Thực tiễn triển khai FTA của Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản

author 08:50 30/06/2022

(VietQ.vn) - Bài viết tập trung nghiên cứu thực tiễn triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản trên cơ sở những văn kiện đã được ký kết, từ đó gợi mở kinh nghiệm hợp tác cho Việt Nam trong việc triển khai FTA với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Tóm tắt: Hàn Quốc và Nhật Bản là hai trong số những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Đông Bắc Á trên nhiều phương diện. Trên lĩnh vực kinh tế, với Hàn Quốc, Việt Nam đã ký Hiệp định đầu tư song phương Hàn Quốc - Việt Nam năm 2003 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc năm 2015. Với Nhật Bản, Việt Nam đã ký Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản năm 2008.

Đây là những hiệp định kinh tế toàn diện cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, bảo hộ đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, được xây dựng trên nền tảng các cam kết thuế quan với mức độ tự do hóa cao nhưng vẫn đảm bảo cân bằng lợi ích giữa đôi bên, đồng thời có cân nhắc phù hợp đến những lĩnh vực nhạy cảm của mỗi nước và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam so với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thực tiễn triển khai FTA với Hàn Quốc        

Tổng thống Park Geun Hye (bên phải) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EU) Donald Tusk Franciszek tại Cuộc họp báo chung sau Hội đàm thượng đỉnh tại Phủ Thống thống Hàn Quốc.

 

Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992. Trải qua gần 30 năm, quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc vào năm 2009. 

Trên cơ sở hai nước đã ký kết Hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) vào năm 2006, nhằm củng cố mối quan hệ sâu sắc trên cùng kỳ vọng khai thác hơn nữa tiềm năng thương mại của hai quốc gia, sau nhiều năm đàm phán, hai nước đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) ngày 05/05/2015.

Hiệp định VKFTA gồm 17 Chương (208 Điều), 15 Phụ lục và 01 Thỏa thuận thực thi quy định. Đây là một Hiệp định mang tính toàn diện, thể hiện sự quyết tâm cao của hai bên.

Các cam kết thuế quan được xây dựng trên nền tảng cam kết thuế quan trong Hiệp định AKFTA nhưng với mức độ tự do hóa cao hơn, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa đôi bên, có cân nhắc phù hợp đến những lĩnh vực nhạy cảm mỗi nước và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai quốc gia. Theo đó, Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thêm cho Việt Nam 506 dòng thuế còn Việt Nam sẽ xóa bỏ thêm cho Hàn Quốc 265 dòng thuế. 

Hợp tác thương mại

Sau khi Hiệp định VKFTA chính thức có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc chứng kiến nhiều thay đổi tích cực, từ 36,5 tỷ USD năm 2015 tăng 2,138 lần lên mức 78,06 tỷ USD năm 2021. Hai nước cũng đã thông qua kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2023.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hàn Quốc những năm qua là sản phẩm dệt may, hàng thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam được hưởng lợi lớn nhờ giảm thuế từ Hiệp định gồm có một số sản phẩm tôm từ 20% về 0%, hạt điều từ 8% xuống còn 1,6% (2018), xoài từ 30% xuống còn 18% (2018).

Hay Hàn Quốc cũng mở cửa thị trường cho một số sản phẩm được coi là nhạy cảm cao của nước này như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang (vốn chịu thuế nhập khẩu rất cao, từ 241%-420%). Đây được xem là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Cho đến nay, 70-80% hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc đã đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên đã được hưởng ưu đãi từ Hiệp định VKFTA.

Sau khi Hiệp định được ký kết, Bộ Công thương Việt Nam đã ban hành Thông tư số 40/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 v/v Quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc và Thông tư 48/2015/TT-BCT sửa đổi Thông tư số 40/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Các văn bản này đã quy định cụ thể Quy tắc xuất xứ, Quy trình cấp và Kiểm tra xuất xứ, các mẫu và hướng dẫn kê khai C/O hay danh mục các tổ chức cấp C/O, đảm cho cho mọi doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin và chủ động thực hiện theo hướng dẫn. Đặc biệt, Việt Nam là nước thứ hai có FTA song phương với Hàn Quốc sau Singapore. Vì thế trong ngắn hạn, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực sang thị trường Hàn Quốc là rất lớn.

Tuy nhiên, trong giao dịch với thị trường Hàn Quốc, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn bị thâm hụt lớn. Hiện tại, Hàn Quốc là thị trường lớn thứ hai trên thế giới cung cấp hàng hóa sang thị trường Việt Nam (chỉ xếp sau Trung Quốc). Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Hàn Quốc trong những năm qua gồm có: linh kiện điện tử, máy tính, thiết bị phụ tùng máy móc, vải các loại, chất dẻo nguyên liệu, xăng dầu, sắt thép các loại, ô tô nguyên chiếc các loại.

Tuy Hàn Quốc cắt giảm thuế cho một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, nhưng bù lại, Việt Nam cũng phải giảm thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm chủ lực của Hàn Quốc. Riêng năm 2021, các nhóm hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng mạnh như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 20,3 tỷ USD, tăng 18,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 6,1 tỷ USD, tăng 1,8%; điện thoại các loại và linh kiện với 10,73 tỷ USD, tăng 38,2%. Mặc dù có những áp lực từ hàng hóa nhập khẩu làm tăng cạnh tranh với hàng hóa nội địa nhưng một bộ phận doanh nghiệp đang sử dụng các nguyên vật liệu từ Hàn Quốc sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định VKFTA.

Mặc dù cơ hội có được từ Hiệp định VKFTA là rất lớn nhưng sự tận dụng từ phía Việt Nam còn khiêm tốn. Cụ thể, Hàn Quốc miễn thuế nhiều sản phẩm tôm nhập khẩu cho Việt Nam với hạn ngạch 10.000 tấn/năm, đến 2020 đã tăng lên 15.000 tấn/năm nhưng hiện nay, con số mà Việt Nam xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc mới tận dụng được 2.500 tấn/năm. Các sản phẩm trái cây xuất khẩu vốn là thế mạnh trong nước cũng còn nhiều hạn chế. Hiện Hàn Quốc mới chỉ chấp nhận cho 5 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu là: chuối, dừa, dứa, xoài và thanh long ruột trắng.

Con số này vẫn rất nhỏ so với sự đa dạng trái cây tại Việt Nam. Mặc dù nhu cầu cho các loại trái cây trên là rất lớn ở Hàn Quốc nhưng thị phần trái cây tươi Việt Nam xuất sang Hàn Quốc vẫn chưa vượt quá 6%, bị lấn át bởi các nước trong khu vực như Indonesia, Phillippines. Nguyên nhân được chỉ ra là do thương hiệu, chất lượng trái cây và giá cả vẫn chưa cạnh tranh, đặc biệt là các yêu cầu về tính ổn định, cam kết khi xuất khẩu.

Hợp tác đầu tư

Hiện tại, Hàn Quốc đã trở thành nước có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc. Việc ký kết Hiệp định VKFTA giúp quan hệ đầu tư giữa hai nước nâng lên một tầng cao mới. Các cam kết về mở cửa thị trường, bảo hộ đầu tư sẽ là động lực giúp nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh và bền vững.

Hiện tại có ba Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) đang có hiệu lực giữa Hàn Quốc và Việt Nam, gồm: Hiệp định đầu tư song phương Hàn Quốc - Việt Nam (2003), Hiệp định đầu tư ASEAN - Hàn Quốc (2009) và Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Việt Nam (2015). Các Hiệp định này đều đảm bảo cung cấp những quyền cơ bản quan trọng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc ở Việt Nam.

Kể từ khi Hiệp định VKFTA đi vào thực thi, vốn FDI của Hàn Quốc đăng ký vào Việt Nam luôn duy trì ở mức cao đạt trung bình trên 7,4 tỷ USD/năm (đến hết 2019). Mặc dù vậy, dưới tác động của đại dịch Covid-19, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam của Hàn Quốc đã giảm một nửa còn 3,9 tỷ USD vào năm 2020. Tuy vậy, tỷ lệ vốn đầu tư thực tế trong năm 2020 lại ghi nhận ở mức giá trị cao nhất so với các thời kỳ trước đó, đạt gần 70%.

Tính đến tháng 11/2021, Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 9.203 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký đạt 74,14 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước. Những ngành chủ lực mà Hàn Quốc tập trung rót vốn gồm có lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 74%), bất động sản và xây dựng (chiếm 16,9%), trong đó tập trung chủ yếu ở các thành phố có khu công nghiệp phát triển, thuận lợi giao thông, thương mại như Hà Nội (chiếm 7,8%), Hải Phòng (chiếm 12,9%) và Bắc Ninh (chiếm 14,5%). Quy mô dự án đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt trung bình 8,1 triệu USD/dự án. Con số này thấp hơn mức trung bình của cả nước là 11,8 triệu USD/dự án. Các nhà đầu tư Việt Nam cũng có 52 dự án đầu tư sang Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 26 triệu USD. Tuy nhiên, đây là những dự án quy mô nhỏ, chủ yếu trong ngành khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo.

Như vậy, dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua. Là đối tác FDI lớn nhất, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Gia tăng dòng vốn FDI của Hàn Quốc giúp Việt Nam cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu từ nông sản, thủy sản sơ chế, nguyên liệu thô, hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang xuất khẩu các nhóm hàng hóa có hàm lượng chất xám, công nghệ cao hơn. Bên cạnh đó, quá trình đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc giúp thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực sản xuất, tính chuyên nghiệp.

Thực tiễn triển khai FTA với Nhật Bản

          Nguồn: hptoancau.com 

Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) được ký ngày 25/12/2008 và có hiệu lực từ 01/10/2009. Đây là Hiệp định kinh tế toàn diện cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, bảo hộ đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, đây cũng là Hiệp định tự do hóa thương mại song phương đầu tiên của Việt Nam và là Hiệp định đối tác kinh tế thứ 10 của Nhật Bản. Trong Hiệp định VJEPA, Việt Nam và Nhật Bản dành nhiều ưu đãi cho nhau so với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) đã ký và có hiệu lực từ năm 2008.

Về hợp tác thương mại

Kể từ khi Hiệp định VJEPA có hiệu lực, trong vòng 10 năm, Việt Nam cam kết tự do hóa với khoảng 87,66% kim ngạch thương mại và ngược lại, Nhật Bản cam kết tự do hóa với 94,53% kim ngạch thương mại. Biểu cam kết của Việt Nam bao gồm 9.390 dòng thuế, trong đó đưa vào lộ trình cắt giảm đối với 8.873 dòng. Lộ trình giảm thuế của Việt Nam sẽ bắt đầu từ 2009 và kết thúc vào năm 2026. Theo đó, các mặt hàng được cắt giảm xuống 0% tập trung vào các năm 2019 và 2025.

Các mặt hàng được xóa bỏ thuế quan chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp. Ngoài ra, cả hai nước phải tuân thủ nghiêm ngặt cam kết về quy tắc và thủ tục xuất xứ, đảm bảo hàng hóa được xuất nhập khẩu chứng minh được xuất xứ, được quy định cụ thể trong Hiệp định VJEPA.

Có thể thấy, kể từ khi Hiệp định VJEPA có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước có bước tăng rõ rệt qua các năm, từ 13,18 tỷ USD năm 2009 lên 42,78 tỷ USD năm 2021 (gấp 3,2 lần), bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính bổ sung rõ rệt, về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Nhật Bản là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như hàng dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hàng thủy sản, nông sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản các linh kiện, phụ tùng, sản phẩm điện tử, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, trong đó phục vụ đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nhật Bản là một thị trường khó tính. Với các hàng nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản, các yêu cầu về an toàn thực phẩm (xét nghiệm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh), truy xuất nguồn gốc (nắm bắt được quy trình, kỹ thuật trồng trọt…) là rất khắt khe. Đối với các sản phẩm dệt may, sản phẩm xuất từ Việt Nam phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, trong khi đó, nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may của Việt Nam được nhập khẩu 80% từ nước ngoài.

Đây là khó khăn rất lớn. Đối với xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đạt được chứng chỉ rừng FSC - chứng chỉ toàn cầu kiểm định chuỗi sản phẩm gỗ từ nguyên liệu đến thành phẩm cũng như các thông tin về các hóa chất xử lý bề mặt gỗ, đảm bảo yên tâm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm gỗ cần phải được áp dụng tiêu chuẩn JAS và tiêu chuẩn JIS về dư lượng formaldehyde có trong sản phẩm. Mỗi loại sản phẩm đều phải có giấy chứng nhận riêng phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.

Có thể nói, để tận dụng được ưu đãi từ VJEPA, bên cạnh việc Chính phủ định hướng và có những hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, chính các doanh nghiệp cũng cần chủ đồng tìm hiểu cơ chế, chính sách (cơ chế cấp C/O mẫu quy tắc xuất xứ…) để nắm bắt cơ hội. Hiện tại, các doanh nghiệp hàng dệt may Việt Nam được xem là tận dụng tốt nhất các ưu đãi.

Về hợp tác đầu tư

Hiệp định VJEPA mở ra chương mới trong phát triển hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hiện tại, Nhật Bản là nhà tài trợ viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam với giá trị lên tới gần 27 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 30% số vốn ODA mà Chính phủ Nhật Bản dành cho các nước trên thế giới.

Vốn ODA của Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam tập trung vào năm lĩnh vực cơ bản, gồm: 1) Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; 2) Xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; 3) Phát triển nông nghiệp và xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn; 4) Phát triển giáo dục và đào tạo y tế; 5) Bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư. Kể cả trong thời điểm đại dịch Covid-19, dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, bất chấp nhiều khó khăn. Tính đến ngày 20/11/2021, Nhật Bản có 4.792 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 64,2 tỷ USD, đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Vốn đầu tư của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (65,3%); sản xuất phân phối điện (11,5%) và kinh doanh bất động sản (11%). Các địa phương ở Việt Nam nhận vốn đầu tư của Nhật Bản nhiều nhất gồm có Thanh Hóa (19,5%), Hà Nội (16,4%) và Bình Dương (9%). Riêng trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của Nhật Bản tại Việt Nam đạt trên 3,7 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư và tăng 54% so với cùng kỳ. 

Cho tới nay, Nhật Bản đã đầu tư ở 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và Thanh Hóa là địa phương được Nhật Bản đầu tư vào lớn nhất với số vốn 12,5 tỷ USD, chiếm 19,59% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư của Nhật Bản tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.842 dự án với số vốn đăng ký 41,79 tỷ USD, chiếm 65,3% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực phân phối điện đứng thứ hai với 19 dự án, tổng vốn đầu tư 7,4 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Một số dự án tiêu biểu của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam như: Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD); Dự án Thành phố Thông minh ở Hà Nội (tổng vốn đầu tư là 4,13 tỷ USD). Các doanh nghiệp FDI lớn ở Nhật Bản như Canon, Panasonic trong lĩnh vực điện tử; Toyota, Honda, Yamaha, Mitsubishi trong nhóm công nghiệp chế tạo; Marubeni, Idemitsu, Mitsui trong lĩnh vực năng lượng; Toray trong nhóm ngành dệt may đều là những doanh nghiệp lớn, đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Đầu tư của Nhật Bản giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã có 95 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký gần 23,4 triệu USD. Các dự án có quy mô vốn nhỏ, chủ yếu thuộc các ngành thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, bán buôn bán lẻ. Nổi bật là công ty FPT Software đã có văn phòng đại diện tại hơn 10 thành phố trên lãnh thổ Nhật Bản.

Kết luận

Qua nghiên cứu quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đối tác quan trọng ở Đông Bắc Á, cho thấy đây là hai đối tác có nhiều đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư. Đặc biệt, do trình độ phát triển kinh tế cao của Hàn Quốc và Nhật Bản nên những yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường của hai đối tác này đã góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từng bước tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế, đặc biệt đối với những thị trường khó tính như Nhật Bản.

Sự đầu tư lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam trở thành địa điểm đáng tin cậy cho dòng vốn FDI. Hơn nữa, mức độ đầu tư cao của Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động Việt Nam, đồng thời qua đó cũng giúp Việt Nam tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ và kỹ thuật cao của hai nước.

Những kết quả đạt được trong việc triển khai các FTA với Hàn Quốc và Nhật Bản là những kinh nghiệm quí báu cho Việt Nam trong việc triển khai các FTA khác với các đối tác tương tự. Ngoài ra, trong quá trình triển khai các hiệp định thương mại và đầu tư đã ký kết với Hàn Quốc và Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai vì thế đã nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác của Hàn Quốc và Nhật Bản. Thực tế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hiệp định hợp tác đã ký kết với hai nước, đồng thời làm cho việc triển khai những cam kết hợp tác có hiệu quả hơn, vì lợi ích chung của Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những thành công trong thực tiễn triển khai các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn góp phần củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với hai nước, đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng chung cũng như tình hữu nghị giữa các dân tộc Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

TS. Trần Đình Hưng - Viện nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang