Không gắn tem hợp quy lên sản phẩm, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany nói gì?

author 14:25 16/10/2023

(VietQ.vn) - Tại buổi làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Chang, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany thừa nhận, nhiều sản phẩm bếp từ của công ty không gắn tem hợp quy theo quy định.

Chưa được cấp chứng nhận, Forci Germany đã giới thiệu sản phẩm đến người dùng

Trong bài viết có nhan đề "Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany: Sản phẩm không dấu chứng nhận, chất lượng có đảm bảo?", toà soạn Chất lượng Việt Nam đề cập tới tình trạng nhiều sản phẩm bếp từ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany không gắn dấu hợp quy theo quy định. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Nguyễn Thị Chang, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany đã mời phóng viên xuống trực tiếp trụ sở công ty này (L7-43 Athena, Khu Đô Thị Mới Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) để một lần nữa xem thực tế sản phẩm và cung cấp thông tin phản hồi.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại trụ sở Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany vẫn tồn tại nhiều mẫu bếp từ không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định pháp luật. Trong đó, những mẫu bếp như FC-899, FC-F99 Plus, FC-F10S, FC-F88 chưa được gắn dấu hợp quy.

Sản phẩm bếp điện từ FC-F10S chưa được gắn dấu hợp quy theo quy định.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc tại sao những sản phẩm này chưa có dấu hợp quy theo quy định, bà Nguyễn Thị Chang cho biết, đối với mẫu sản phẩm bếp điện từ FC-F899, sản phẩm đang được đưa đi kiểm định chất lượng. Điều này có nghĩa là bếp từ FC-F899 chưa được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo đúng quy định pháp luật. Mặc dù vậy, sản phẩm bếp điện từ này vẫn được trưng bày tại trụ sở Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany để giới thiệu cho khách có nhu cầu xem, mua sản phẩm.

Vậy phải chăng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany sẵn sàng phân phối cho khách hàng cả những sản phẩm chưa được kiểm định? Nếu sản phẩm gặp lỗi hoặc xảy ra sự cố ngoài ý muốn, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany có chịu trách nhiệm.

Mặt khác, QCVN 09:2012/BKHCN nêu rất rõ về điều kiện lưu thông trên thị trường. Cụ thể, các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hoá theo quy định; phải thực hiện chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đối với các mẫu bếp khác được trưng bày tại trụ sở Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany như: FC-F99 Plus, FC-F10S, FC-F88, bà Nguyễn Thị Chang thừa nhận những sản phẩm này chưa được dán tem theo quy định. Bà Chang cho biết vì thấy "không cần thiết" và vì sản phẩm là các hàng mẫu nên không cho dán tem CR theo quy định.

Tại buổi làm việc, bà Chang cũng cung cấp cho phóng viên một số giấy tờ chứng nhận hợp quy của sản phẩm bếp từ (mã FC-F10S, FC-F88). Tuy nhiên, riêng về việc hồ sơ công bố đã được nộp tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sở tại hay chưa, bà Chang không trả lời. Bà Chang còn cho phóng viên biết thông tin, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany thực hiện dán tem hợp quy cho sản phẩm từ tháng 8/2023. Trong khi đó, QCVN 09:2012/BKHCN áp dụng đối với sản phẩm bếp điện từ có hiệu lực từ 1/7/2021.

Máy xay sữa hạt chưa chứng nhận đã đem tặng người dùng, liệu có an toàn?

Bên cạnh sản phẩm bếp điện từ chưa gắn dấu hợp quy theo quy định, tại trụ sở Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany, phóng viên còn được nhân viên công ty này đề xuất tặng sản phẩm máy xay sữa hạt (nếu mua bếp từ). Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Chang, sản phẩm này chưa được chứng nhận hợp quy theo quy định.

Trong khi đó, Bộ KH&CN đã ban hành QCVN 4:2009/BKHCN để quản lý chất lượng sản phẩm này. Điều này đặt ra nghi vấn liệu các sản phẩm này có đảm bảo chất lượng? Vì sao Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany lại không chứng nhận hợp quy cho sản phẩm máy xay sữa hạt?

 Sản phẩm máy xay sữa hạt của Forci Germany chưa được chứng nhận hợp quy. Liệu sản phẩm này có đủ an toàn?

Bà Chang giải thích, những sản phẩm máy xay sữa hạt là sản phẩm tặng kèm nên công ty không làm chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, cũng không dán tem. Vậy liệu việc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany đem sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy đem tặng cho khách hàng có phải là "liều lĩnh"? Đây có phải là chiêu trò để kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người mua sản phẩm bếp từ? Nếu sản phẩm chưa được chứng nhận gây rủi ro cho người dùng, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Forci Germany có chịu trách nhiệm?

Sản phẩm bếp từ không chứng nhận hợp quy có thể bị thu hồi

Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử quy định rõ:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

- Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy;

- Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền;

- Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

- Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

- Không thực hiện lại việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy;

- Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

- Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;

- Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;

- Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;

- Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang