Kinh tế tư nhân góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia

author 09:42 22/03/2025

(VietQ.vn) - Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

Hiện nay, kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế gồm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất, mà thuộc sở hữu tư nhân, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần với quy mô khác nhau và hộ kinh doanh cá thể.

Sau gần 40 năm đổi mới và phát triển năng động, tại Việt Nam đang hình thành những doanh nghiệp có triển vọng vươn tầm khu vực và vượt ra phạm vi toàn cầu. Cho đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã có thể sản xuất chip, máy bay, tên lửa,... khẳng định năng lực làm chủ công nghệ và tham gia sản xuất sản phẩm có giá trị cao trên thị trường.

Kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã có bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, đồng thời mang tầm nhìn chiến lược đối với định hướng phát triển đất nước.

Cụ thể, nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì trong hai thập niên trở lại đây, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này chứng tỏ nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, dù đóng góp ngày càng lớn, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn".

Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế, thiếu sự kết nối với nhau cũng như với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài; chưa tận dụng tốt cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, vẫn chậm chuyển đổi số, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ít chú trọng đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ hoặc sáng tạo sản phẩm mới. Vì vậy, rất khó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị doanh nghiệp và vươn tới đẳng cấp quốc tế.

Mặt khác, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí…

Chia sẻ với báo chí, PGS. TS Vũ Hùng Cường - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, để khu vực kinh tế tư nhân thật sự “cất cánh” và phát huy tối đa tiềm năng, một trong những yêu cầu rất quan trọng là tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thông thoáng hơn, loại bỏ triệt để các loại giấy phép con cản trở khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào thị trường để đảm bảo quyền được tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Mặt khác, trong bối cảnh của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, thông tin là nguồn lực quan trọng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bên cạnh các nguồn lực truyền thống. Việt Nam cần hình thành cơ sở dữ liệu lớn có độ mở cao để khu vực kinh tế tư nhân dễ dàng tiếp cận thông tin, tránh cạnh tranh không lành mạnh dựa trên thông tin.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang