Kinh nghiệm thực hiện khu vực thương mại tự do EU - Singapore và bài học cho Việt Nam

author 06:12 01/07/2022

(VietQ.vn) - Bài viết bước đầu nghiên cứu việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Singapore (EUSFTA) và gợi mở một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Tóm tắt: Tháng 11/2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Singapore (EUSFTA) có hiệu lực, tạo ra một khu vực tự do thương mại (FTA) đầu tiên giữa EU và một nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mặc dù việc triển khai Hiệp định EUSFTA chưa lâu và gặp phải những khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng cả EU và Singapore đã thu được những kết quả khả quan trong hợp tác thương mại song phương.

Hiệp định thương mại tự do EU - Singapore

Nguồn: bilaterals.org. 

Hiệp định Thương mại tự do EU - Singapore (EUSFTA) là FTA đầu tiên giữa EU và một nước thành viên của ASEAN. Quá trình khởi động đàm phán giữa hai bên đã được thực hiện từ năm 2009 và kết thúc năm 2012 đối với thương mại hàng hóa, trong khi đó, các cuộc đàm phán về Hiệp định bảo hộ đầu tư (EUSIPA) được kết thúc vào năm 2014.

Tháng 10/2018, Hiệp định EUSFTA được hai bên ký kết và được Hội đồng Liên minh châu Âu phê chuẩn vào ngày 8 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực vào ngày 21 tháng 11 năm 2019. Cả hai hiệp định này được xem là một kết quả hết sức to lớn cho cả hai bên, bởi lẽ đây được xem là một thỏa thuận toàn diện với nhiều cam kết quan trọng của EU và Singapore trong việc mở cửa thị trường hơn nữa cho cả hai bên.

Các nội dung chính của Hiệp định EUSFTA giữa EU và Singapore bao gồm việc hai bên tạo điều kiện tốt nhất cho nhau trong việc thúc đẩy các hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, Hiệp định EUSFTA tập trung vào những nội dung chính bao gồm: 1) Hai bên cam kết mang đến những thỏa thuận về dịch vụ và mua sắm công tốt hơn so với những gì đã cam kết ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); 2) EU và Singapore đồng ý với một khung pháp lý cấp cao hơn cho rất nhiều dịch vụ khác nhau; 3) Thúc đẩy và bảo vệ đầu tư trực tiếp nước ngoài; 4) Xóa bỏ các hàng rào kĩ thuật, rào cản về thuế quan; 5) Đồng ý mức độ bảo vệ cao và áp dụng quyền sở hữu trí tuệ cũng như dựa trên hệ thống chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, Hiệp định EUSFTA đưa ra những qui định cụ thể trong các lĩnh vực như sau:

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, EU và Singapore cũng đã thống nhất các nguyên tắc cơ bản trong Hiệp định EUSFTA, đó là xóa bỏ hoặc giảm các loại thuế nhập khẩu giữa hai bên trong thời gian 5 năm sau khi Hiệp định EUSFTA có hiệu lực. Singapore sẽ giảm 100% các loại thuế ngay trong năm đầu tiên.

Ngược lại, EU sẽ giảm dần 84% các dòng thuế ngay trong năm đầu tiên và duy trì 16% các dòng thuế sau 5 năm. Về cơ bản, Hiệp định EUSFTA cũng giống như FTA giữa EU và Hàn Quốc, theo đó hai bên sẽ cam kết cắt giảm và xóa bỏ các dòng thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai bên tiếp cận thị trường của nhau. Bên cạnh đó, trong Hiệp định EUSFTA, EU và Singapore cũng đã đơn giản hóa các quy định về nguồn gốc sản phẩm.

Với việc Singapore là thành viên ASEAN, có nền kinh tế mở và là trung tâm trung chuyển của khu vực, do vậy các điều khoản về nguồn gốc sản phẩm cũng được EU mở rộng hơn cho một số sản phẩm được phép sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước ASEAN.

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, đây được xem là một trong những lĩnh vực được hai bên đặc biệt quan tâm vì Singapore là trụ sở chính của nhiều ngành dịch vụ của các nước khi mở rộng chi nhánh đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời Singapore là cửa ngõ để các doanh nghiệp EU thâm nhập vào thị trường ASEAN. Với một nền kinh tế có độ mở cao, Singapore đã và đang thực hiện các quy định về tự do hóa thương mại ở mức rất cao với các đối tác thương mại phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong khi đó, EU được đánh giá là một khu vực đang có những nỗ lực nhằm thúc đẩy mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ không chỉ trong khu vực, mà còn hướng đến toàn cầu. Do đó, trong Hiệp định EUSFTA, EU và Singapore đã có những cam kết về thương mại dịch vụ bao phủ rộng các lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, môi trường, tài chính, dịch vụ kĩ thuật và kiến trúc, dịch vụ bưu chính, vận tải biển và các dịch vụ về máy tính.

Một điểm khá quan trọng của Hiệp định EUSFTA là EU và Singapore đã đạt được các cam kết về dịch vụ tài chính, đây là một ngành được quản lý khá chặt chẽ ở cả EU và Singapore trong bối cảnh kinh tế của cả hai bên có những độ mở nhất định, chịu tác động từ nhiều cam kết khác trên toàn cầu. Hiệp định EUSFTA cũng đảm bảo rằng đối với tất cả các ngành dịch vụ trong thỏa thuận, các thủ tục để được cấp phép hoạt động sẽ được đơn giản hóa, không làm ảnh hưởng đến việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp EU và Singapore. Bên cạnh đó, Hiệp định EUSFTA cho phép hai bên đạt được những thỏa thuận về mua sắm công, sở hữu trí tuệ, và các vấn đề về lao động, môi trường và phát triển bền vững.

Một số kết quả chính đạt được trong thực hiện Hiệp định EUSFTA

Các nước châu Âu hoan nghênh sự tham gia FTA-EU Singapore. Nguồn: Tradewindsnews.

Singapore là một trong 10 thành viên của ASEAN, và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN, chiếm tỷ trọng nhỏ hơn một phần ba thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa EU và ASEAN và khoảng hai phần ba đầu tư giữa hai khu vực. Hiện nay, đã có hơn 10.000 công ty của các nước thành viên EU thiết lập văn phòng, chi nhánh và hoạt động kinh doanh tại Singapore, cũng như sử dụng nơi này làm trung tâm phân phối các sản phẩm ra toàn bộ khu vực Nam Thái Bình Dương.

Hơn nữa, Singapore là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 16 của EU và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN vào năm 2020, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 41 tỷ Euro. Cán cân thương mại năm 2020 nghiêng về phía EU với kim ngạch đạt 7 tỷ Euro, đây cũng là con số mà EU ghi nhận thặng dư thương mại cao nhất trong khối ASEAN.

Xuất khẩu của EU sang Singapore năm 2020 chủ yếu bao gồm máy móc và thiết bị cơ khí (18,8%) và máy móc thiết bị điện, chẳng hạn như mạch tích hợp điện tử (15,7%). Các mặt hàng xuất khẩu chính khác sang Singapore bao gồm thiết bị y tế, phẫu thuật và dụng cụ quang học (6,6%), tinh dầu và nước hoa, chẳng hạn như làm đẹp, trang điểm, chế phẩm chăm sóc da, nước hoa và nước vệ sinh (6,2%), dược phẩm (5,8%), máy bay và các bộ phận của máy bay (5,7%). Ở chiều ngược lại, EU nhập khẩu từ Singapore chủ yếu là hóa chất và các sản phẩm liên quan (43,2%), tiếp theo là máy móc và thiết bị vận tải (22,2%) và các sản phẩm chế tạo khác (15,6%).

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, mặc dù Hiệp định EUSFTA bao gồm các điều khoản tập trung vào thương mại hàng hóa, tuy nhiên, mục tiêu chính của EU lại là cải thiện khả năng tiếp cận các thị trường dịch vụ của Singapore, như dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, môi giới, kế toán, thiết kế, kiến trúc, pháp lý, quản lý, thực phẩm và đồ uống, đi lại và du lịch,...

Trong bối cảnh đại dịch Covid, hoạt động thương mại dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao đối với các chuỗi cung ứng, thậm chí đối với hàng hóa sản xuất, hàm lượng dịch vụ của hàng hóa trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới có thể là 40-70%. Do vậy, tiếp cận nhiều hơn và bảo vệ tốt hơn các lĩnh vực chính này là những mục tiêu quan trọng đối với cả hai bên.

So với Hiệp định EUKFTA, mức độ tiếp cận của hiệp định EUSFTA được EU đưa ra là tương đương trong lĩnh vực viễn thông, tài chính, máy tính, vận tải, môi trường và một số dịch vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, một số thỏa thuận liên quan đến dịch vụ bưu chính đã vượt lên so với Hiệp định EUKFTA. Năm 2019, tổng thương mại dịch vụ của EU với các đối tác khác trên toàn cầu lên tới 2,037 tỷ €, tăng 10,5% so với năm 2018, trong khi đó tổng thương mại dịch vụ của EU với Singapore cũng đạt gần 53 tỷ euro vào năm 2019, tăng 4,2% so với năm trước.

Năm 2020, EU tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại trong lĩnh vực dịch vụ với Singapore tương ứng kim ngạch xuất khẩu là 30,8 tỷ euro và nhập khẩu là 26 tỷ euro. Xuất khẩu dịch vụ của EU sang Singapore tập trung bao gồm phí sử dụng tài sản trí tuệ (32,1%), vận tải (24,7%), dịch vụ kinh doanh (23,8%),viễn thông, máy tính và thông tin dịch vụ (11,3%) và dịch vụ tài chính (5,6%). Ngược lại, năm 2019, EU nhập khẩu dịch vụ từ Singapore chủ yếu bao gồm vận tải (25,3%), kinh doanh dịch vụ (25,2%), phí sử dụng trí tuệ tài sản (20,2%) và dịch vụ tài chính (18,2%).

Trong lĩnh vực vận tải, dịch vụ vận tải đạt 4,5 tỷ euro, trong khi nhập khẩu vận tải hàng không tổng giá trị dịch vụ là 1,5 tỷ €. Xét trong khối ASEAN, Singapore được xếp hạng là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của EU đối với  dịch vụ, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của EU sang Đông Nam Châu Á, tiếp đó là Indonesia (5,3 tỷ euro), Thái Lan (4,8 tỷ euro) và Malaysia (3,8 tỷ euro).

Kinh nghiệm của Singapore trong việc thực hiện Hiệp định EUSFTA và bài học cho Việt Nam

Mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, những kết quả đạt được của cả EU và Singapore trong thời gian qua được ghi nhận hết sức to lớn mà Hiệp định EUSFTA mang lại. Qua nghiên cứu cho thấy, Chính phủ Singapore đã thực hiện một số cách thức chủ yếu nhằm tận dụng cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức để đạt được kết quả như kỳ vọng. Những cách thức này bao gồm:

Thứ nhất, thúc đẩy các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ nhanh chóng tiếp cận các lợi ích FTA thông qua các hoạt động tổ chức hội nghị, xuất bản ấn phẩm về FTA. Sở dĩ các doanh nghiệp của Singapore tiếp cận được Hiệp định EUSFTA cũng như các FTA khác rất nhanh chóng và có hiệu quả chính là việc Singapore đã nhanh chóng xây dựng các Website chuyên môn và các sách hướng dẫn về FTA.

Chẳng hạn, tại Website có địa chỉ https://www.enterprisesg.gov.sg, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể dễ dàng tra cứu thông tin về các FTA mà Singapore đã ký kết, lợi ích của mỗi FTA, danh mục hàng hóa Mã HS (Harmonised System), thuế xuất tương ứng với các FTA, quy định về nguồn gốc sản phẩm (Rules of Origin - ROO), chứng nhận PCO (Certificate of Origin) cũng như các thủ tục quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Thứ hai, tổ chức các sự kiện kết nối các cụm công nghiệp giữa hai bên, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp khám phá, nắm bắt các cơ hội phát triển thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực mới như nổi như kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh. Một trong những sự kiện như vậy đã được tổ chức trong ngày 11 và 12/11/2021 ở Singapore, trong đó hơn 100 đại diện từ các ngành công nghiệp của EU và cụm công nghiệp của Hiệp hội Thương mại Singapore (TAC), Trung tâm Đổi mới (COI), cùng với các quan chức của các bộ ngành hai bên đã tham dự sự kiện này.

Thông qua sự kiện, việc trao đổi giữa các đại biểu đã đưa đến kết quả hạ thấp các rào cản và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp của cả hai bên, đồng thời tiếp nhận những ý kiến, phản hồi của khối doanh nghiệp về các rào cản thương mại, làm cho đầu tư trong khuôn khổ của Hiệp định EUSFTA được kịp thời, cũng như tạo ra một sân chơi lớn cho các doanh nghiệp hai bên hợp tác, nhằm khai thác có hiệu quả hơn những lợi ích mà Hiệp định EUSFTA mang lại.

Thứ ba, thúc đẩy doanh nghiệp hai bên hợp tác trong lĩnh vực thương mại số. Không chỉ khai thác những lợi thế về thuế quan trong Hiệp định EUSFTA, Singapore và EU cũng đã chủ động hơn trong việc khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại số. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại giữa hai bên, chương trình hợp tác kỳ vọng thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều sẽ tăng gấp 3 lần cho giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, chương trình hợp tác thương mại số cũng sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp của EU và Singapore khai thác được những lợi thế không chỉ ở thị trường khu vực mà sẽ hướng tới những doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường toàn cầu, góp phần tạo lập những nền tảng cho thương mại điện tử toàn cầu phát triển.

Thứ tư, nhanh chóng triển khai và áp dụng các sáng kiến, giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 đối với vấn đề lao động. Cụ thể, Singapore đã nhanh chóng triển khai các chương trình, chính sách (đối thoại xã hội, đối thoại ba bên) tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm việc thiết lập các định mức tiền lương, tiết kiệm chi phí hợp lý và thực hành nghỉ việc, và các biện pháp việc làm phù hợp khác trong thời gian xảy ra đại dịch.

Đồng thời, thực hiện các cam kết các giải pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19 liên quan đến lao động (hỗ trợ lao động, giảm thiểu rủi ro thất nghiệp tạm thời, đảm bảo các quyền cho người lao động), điều chính các quy định để đảm bảo không có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, cung cấp thông tin cập nhật về những nỗ lực của mình trong việc phê chuẩn và thực hiện hiệu quả các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bao gồm (i) sửa đổi luật liên quan, (ii) tiếp tục làm việc hướng tới xóa bỏ phân biệt đối xử tại nơi làm việc, và (iii) tiến hành đánh giá chính sách liên tục.

Cuối cùng, thực hiện các giải pháp về biến đổi khí hậu và năng lượng. Nhân dịp kỷ niệm một năm Hiệp định EUSFTA có hiệu lực, Ủy ban hỗn hợp Singapore- EU về thương mại và phát triển bền vững (Trade and Sustainable Development (TSD) đã được nhóm họp. Singapore đã cam kết hướng đến việc điều chỉnh, sửa đổi các khung khổ chính sách đối với vấn đề phát thải theo (Thỏa thuận xanh - European Green Deal) của EU cho mục tiêu phát thải đến năm 2030, hướng đến phát triển nền kinh tế xanh.

Bên cạnh đó, Singapore cũng đã đưa ra các lĩnh vực tiềm năng như: năng lượng công nghiệp, năng lượng mặt trời, hệ thống lưu trữ năng lượng và các công nghệ carbon thấp như hydro, thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon để kêu gọi các doanh nghiệp châu Âu đầu tư.

Như vậy, qua một số kinh nghiệm triển khai Hiệp định EUSFTA giữa EU và Singapore cho thấy những kinh nghiệm này có thể được áp dụng cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và EU cũng đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA). Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam và của Singapore có những khác biệt vì thế việc nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm của Singpore trong quan hệ hợp tác với EU cũng cần có sự linh hoạt và điều chỉnh nhất định để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và thương mại với EU - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

TS. Bùi Việt Hưng, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang