Kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật với tiêu chí đánh giá đạo đức doanh nghiệp

author 05:54 30/05/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh trên internet đang trá hình thực phẩm chức năng, cần phải có tiêu chí đánh giá đạo đức các doanh nghiệp để người dân biết và có lựa chọn khi mua sản phẩm.

Thiếu quy chế pháp luật đối với quảng cáo thực phẩm chức năng

Những quảng cáo này thường sử dụng hình ảnh của bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng và các bệnh viện tuyến Trung ương để lừa người tiêu dùng. Điều này không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính và những doanh nghiệp gian dối.

Nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo thổi phồng công dụng TPCN. Ảnh st

PGS. TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), đã chỉ ra bốn vi phạm đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay: quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; và quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như người bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo. Hiện 225 hội viên tập thể của VAFF rất ít vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng còn nhiều doanh nghiệp khác chưa thực hiện đúng đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, PGS. TS Trần Đáng cho rằng chế tài xử phạt chưa nghiêm và một số quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tế. Ông nhấn mạnh sự thiếu hụt trong quy chế pháp luật đối với người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo và người phát hành quảng cáo. Hệ thống quản lý và thanh tra chưa hoàn thiện, cùng với chế tài chưa đủ sức răn đe.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch thường trực VAFF, cho biết hầu hết các hội viên ngoài hiệp hội không tuân thủ pháp luật và không đăng ký thẩm định nội dung quảng cáo. Ông cũng chỉ ra rằng một số cơ sở dễ dàng đăng ký công bố sản phẩm nhưng sau đó sản xuất 1-2 lô sản phẩm rồi biến mất, khiến việc hậu kiểm trở nên khó khăn.

Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết "theo quy định người phát hành quảng cáo chỉ được phát hành quảng cáo theo đúng nội dung đã thẩm định". Tuy nhiên, cái khó cho cả cơ quan quản lý (dược, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, thông tin truyền thông) là những quảng cáo trên mạng xã hội đa phần đều có máy chủ ở nước ngoài.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Phát thanh truyền hình đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới kiểm soát quảng cáo chặt chẽ, nếu không các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ rút tiền không sử dụng nền tảng đó nữa. Điều này sẽ giúp chặn dòng tiền quảng cáo hợp pháp trên các nền tảng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ về việc thực hiện quản lý quảng cáo TPCN. Ảnh: Báo Nhân dân

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa pháp luật và quy tắc ứng xử của hiệp hội nghề nghiệp là cẩm nang giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm uy tín, bảo đảm cho sức khỏe. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh tình trạng sai phạm quảng cáo, công bố những mạng lưới công nghệ có nhiều quảng cáo vi phạm để các doanh nghiệp biết và tránh. VAFF cũng cần phải có tiêu chí đo đếm, đánh giá đạo đức các doanh nghiệp để xếp hạng để người dân biết và có lựa chọn đúng đắn khi mua các sản phẩm phục vụ cho sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cũng rất đồng tình với quy chế đạo đức trong quảng cáo. Ông nhấn mạnh các cơ quan truyền thông cần kiểm tra kỹ thông tin về các đơn vị quảng cáo để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng cho biết VAFF đang đề xuất hình thức gắn nhãn “đèn xanh-đèn đỏ” cho các sản phẩm thực phẩm chức năng, giúp người dân dễ dàng nhận diện sản phẩm an toàn và uy tín.

Theo PGS.TS Trần Đáng, VAFF muốn sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước lập lại trật tự kỷ cương trong thị trường thực phẩm chức năng, đưa ngành phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là bước triển khai phương châm “3 Đúng” của VAFF: Hiểu đúng - Làm đúng - Dùng đúng thực phẩm chức năng.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang