'Khủng hoảng' Yeah1: Đừng 'nhờn' với doanh nghiệp nước ngoài!

author 13:07 15/03/2019

(VietQ.vn) - "Câu chuyện Yeah1 là lời cảnh tỉnh cho nhiều doanh nghiệp, không nên dùng chiêu trò trong kinh doanh. Bởi doanh nghiệp có thể tăng trưởng nhanh, nhưng đi lâu, đi xa thì khó", Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.

Sự việc Youtube ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với các công ty con của CTCP Tập đoàn Yeah1 như: Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe... là một trong những thông tin gây xôn xao giới doanh nghiệp thời gian gần đây. Theo đó, Yeah1 chứa nội dung không thân thiện với nhà quảng cáo, vi phạm nguyên tắc cộng đồng Youtube (phản cảm, khiêu dâm, kích động, bạo lực), sử dụng nội dung do người khác sở hữu bản quyền... 

Hàng loạt lùm xùm kéo theo sự vụ trên khiến Yeah1 bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí họ phải đau đớn bán đi “con cưng” của mình là ScaleLab với giá 12 triệu USD (trong khi mua vào 20 triệu USD); giá trị cổ phiếu giảm 9 lần liên tiếp, còn 127.000 đồng/cổ, giảm 48% giá trị vốn hóa.

Sau vụ việc trên, các chuyên gia kỹ thuật số nhìn nhận mô hình kinh doanh của Yeah1 là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới mạng nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn nếu không cân bằng giữa phát triển và kiểm soát chặt chẽ hệ thống. Sự cố xảy ra với Yeah1 là bài học nhỡn tiền cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các Startup công nghệ khi bước chân ra "biển lớn", bắt tay với doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới. 

Chất lượng Việt Nam Online đã có có cuộc trò chuyện với Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) để cùng "mổ xẻ" rõ hơn vấn đề này.

Sau hàng loạt lùm xùm về nội dung không thân thiện, vi phạm nguyên tắc cộng đồng Youtube… CTCP Tập đoàn Yeah1 đã bị Youtube ngưng thỏa thuận lưu trữ nội dung. Việc "trừng phạt" này đã khiến Yeah1 lao đao, thậm chí phải chuyển nhượng 100% ScaleLab. Theo ông, đâu là lý do khiến Yeah1 rơi vào khủng hoảng?

Theo tôi, doanh thu của Yeah1 những ngày qua liên tục giảm, giá cổ phiếu rớt sàn liên tiếp là hệ quả bước đầu của khủng hoảng mà doanh nghiệp này mắc phải. Doanh thu của Yeah1 đến từ nhiều nguồn, đặc biệt là Youtube. Nên việc Youtube ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với các công ty con sẽ làm giảm lượng xem (2/3 người xem) của Yeah1, cũng như doanh thu từ mảng này.

Hơn nữa, nhiều thông tin tiêu cực cũng làm ảnh hưởng đến thương hiệu, đặc biệt là uy tín trong các mối quan hệ làm ăn với đối tác trong và ngoài nước.

Có ý kiến cho rằng, rủi ro của Yeah1 nằm ở chỗ hợp tác với hai nền tảng kỹ thuật, công nghệ phổ biến hiện nay là Facebook và Google. Ông đánh giá về điều này ra sao?

Theo tôi nhận xét như vậy dễ gây hiểu lầm. Nói chính xác hơn thì rủi ro của Yeah1 nằm ở chỗ họ quá phụ thuộc vào 2 nền tảng này. Tuy nhiên để công bằng, cần phải nói thêm rằng đâu chỉ Yeah1, rất nhiều công ty truyền thông quảng cáo khác cũng đang có rủi ro như vậy. Ví dụ, các công ty chuyên làm đại lý quảng cáo cho Google, Facebook.

Rủi ro không hẳn chỉ nằm ở mô hình không “để trứng ra nhiều giỏ”, mà còn ở chỗ Google, Facebook là doanh nghiệp nước ngoài và họ đã có tiền lệ bị cấm ở một số quốc gia. Nếu vì lý do nào đó điều này xảy ra ở Việt Nam thì đương nhiên các doanh nghiệp kiểu như Yeah1 cũng sẽ lao đao. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng khả năng này rất thấp.

Theo ông, viễn cảnh nào sẽ xảy ra nếu Yeah1 không thể bắt tay lại với Youtube?

Theo tôi, viễn cảnh kinh doanh sẽ rất xấu nếu Yeah1 không tìm được cách hợp tác lại với Youtube. Chúng ta phải hiểu mô hình MCN của Yeah1 với Youtube nói nôm na giống như nhà phân phối cấp cao.

Ví dụ, với mô hình bán điện thoại thì Samsung, Apple, Oppo… là nhà sản xuất; Thế giới Di động, FPT Shop là nhà phân phối. Nếu vì lý do nào đó Apple ngừng hợp tác với FPT Shop thì cửa hàng của họ sẽ mất nguồn doanh thu lớn vì khách hàng sẽ kéo hết qua Thế giới Di động để mua iPhone, iPad.

 Viễn cảnh nào sẽ xảy ra nếu Yeah1 không tìm được cách hợp tác lại với Youtube? Ảnh minh họa

Yeah1 có thể coi như đại lý “bán content” từ “các đơn vị tạo nội dung” cho người dùng cuối. Nếu giờ họ bị mất quyền phân phối đó thì “các đơn vị tạo nội dung” sẽ tìm đại lý mới để tiếp tục “bán content” cho người dùng mà không thông qua Yeah1 nữa. Vậy, Yeah1 sẽ mất nguồn thu ở mảng này.

Tiếp theo, hệ thống kênh truyền thông mà Yeah1 sở hữu bị tước đi. Sự ảnh hưởng của họ với các kênh đang hợp tác cũng mất đi, như thế ảnh hưởng không tốt cho doanh nghiệp làm dịch vụ truyền thông.

Tuy nhiên, một điều rất nghiêm trọng mà Yeah1 có thể gặp phải đó là bị ngừng hợp tác từ một công ty quá lớn như Youtube /Google thì rất mất uy tín. Như vậy, những hợp tác sau này với các công ty khác sẽ gặp khó khăn. Đây là viễn cảnh rất xấu đối với Yeah1.

Theo tôi, Yeah1 sẽ phải rất cố gắng để đàm phán với Google, Youtube. Trong trường hợp xấu nhất, không giữ được hợp tác cũng phải giữ được danh tiếng ở mức tối thiểu. Bởi vì, mất tiền thì mất một nhưng mất danh tiếng thì gấp 10.

Từ những phân tích trên, ông có thể rút ra những bài học cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ?

Thực tế, nếu chỉ dựa vào sự cố của Yeah1 để rút ra bài học cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thì chưa đủ. Bởi vì nó chỉ xoay quanh những câu chuyện mà chúng ta đã bàn quá nhiều lần đó là “làm ăn thì phải đoàng hoàng”. Mỗi doanh nghiệp khi kinh doanh đều phải giữ được chữ tín. Hơn nữa, khi kinh doanh thì đừng “nhờn” với các công ty nước ngoài. Mà điểm này thì không ít doanh nghiệp Việt gặp phải.

 Ông Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) và những chia sẻ về khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ số hiện nay.

Bài học của Yeah1 là lời cảnh tỉnh dành cho nhiều doanh nghiệp, đừng dùng chiêu trò trong kinh doanh. Nó có thể tăng trưởng nhanh, nhưng đi lâu, đi xa thì tiềm ẩn nhiều cái bấp bênh. Do vậy, dù làm gì, mọi người cũng phải trung thực, đàng hoàng thì mới bền vững, đưa chữ tín lên hàng đầu.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Youtube. Ông có thể đưa ra một vài lời khuyên cho các startup để tránh rơi vào vết xe đổ của Yeah1?

Từ câu chuyện Yeah1, các startup cần xác định rõ tâm lý khi tham gia vào sân chơi toàn cầu thì phải chú ý những giá trị phổ quát toàn cầu. Ví dụ, phân biệt chủng tộc, quyền trẻ em, quyền con người, sở hữu trí tuệ, luật pháp toàn cầu và luật riêng của nền tảng mà mình hợp tác.

Đôi khi bạn không vi phạm luật lệ của quốc gia bạn đang sống nhưng vi phạm luật lệ của đối tác. Những luật chơi của họ đặt ra nhưng bạn vi phạm, như vậy cũng hỏng rồi!

Dù sao chăng nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận kết quả mà Yeah1 đạt được cũng như vai trò tiên phong của họ. Công ty nào cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nên tôi hy vọng Yeah1 sớm giải quyết được khủng hoảng để vẫn là đầu tàu trong mảng nội dung số và hợp tác quốc tế giúp truyền cảm hứng cho nhiều startup non trẻ của Việt Nam.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Thảo Nguyên

CTCP Sữa Việt Nam dự chi gần 1.600 tỷ đồng ‘thâu tóm’ GTNFoods(VietQ.vn) - Kịch bản Vinamilk và Mộc Châu sẽ ‘về chung một nhà’ khi CTCP Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) vừa công bố thông tin về việc chào mua công khai cổ phần của CTCP GTNFoods (HoSE: GTN).
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang