Kỳ vọng 'chiến lược mắc ca' tại Tây Nguyên thành công

author 08:42 07/01/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới nhất, Ban Kinh tế T.Ư vừa phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại khu vực này.

Các nhà khoa học, các chuyên gia nông nghiệp, Công ty CP Him Lam, LienVietPostBank, một số nông hộ, các bộ ngành trao đổi thảo luận khả năng phát triển cây mắc ca tại Tây nguyên, quy hoạch phát triển, mô hình đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ kỹ thuật để phát triển cây mắc ca có tính bền vững lâu dài.

Các chuyên gia và nhà khoa học cũng nhận định về cơ sở và điều kiện để xây dựng cây mắc ca như một cây công nghiệp chiến lược mới tại khu vực Tây Nguyên nói riêng và trong hệ thống các cây trồng trọng điểm của Việt Nam nói chung; khả năng phát triển mắc ca tại Tây Nguyên; xác định vùng trọng điểm trồng mắc ca, quyền sử dụng đất của người nông dân cũng như các công nhân nông nghiệp; khả năng phát triển tín dụng cho cây mắc ca, sản phẩm bảo hiểm cây mắc ca, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân, ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm mắc ca...

Kỳ vọng 'chiến lược mắc ca' tại Tây Nguyên thành công

Kỳ vọng 'chiến lược mắc ca' tại Tây Nguyên thành công. Ảnh minh họa

Tới dự và phát biểu chị đạo tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên    Đại tướng Trần Đại Quang yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm đề xuất Chính phủ bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới.

Đồng thời ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích trồng, tiêu thụ sản phẩm; chú trọng ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; có chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi nguồn vốn phát triển cây mắc ca; xúc tiến thương mại, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm ở thị trường trong nước và nước ngoài... đưa Việt Nam sớm trở thành một trong những cường quốc về mắc ca trên thế giới.

"Với cơ sở khoa học, thực tiễn trồng thử nghiệm, nhu cầu trong nước và trên thế giới, chúng ta đi đến thống nhất về định hướng đưa Mắc-ca thành cây công nghiệp chiến lược mới nhằm phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên", Đại tướng Trần Đại Quang nói.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho biết thêm VN đã trồng khảo nghiệm mắc ca từ năm 1994, kết quả cho thấy hai vùng Tây Bắc và Tây nguyên có nhiều tiềm năng phát triển loại cây này.

Mắc ca có thể trồng xen với cà phê, chè, rất phù hợp để tái cơ cấu nông nghiệp và hình thành chuỗi giá trị các cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn Tây nguyên.

Được biết, có mặt ở Việt Nam gần 20 năm, được khảo nghiệm cách đây khoảng 10 năm và bắt đầu được trồng khoảng 4 -5 năm lại đây, đến nay, cả nước đã có khoảng 2.000 ha mắc-ca ở Tây Nguyên, Tây Bắc. Việt Nam đã quy hoạch 200.000 ha ở Tây Nguyên và 30.000 ha ở Tây Bắc. Dự kiến đến năm 2025 đạt 200.000 tấn hạt và tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ USD sau năm 2025.

Theo các chuyên gia, nếu quy hoạch và đầu tư tốt, Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha, và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm. Cũng vì thế mà người ta gọi mắc-ca là cây "tỷ đô".Mặc dù có giá trị kinh tế cao nhưng không phải nơi nào cũng có thể trồng được mắc-ca. Kể cả những khu vực được cho là trồng được, thì cũng chỉ có những nơi có tiểu vùng khí hậu phù hợp. Hiện nay trên thế giới mới chỉ có 80 ngàn ha mắc-ca công nghiệp. Tây Nguyên - Việt Nam là vùng hiếm hoi có nhiều khu vực phù hợp phát triển loại cây này.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang