hệ người đứng đầu nhà sách để làm rõ sự việc. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Không chỉ bán hàng sai nhãn mác, nhà sách Minh Thuận còn có dấu hiệu trốn thuế?

 Hàng loạt sản phẩm thực phẩm bán tại nhà sách này không có nhãn phụ tiếng Việt.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, việc bán hàng hóa nguồn gốc nước ngoài không có tem phụ tiếng Việt là vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007.

Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định về nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu. Đồng thời khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.

"Trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh mua bán hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tại thị trường Việt Nam không có tem phụ bằng tiếng Việt mà giá trị sản phẩm từ 3 triệu đồng trở lên sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản1, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam lên sản phẩm có tem mác bằng tiếng nước ngoài mà giá trị của sản phẩm đó từ 3 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1 trệu đồng, đối với sản phẩm có giá trị trên 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị thực tế của sản phẩm mà bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đối với sản phẩm có giá trị trên 100 triệu đồng mức phạt tiền sẽ từ 25 triệu đến 30 triệu đồng", luật sư Cường thông tin.

Không chỉ bán hàng sai nhãn mác, nhà sách Minh Thuận còn có dấu hiệu trốn thuế?

 Các sản phẩm đồ chơi bán tại đây không có tem hợp quy CR để đảm bảo chất lượng.

Cũng theo luật sư Cường, đối với việc bán hàng không có nhãn mác (cơ sở sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, thành phần... chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, nhãn mác hàng hóa được hiểu là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Thông qua nhãn mác hàng hóa, người tiêu dùng có thể nhận biết, làm căn cứ để lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm, đồng thời để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Theo quy định nhãn hàng hóa là yếu tố bắt buộc phải được thể hiện trên sản phẩm hàng hóa.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn mác hàng hóa mà không có đối với hàng hóa có giá trị đến 5 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Hàng hóa không có nhãn mác có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 60 triệu đồng.

Đặc biệt, luật sư Cường nhấn mạnh, đối với những trường hợp không xuất hóa đơn VAT chiếu theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT – BTC ngày 17/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, tổ chức cá nhân khi bán hàng hóa dịch vụ mà không lập hóa đơn đối với giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua thì phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi nêu trên còn có thể bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 13 Nghị định số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá thì bị phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên.

Trước đó, phóng viên Chất lượng Việt Nam sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc đã tiến hành ghi nhận thực tế tại 2 cơ sở bán hàng của hệ thống nhà sách Minh Thuận trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) và 115 phố Đội Cấn (Quận Ba Đình). Tại 2 cơ sở này, rất nhiều mặt hàng được bày bán từ hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng đến thực phẩm dành cho trẻ em, đồ chơi trẻ em có dấu hiệu sai phạm trong quy định về nhãn hàng hóa.

Cụ thể, các sản phẩm thực phẩm ăn liền như xúc xích, chân gà cay, chân vịt cay, các loại bánh..., trên bao bì sản phẩm chỉ ghi những dòng chữ tiếng nước ngoài chứ không có nhãn phụ tiếng Việt để người mua hàng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, thành phần và cách sử dụng.

Chưa kể, một vài sản phẩm như cơm cháy hay đồ ăn vặt dành cho trẻ không có nhãn mác. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em thiếu tem hợp quy theo quy định của pháp luật.

Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) sẽ tiếp tục thông tin!

NHÓM PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang