Kinh doanh thực phẩm sạch: Con đường không trải hoa hồng

authorĐăng Duy 13:43 21/12/2018

(VietQ.vn) - Đáp ứng mong mỏi được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn “dấn thân” sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Bán đồ sạch nhưng khó… mua lòng tin

Ngày nay, khi “vấn nạn” thực phẩm bẩn ngày càng trở nên phổ biến, thực phẩm bị tẩm ướp hóa chất, dư lượng thuốc trừ sâu, chất tạo nạc, thức ăn tăng trọng, bơm kháng sinh… đang ở mức báo động thì nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn hay thực phẩm sạch là mong mỏi chính đáng của bất kỳ người tiêu dùng nào. Có cung ắt có cầu, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch mọc lên như nấm sau mưa. Nhưng thời gian qua, thị trường thực phẩm sạch cũng ghi nhận rất nhiều người "ngã ngựa" trên thương trường, những cửa hàng rơi vào cảnh đìu hiu rồi sập tiệm nhanh chóng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này theo ý kiến của giới kinh doanh là do mẫu mã nông sản sạch, an toàn không bắt mắt như sản xuất theo kiểu truyền thống.

Một nguyên nhân rất quan trọng nữa là do chi phí sản xuất cao nên giá bán trên thị trường cũng cao hơn. Ngoài ra, thói quen mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ cóc bên lề đường của người tiêu dùng cũng là một “cửa khó” với đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn. Đã khó “mua” lòng tin người tiêu dùng nhưng hàng loạt những thông tin "trái chiều" về thực phẩm thiếu an toàn ngay trong các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, khiến mức độ tin cậy của người tiêu dùng với các sản phẩm thực phẩm sạch tại các kênh phân phối này cũng giảm đáng kể. Đầu tư nguồn vốn lớn nhưng lại gặp rất nhiều khó đã dẫn đến một thực tế đáng buồn là nhiều người đầu tư vào thực phẩm sạch đã phải gánh nợ và dẫn đến phá sản do thua lỗ.

Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, nhiều người nhiệt huyết muốn xây dựng một thương hiệu sạch, nhưng cuối cùng vẫn không trụ vững phải bán lại với cái giá rẻ. Đơn cử như thương hiệu rau an toàn đình đám một thời Liên Thảo với 60 cửa hàng trải dài Hà Nội đã không thể “sống” được đã phải đóng cửa. Hay ông chủ của Công ty Hương Cảnh đã bỏ hàng tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền sơ chế rau an toàn hiện đại đóng ở xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đã phá sản.

Kinh doanh thực phẩm sạch: Con đường không trải hoa hồng

Kinh doanh thực phẩm sạch là con đường không trải hoa hồng.

Giải bài toán liên kết

Vì sao nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch luôn cao mà người sản xuất và kinh doanh lại phải thất bại? Câu hỏi đầy nghịch lý này được các chuyên gia lý giải đó là do chúng ta chưa liên kết được ba nhà: Nhà nước, nhà nông (nhà sản xuất) và nhà phân phối để có nguồn hàng ổn định, sản phẩm chất lượng tới tay người tiêu dùng.

“Trong đó, các nhà bán lẻ, nhà phân phối là động lực để nhà sản xuất đầu tư đưa sản phẩm hữu cơ về giá trị thật và phổ biến hơn trên thị trường. Bên cạnh đó, nhà quản lý, nhà nước cần kiểm soát chặt vấn đề an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu phân phối. Các nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước để việc kiểm tra, kiểm soát được minh bạch, công khai với người tiêu dùng”, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam giải thích thêm. 

Còn theo bà Nina Nguyễn Yến Nhàn, nhà huấn luyện của tổ chức Huấn luyện ActionCoach Hà Nội West, đối với một ngành kinh doanh đặc thù như thực phẩm sạch, nguồn hàng là yếu tố tối quan trọng. Doanh nghiệp cần phải bảo đảm một nguồn hàng ổn định, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc rõ ràng. Và để làm được điều đó, họ không thể chỉ đơn thuần là những người đến thu mua rau, lợn, gà… của bà con nông dân, bởi điều đó không thể tạo ra sự gắn kết lâu dài giữa người sản xuất trực tiếp với nhà phân phối, cũng như sẽ không thể tạo ra sự minh bạch thông tin trong suốt quá trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Một số chuyên gia cho rằng để hướng đến việc phát triển lâu bền dài hạn và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, doanh nghiệp phải chung tay phát triển trang trại cùng người nông dân và bảo đảm đầu ra ổn định cho họ. Trong  mối quan hệ này, người nông dân chỉ tập trung vào việc sản xuất đảm bảo theo yêu cầu về chất lượng, số lượng, còn doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm giải quyết đầu ra của sản phẩm, phát triển thị trường.

Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam chưa xây dựng quy chuẩn chứng nhận sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp đang lấy tiêu chuẩn từ một số nước. Vì vậy sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng một giá trị chất lượng chuẩn cho sản phẩm hữu cơ, tạo điều kiện nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, tạo niềm tin cho người sản xuất, doanh nghiệp và đặc biệt là người tiêu dùng. Còn về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cũng cần đưa ra những chuẩn chung (tiêu chí) về chất lượng để người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm hữu cơ chất lượng.

Nhưng trước khi xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật cho thực phẩm sạch, thiết nghĩ, việc xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch cũng là vấn đề cần được quan tâm. Ngoài các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, các cửa hàng cần trang bị thêm thiết bị kiểm tra tại chỗ các chỉ tiêu đối với sản phẩm sạch. Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nông sản được bày bán tại các cửa hàng cũng như nơi sản xuất để tạo sự tin cậy cho người dùng.

Theo Thương Trường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang