Kiến nghị thu hồi 13 sản phẩm và đưa 56 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP

author 16:52 07/10/2021

(VietQ.vn) - Đoàn kiểm tra của tỉnh Quảng Ninh kiến nghị thu hồi Chứng nhận đạt sao đối với 13 sản phẩm OCOP và ban hành Quyết định đưa 56 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh do Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh chủ trì vừa tiến hành kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố. Tại các địa phương, Đoàn đã kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất; rà soát các sản phẩm tham gia OCOP, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm; làm việc với Ban chỉ đạo OCOP cấp huyện.

Tính đến thời điểm kiểm tra, rà soát (tháng 8/2021), toàn tỉnh đã phát triển được tổng số 500 sản phẩm, trong đó số sản phẩm đạt sao là 238 sản phẩm (3 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 67 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao); 31 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Qua kiểm tra, nhiều sản phẩm đã được cấp sao tiếp tục duy trì được tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm có bao bì, tem nhãn được nâng cấp, cải tiến hấp dẫn hơn. Các sản phẩm mới tham gia chu trình OCOP nhưng chưa được đánh giá phân hạng tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo chu trình. Tuy nhiên một số sản phẩm còn bộc lộ hạn chế, như mặt bằng nhà xưởng phục vụ sản xuất còn gặp khó khăn, thiếu vùng nguyên liệu, nhiều sản phẩm tham gia chương trình OCOP nhưng chưa được hoàn thiện để tham gia đánh giá phân hạng sao. Con số tính đến nay là 262 sản phẩm (52,4%) chưa được thi đánh giá phân hạng sao.

Trên cơ sở những ưu, nhược điểm được đánh giá qua quá trình kiểm tra, rà soát các sản phẩm, Đoàn kiểm tra đã kiến nghị với UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất trong thời gian tới. Đoàn cũng kiến nghị thu hồi Chứng nhận đạt sao đối với 13 sản phẩm OCOP và ban hành Quyết định đưa 56 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP, trong đó 13 sản phẩm đã cấp sao và 43 sản phẩm chưa cấp sao.

Đoàn kiểm tra khâu đóng gói sản phẩm nước mắm Cái Rồng, Vân Đồn. Ảnh: báo Quảng Ninh 

“Mỗi xã, phường một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản” (tiếng Anh là One village, one product- viết tắt là OVOP), phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân.

Đến nay đã có hơn 40 nước học theo và đã triển khai rất thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn. “Mỗi xã, phường một sản phẩm” thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Trong Chương trình này Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm…còn người dân đóng vai trò chính trong sân chơi này, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến và bảo quản đã được giám định kỹ lưỡng, mà phải làm thế nào tạo ra được ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong hành vi của mỗi người dân. Ngoài ra nó còn thể hiện ở nghệ thuật bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng.

Đề án OCOP triển khai nhằm thực hiện việc phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang