Không phải ai cũng "thèm khát" hộ khẩu Hà Nội !

author 08:27 12/11/2012

(VietQ.vn) - Không phải tất cả lao động tỉnh ngoài đều “thèm khát” hộ khẩu Hà Nội. Họ chỉ nghĩ đơn thuần rằng mảnh đất này giúp họ kiếm được miếng ăn, đủ nuôi sống bản thân và gia đình.

Lời Tòa soạn: Sau hai bài đầu tiên của loạt bài "Hà Nội được ưu ái hơn so với tỉnh lẻ như nào?”, gồm có Nhà báo, nhạc sĩ, cầu thủ sính Hà Nội hơn tỉnh lẻ ?” và “Hà Nội ngốn ngân sách gấp 10 tỉnh lẻ, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình và khích lệ của bạn đọc.

Nhiều người sống ở Hà Nội tỏ quan điểm không đồng tình với dự Luật Thủ đô và mong muốn Quốc hội không thông qua dự luật gây tranh cãi này. Chất lượng Việt Nam xin trích giới thiệu cùng bạn đọc:

Hồ Gươm đẹp nhưng nhiều người ngoại tỉnh còn yêu quê hương họ hơn, không phải ai cũng muốn được sống quanh Hồ Gươm. Ảnh: Xomnhiepanh
Hồ Gươm đẹp nhưng nhiều người ngoại tỉnh còn yêu quê hương họ hơn, không phải ai cũng muốn được sống quanh Hồ Gươm. Ảnh: Xomnhiepanh

Cử tri Đỗ Ngọc An (Bát Đàn, Hàng Bồ, Hà Nội): Hàng rào về hộ khẩu không ngăn được dòng lao động đổ về Hà Nội

Hà Nội là nơi kinh tế rất phát triển và việc lao động ở các vùng khác đến đây để mưu sinh kiếm sống cũng là chuyện bình thường. Nó là thực trạng không chỉ có ở Hà Nội mà ở rất nhiều thành phố lớn khác trên cả nước.

Cử tri Đỗ Ngọc An
Cử tri Đỗ Ngọc An

Cho dù có quy định ngặt nghèo bao nhiêu về việc nhập hộ khẩu thì đối với lao động ở các vùng khác, họ cũng chẳng quan tâm. Không phải tất cả lao động tỉnh ngoài đều “thèm khát” hộ khẩu Hà Nội. Họ chỉ nghĩ đơn thuần rằng mảnh đất này giúp họ kiếm được miếng ăn, đủ nuôi sống bản thân và gia đình.

Một khi ở Hà Nội vẫn còn có cơ hội làm ăn, mang lại thu nhập thì người dân tứ xứ vẫn sẽ đổ về đây. Dẫu có cấm đoán, siết chặt việc cấp hộ khẩu thì người ở các khu vực khác muốn ở lại Hà Nội theo dạng tạm trú, họ vẫn cứ thuê nhà, mua xe, lao động kiếm sống như thường.

Tôi cũng mong Hà Nội giảm tải bớt dân cư nhưng có lẽ bằng cách phát triển các khu vực xung quanh thay vì lập một hàng rào hạn chế nhập cư. Hàng rào về hộ khẩu có lẽ không ngăn được dòng lao động đổ về Hà Nội làm việc đâu.

Cử tri Nguyễn Thị Vân Lan (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội): Dự luật chỉ giải quyết được một phần nhỏ của vấn đề

Theo tôi thì việc hạn chế người các tỉnh nhập hộ khẩu vào Hà Nội sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề người dân đổ về Hà Nội như hiện nay. Bởi lẽ tôi thấy đa số người dân các tỉnh về Hà Nội với mục đích làm ăn, buôn bán.

Cử tri Vân Lan
Cử tri Vân Lan

Họ chủ yếu ở lại Hà Nội dưới hình thức tạm trú chứ rất ít người ở lại và xin nhập hộ khẩu Hà Nội. Đó là chưa kể một lượng lớn người lao động phổ thông nay đây mai đó. Rõ ràng dự thảo luật này chỉ giải quyết được một phần nhỏ của vấn đề.

Mỗi dự thảo luật khi đưa ra đều cần phải xem xét đến tính thực tế và khả thi của nó. Tình trạng người các tỉnh đổ về Hà Nội ngày một đông và phát sinh nhiều vấn đề về xã hội cần giải quyết là điều ai cũng thấy. Mặc dù vậy, những nhà quản lý, nhà làm luật cần tìm hiểu cốt lõi của vấn đề rồi từ đó mới đưa ra phương án giải quyết. 

 

 

Vấn đề ở đây không phải là hạn chế hay cấm người ngoại tỉnh nhập hộ khẩu vào Hà Nội mà quan trọng hơn là làm sao quản lý và kiểm soát tốt những vấn đề phát sinh. Gần đây tôi thấy chúng ta có một số điều luật mới cấm cái này, cái kia nhưng cuối cùng đều không cho được kết quả như mong đợi.

Cử tri Chu Văn Gắng (Khoái Châu, Hưng Yên): Quản lý không tốt sẽ là điều kiện cho tham nhũng phát triển

Cũng là vì miếng cơm manh áo mà người dân tỉnh lẻ mới phải xa quê hương để tới Hà Nội làm ăn buôn bán. Chúng tôi cũng chỉ là muốn con cái được no đủ, học hành và có tương lai sáng sủa hơn.

Đây là mong ước của bao nhiêu người và nó chẳng có gì sai trái cả. Để kiếm được miếng ăn giữa lòng Hà Nội thật chẳng dễ dàng gì, phải đổ biết bao mồ hôi công sức, chứ đâu chỉ “ăn không ngồi rồi”, làm chật đất Thủ đô?

Cử tri Chu Văn Gắng
Cử tri Chu Văn Gắng

Cũng phải nói thêm rằng ở nơi đất chật người đông như Hà Nội, tìm được nơi ở trọ tốt đã khó, đâu còn ai quan tâm xem chủ nhà có đăng ký kinh doanh nhà ở hay không? Rồi chuyện thuê trọ liên tục tại một địa bàn trong vòng 3 năm càng không dễ dàng gì.

Chuyện cấp hộ khẩu ở Hà Nội trước đây vốn đã nảy sinh một số tiêu cực. Nếu việc này trở nên khó khăn thêm thì chỉ làm cho cơ chế xin – cho, văn hóa phong bì trong lĩnh vực hộ khẩu càng trở nên nghiêm trọng.

Lúc đó, những ai thực sự muốn làm hộ khẩu tại Hà Nội sẽ phải qua nhiều “cửa” hơn để hoàn thành hết các thủ tục, giấy tờ cần thiết cho việc đăng ký thường trú của mình. Khi ấy, việc tham nhũng, hối lộ còn có điều kiện để hoành hành hơn trước.

 Theo tôi, siết chặt quy định trong việc cấp hộ khẩu theo dự thảo luật chẳng có tác dụng gì đối với việc hạn chế nhập cư mà còn đưa ra hàng loạt các nguy cơ, rắc rối khác nếu không quản lý tốt.

Cử tri Ngô Gia Vịnh (Hà Nội): Quan trọng là quy hoạch và định hướng

Tôi biết dân số ở Hà Nội ngày càng đông, dẫn đến tình trạng quá tải các dịch vụ y tế, giáo dục… làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân. Việc giảm bớt lượng người trong các quận nội thành tại Hà Nội là việc làm cần thiết để xây dựng một Thủ đô văn minh hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề cơ bản để hạn chế người trong nội thành không phải là hạn chế người nhập cư mà là quy hoạch lại cơ sở hạ tầng, quy hoạch khu vực kinh tế cụ thể và quan trọng là định hướng thế nào cho Thủ đô. Trong nội thành có quá nhiều sinh viên, cơ sở sản xuất, cơ quan Nhà nước… thì phải chuyển bớt đi.

Cử tri Ngô Gia Vịnh
Cử tri Ngô Gia Vịnh

Những người dân lao động tỉnh lẻ tới Hà nội làm ăn, đối tượng phục vụ chủ yếu của họ là sinh viên, công nhân, một khi các đối tượng này đã chuyển tới địa bàn khác thì họ cũng buộc phải “di cư” theo để kiếm sống. Ở Thủ đô, chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn tỉnh lẻ rất nhiều, nếu họ không còn giữ được nguồn thu mà vẫn phải kham hàng loạt các khoản chi phí ấy thì sẽ không chịu được và tự rút về quê hoặc chuyển đến các nơi khác.

Hơn nữa, việc thành lập các thành phố vệ tinh gần Thủ đô với nhiều ưu đãi; đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao đời sống cho người dân các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng là việc cần tiến hành. Nếu ở quê mà họ vẫn đảm bảo được cuộc sống thì sẽ không còn tình trạng bỏ quê lên phố. Và Nhà nước cũng không phải đau đầu tìm cách hạn chế nhập cư vào Hà Nội.

Đề nghị những người ủng hộ dự Luật Thủ đô ra...ngoại thành sống

Sau khi dự luật Thủ đô được đưa ra bàn luận, đã có ý kiến của cư dân mạng đề xuất, những người ủng hộ dự luật Thủ đô, nếu vốn không có gốc gác ở Hà Nội thì khi đương nhiệm, nên chuyển ra ngoại thành sinh sống. Sau khi về hưu thì về quê sinh sống, không nên đưa thêm vợ con, họ hàng lên Hà Nội, làm Thủ đô thêm quá tải.

Vì họ là những người ủng hộ dự luật Thủ đô nên cần nêu gương cho người khác. Nếu không sẽ khó thuyết phục người khác, giống như người hút thuốc lá khó hô hào người nghiện ngừng hút thuốc.

Thủ đô nước Mỹ không hạn chế nhập cư

Ở Washington DC, Thủ đô nước Mỹ, không có một luật nào hạn chế dân chế vì như thế là vi phạm quyền tự do cư trú. Nhưng luật pháp giữ đúng theo quy hoạch từ lúc dựng thủ đô, với yêu cầu các đường cắt ngang, chiều rộng đường và chiều rộng vỉa hè rồi chiều cao của các tòa nhà do đó hạn chế diện tích nhà ở và do đó đương nhiên hạn chế số dân.

TS Vũ Quang Việt (Mỹ)

Kỳ tới: Những tòa nhà chọc trời trong thành phố muốn hạn chế nhập cư

Nhóm PV (lược ghi)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang