'Kiềng ba chân' trường kỳ phòng, chống dịch bệnh (Bài 1): 'Vốn xã hội' trong chống dịch

author 14:16 02/08/2021

(VietQ.vn) - Những ngày gần đây, dòng người hồi hương từ các tỉnh phía Nam đặt ra nhu cầu hình thành cấu trúc chính sách “kiềng ba chân” để có thể trường kỳ phòng, chống dịch bệnh.

Tinh thần chung trong Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, hay Công điện mới đây của Thủ tướng đều xác định ứng phó với đại dịch Covid-19 là thách thức rất lớn cho cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Những ngày gần đây, dòng người hồi hương từ các tỉnh phía Nam đặt ra nhu cầu hình thành cấu trúc chính sách “kiềng ba chân” để có thể trường kỳ phòng, chống dịch bệnh.

Khi dịch COVID-19 bùng phát ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hàng nghìn người đã tất tả di cư theo kiểu tự phát về quê bằng phương tiện cá nhân của mình. Ảnh: Lao Động. 

Chiều ngày 31/7, Công điện của Thủ tướng cho phép 19 tỉnh thành phía Nam tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Cùng ngày, những dòng người từ các tỉnh phía Nam trở về quê bằng phương tiện thô sơ đã đặt ra nhu cầu điều chỉnh và bổ sung phương châm phòng, chống dịch bệnh.

Từ ngày 19/7, trước diễn biến mới và khó lường của đại dịch Covid-19, một loạt địa phương phía Nam và TP.Hà Nội lần lượt thực hiện giãn cách xã hội với những mức độ khác nhau. Sự ủng hộ của tuyệt đại đa số người dân đối với những hành động quyết liệt của chính quyền các địa phương cho thấy ý thức và tinh thần hợp tác cao độ của nhân dân, phản ánh lòng tin vốn có của người dân đối với nhà nước.

Trước nguy cơ tập thể, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam lại có dịp thể hiện: Đó là, lợi ích cá nhân sẵn sàng nhường chỗ cho lợi ích cộng đồng. Quá khứ vật lộn với thiên tai và chống trả ngoại xâm có thể là những yếu tố chính hun đúc nên tinh thần và ý thức quý báu đó.

Đối diện tình huống bất thường, những kỹ năng thích ứng của người dân trong một xã hội vốn có truyền thống kinh tế tiểu nông, thường xuyên đối diện với thiên tai, địch họa đã được phát huy tối đa.

Thay vì đổ ra đường gây rối loạn như ở nhiều nước phương Tây, người lao động ở nhiều tỉnh phía Nam đã lẳng lặng lên đường về quê tránh dịch. Đây là một giải pháp an toàn trong khi tính các phương án khác, thể hiện năng lực thích ứng bối cảnh rất riêng của người dân Việt Nam.

Bên cạnh bản năng tự lực cánh sinh, người dân thông qua các mạng lưới xã hội như “Hội đồng hương”, hoặc các “Nhóm xã hội” cũng đã tự hỗ trợ nhau để vượt qua hoạn nạn. Có thể nói, ý thức và thái độ sẵn sàng hợp tác với chính quyền, tinh thần tự lực vượt khó, cùng khả năng kết nối và hỗ trợ nhau thông qua các mạng lưới xã hội chính là "vốn xã hội" quý báu mà chúng ta đang có trong cuộc chiến ứng phó với Covid-19.

Thực tế này đặt ra nhu cầu phát huy hơn nữa các nguồn vốn xã hội, nguồn lực từ cộng đồng trong quá trình phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang