Không ghi nơi sản xuất, Pepsico VN có truy xuất được nguồn gốc sản phẩm?

author 10:19 07/12/2016

(VietQ.vn) - Với việc nhãn mác không ghi rõ nơi sản xuất như hiện nay, theo luật sư, Pepsico Việt Nam sẽ không đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc của hàng hóa.

Vừa qua, dư luận đã đặt nhiều dấu chấm hỏi về việc các sản phẩm mang thương hiệu nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam do Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam sản xuất không ghi rõ địa chỉ sản xuất (nhà máy) như quy định. 

Trước nghi vấn về sai phạm trong việc ghi nhãn mác, Pepsico đã trả lời báo giới rằng: Họ làm theo Thông tư liên tịch số 34 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương được ban hành năm 2014. Do đó, Pepsico không hề vi phạm pháp luật về việc ghi nhãn mác sản phẩm.

Không ghi nơi sản xuất trên sản phẩm, PepsiCo có thể bị xử phạt?(VietQ.vn) - Theo luật sư, việc Pepsico Việt Nam không ghi nơi sản xuất trên đồ uống là vi phạm quy định ghi nhãn hiệu và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, theo luật sư Trịnh Văn Thắng (Đoàn LS TP.Hà Nội), thực tế, Pepsico cũng chưa thực hiện đúng theo Thông tư số 34, bởi lẽ, với việc ghi nhãn mác như hiện nay của công ty Pepsico sẽ không đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc của hàng hóa.

Cuộc trao đổi giữa PV Chất lượng Việt Nam và luật sư Trịnh Văn Thắng dưới đây sẽ phần nào làm rõ hơn một số vấn đề pháp lý xoay quanh vấn đề này.

- Thưa luật sư, việc Pepsico viện dẫn quy định tại thông tư số 34 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương được ban hành năm 2014 để giải thích về việc ghi nhãn mác của mình như vậy có trái với quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ - CP không?

Luật sư Trịnh Văn Thắng:Theo Điều 14 Nghị định 89/2006/NĐ – CP của Chính phủ về nhãn hànghóa thì việc ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa được quy định như sau:

“1. Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó...

Điều này cũng được hướng dẫn cụ thể tại mục 2 khoản 3 Thông tư 09/2007/TT – BKHCN hướng dẫn một số điều của nghị định 89/2006/NĐ – CP:

“3. Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá 

b) Trường hợp sản phẩm, hàng hóa được sản xuất ngay tại nơi đăng ký kinh doanh thì trên nhãn ghi tên và địa chỉ cơ sở sản xuất theo đăng ký kinh doanh.

c) Trường hợp sản phẩm, hàng hoá được sản xuất tại các địa điểm khác ngoài nơiđăng ký kinh doanh thì trên nhãn phải ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra sản phẩm, hàng hoá đó”.

LSTrịnh Văn Thắng: Pepsico chưa thực hiện đúng theo Thông tư số 34.

Như vậy, theo tinh thần của Nghị định 89 đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 09 thì trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải ghi tên và địa điểm của cơ sở sản xuất ra hàng hóa đó. Trong trường hợp hàng hóa được sản xuất tại nơi đăng ký kinh doanh thì ghi tên, địa chỉ cơ sở sản xuất theo đăng ký kinh doanh. Trường hợp hàng hóa được sản xuất tại địa điểm khác thì trên nhãn hàng hóa phải ghi địa chỉ của nơi sản xuất đó.

Tuy nhiên, đến Thông tư liên tịch số 34 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương được ban hành năm 2014 lại quy định:

“Trường hợp sản phẩm được sản xuất tại các địa điểm khác ngoài nơi đăng ký kinh doanh nhưng mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất thì trên nhãn ghi địa chỉ cơ sở sản xuất ra sản phẩm đó hoặc ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm nhưng phải bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc”.

Theo thông tư này thì trong trường hợp hàng hóa được sản xuất tại địa điểm khác ngoài nơi đăng ký kinh doanh thì có thể thực hiện việc ghi nhãn mác theo hai cách thức sau: thứ nhất là trên nhãn ghi địa chỉ cơ sở sản xuất ra sản phẩm đó. Cách thứ hai là có thể ghi tên tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm nhưng phải đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Như vậy, rõ ràng Thông tư số 34 quy định như trên là chưa khả thi và trái với tinh thần của Nghị định số 89.

Thứ nhất, việc quy định như trên không thể thực hiện được trong thực tế: việc ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc là không thể thực hiện. Bởi lẽ, khi không ghi rõ tên của cơ sở trực tiếp sản xuất ra sản phẩm như Pepsico hiện nay đang thực hiện thì không có cách nào để xác định được trong rất nhiều các cơ sở sản xuất của Pepsico thì hàng hóa nào là của cơ sở nào sản xuất?

Mặt khác, trên thị trường hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày một đa dạng, phong phú với hình thức, mẫu mã ngày càng tinh vi và khó phân biệt hơn. Hầu hết các loại hàng giả, hàng nhái này đều không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, tên địa chỉ cơ sở sản xuất là ở đâu?

Vậy nếu hàng hóa của Pepsico cũng chỉ ghi tên, địa chỉ cơ sở sản xuất nơi có đăng ký kinh doanh thì rất khó để phân biệt với hàng giả, hàng nhái.

Do đó, thực tế, Pepsico cũng chưa thực hiện đúng theo Thông tư số 34. Bởi lẽ, việc ghi nhãn mác như vậy của công ty Pepsico không đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc của hàng hóa.

Thứ hai, Thông tư số 34 quy định như trên là chưa phù hợp với Nghị định 89. Mà theo quy định tại điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 2015 về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có quy định:

 “2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.

Như vậy, rõ ràng theo quy định của pháp luật thì khi có hai văn bản pháp luật cùng quy định về một vấn đề thì văn bản nào có hiệu lưc pháp lý cao hơn thì tuân theo quy định của văn bản đó. Do đó, ở đây Nghị định 89 của Chính phủ có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Thông tư liên tịch số 34.

Vì vậy, trong việc ghi nhãn mác Pepsico cần phải tuân thủ đúng theo quy định của Nghị định 89/NĐ – CP của Chính phủ.

 Nhiều sản phẩm của Pepsico không ghi cụ thể nhà máy sản xuất. Ảnh: GĐ & XH.

- Thưa luật sư, vậy thẩm quyền quản lý, xử lý vi phạm về việc ghi dán nhãn thuộc về ai?

Luật sư Trịnh Văn Thắng:Theo điều 21 Nghị định 89/NĐ – CP/2006 thì trách nhiệm quản lý về việc ghi nhãn mác thuộc về Bộ khoa học và Công nghệ như sau:

Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất việc quản lý nhà nước về nhãn hàng hoá trên phạm vi cả nước với các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về nhãn hàng hoá.

2. Phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật, tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn về nhãn hàng hoá.

3. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật về nhãn hàng hoá. Chủ trì giải quyết và xử lý các hành vi vi phạm về nhãn hàng hoá.

4. Quy định việc công bố nhãn hàng hoá.

5. Tổ chức xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về nhãn hàng hoá.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về nhãn hàng hoá.

Như vậy, việc thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện các quy định về nhãn hàng hóa thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa.

Tại Điều 24 Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa như sau:

Các cơ quan công an nhân dân, hải quan, quản lý thị trường, quản lý chất lượng hàng hoá, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về nhãn hàng hoá được quyền xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Như vậy, pháp luật trao quyền xử lý hành vi ghi thông tin không đúng trên nhãn mác cho nhiều cơ quan bao gồm: Cơ quan công an nhân dân, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan hải quan, cơ quan quản  lý chất lượng hàng hóa, thanh tra chuyên ngành … Khi phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm như trên thì bất cứ cá nhân, tổ chức nào đều có quyền đề nghị các cơ quan trên vào cuộc để xử lý.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

Trên nhãn mác sản phẩm của mình, thay vì ghi cụ thể nơi sản xuất sản phẩm, Pepsico Việt Nam chỉ đề: “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM”.

Đơn cử như với sản phẩm là nước tăng lực Sting hương dâu tây đỏ, trên nhãn của chai nước này chỉ ghi là sản xuất bởi Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (cao ốc Sheraton, số 88 đường Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thành phần. Nhưng trên nhãn sản phẩm không hề có dòng nào cho thấy có thông tin về địa chỉ sản xuất ra sản phẩm (nhà máy).

Tương tự với nhãn hàng của chai nước tăng lực Sting hương dâu tây đỏ là các sản phẩm như thực phẩm bổ sung nước uống Isotonic, 7Up, Revive hay chai nước tăng lực Sting…. cũng của Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam trên nhãn mác đều không có thông tin về nơi sản xuất.

Việc ghi nhãn mác như vậy được một số chuyên gia và các luật sư cho là chưa tuân thủ nghiêm túc Nghị định 89/2006/NĐ – CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm.

Trong khi đó, cũng là một "ông lớn" trên thị trường nước giải khát thế giới, tại Việt Nam, một số công ty nước giải khát khác, trên các sản phẩm của mình đều ghi mã nhà máy sản xuất sản phẩm để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.

 >>> Xem những tin tức khác về Pepsico Việt Nam tại đây

Vũ Quân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang