Kiểm soát chất lượng phân bón căn cứ trên tiêu chuẩn nào?

author 14:10 29/09/2022

(VietQ.vn) - Với hành vi buôn bán gần 7,5 tấn phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, 01 hộ kinh doanh tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã bị xử phạt gần 65 triệu đồng.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, ngày 12/8/2022, Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây tổ chức kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đảm bảo thực hiện đúng quy định về điều kiện kinh doanh, hàng hóa có ghi nhãn đầy đủ. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 02 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, cả 02 mẫu này đều có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Ngày 08/9/2022, Đội QLTT số 4 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên về hành vi buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tang vật vi phạm gần 7,5 tấn phân bón các loại với trị giá gần 155 triệu đồng.

Cơ sở kinh doanh phân bón giả bị lực lượng chức năng xử phạt. Nguồn Cục QLTT Tiền Giang

 

 

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Cục QLTT trình, ngày 21/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh vi phạm số tiền gần 65 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở liên hệ với các Công ty sản xuất thực hiện thủ tục thu hồi, xử lý hàng hóa không đảm bảo chất lượng trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Theo số liệu thống kê, hàng năm Việt Nam sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất thấp, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân.

Để tránh tình trạng mua phải phân bón giả, nhiều chuyên gia cho rằng nông dân nên hạn chế mua phân bón trôi nổi, chọn mua phân bón tại cơ sở uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng.

Về quy định pháp luật, Điều 7, Nghị định số 15/2010/NĐ-CP quy định hành vi sản xuất phân bón giả có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng bị xử lý hành chính phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Tại Điều 10 quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Hình phạt bổ sung đối với hai hành vi nêu trên là tịch thu và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả, chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy.

Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 15 quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính về sản xuất, gia công phân bón, kinh doanh phân bón giả quy định tại Nghị định này nếu có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Về xử lý hình sự, Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi đối với người có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả thì tùy trường hợp, tình tiết có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 20 năm và bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón. Ngoài ra, mẫu phân bón được lấy để xác định hàm lượng các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế theo phương pháp lấy mẫu được quy định tại TCVN 9486:2018 Phân bón - Phương pháp lấy mẫu và TCVN 12105:2018 Phân bón vi sinh vật - Lấy mẫu.

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10676:2015 Phân bón - Xác định hàm lượng thủy ngân tổng số bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử - kỹ thuật hóa hơi lạnh. 

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang