Lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch: Nguy cơ biến chứng nặng

author 16:42 11/06/2024

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây có rất nhiều người lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch để giảm triệu chứng viêm xoang đã gây ra không ít biến chứng phải nhập viện cấp cứu.

Thuốc co mạch mũi là thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi, thường được dùng để làm giảm tình trạng nghẹt mũi. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng thuốc co mạch nhỏ mũi để chữa nghẹt mũi vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

ThS.BS.CKI Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khoảng 80 người bệnh nghẹt mũi lâu năm, trong đó 80-90% trường hợp lạm dụng thuốc nhỏ mũi thời gian dài để "qua cơn, cắt cơn".

Thuốc nhỏ mũi co mạch tiếp xúc với niêm mạc mũi lập tức có tác dụng co mạch, giảm xung huyết, giúp mũi thông thoáng, giảm nghẹt, dễ thở. Tuy nhiên, sau đó máu dồn lại và làm tắc mũi, người bệnh phải tiếp tục dùng.

"Thuốc nhỏ mũi co mạch không có tác dụng trị bệnh mà để giảm triệu chứng", bác sĩ Nguyên nói. Dùng thuốc nhiều lần mỗi ngày thì sau vài tuần liên tục, thuốc giảm hiệu quả. Từ đó, người bệnh phải tăng tần suất, lâu dần khiến niêm mạc mũi phù nề, kém nhạy cảm, tạo nên vòng luẩn quẩn, gây phụ thuộc thuốc.

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch có thể gây biến chứng nặng nề. Ảnh minh họa

Thuốc có thể gây hiệu ứng dội ngược, làm tình trạng nghẹt mũi nặng hơn, tiến triển thành viêm mũi, khó điều trị về sau. Người bệnh viêm mũi phải thở bằng miệng, không khí hít vào không được lọc sạch và làm ấm nên dễ dẫn đến viêm họng, viêm thanh quản, viêm khí phế quản và phổi.

Cuốn mũi còn bị giãn nở, không còn co lại như bình thường khi lạm dụng thuốc, gây quá phát cuốn mũi. Trường hợp này phải phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi một phần hoặc toàn bộ mới có kết quả. Dùng thuốc co mạch kéo dài còn ảnh hưởng tới tim mạch, nhất là người cao huyết áp, viêm xoang, viêm tai giữa, đau đầu...

Điển hình, bệnh nhân Loan, 35 tuổi bị nghẹt mũi, khó thở, thường xuyên mất ngủ suốt ba năm. Triệu chứng rõ rệt nhất khi giao mùa. Chị đi khám, được chẩn đoán viêm mũi dị ứng mạn tính. Do cơ địa nhạy cảm nên uống thuốc điều trị nghẹt mũi nhưng tái lại. Thỉnh thoảng sử dụng thuốc nhỏ mũi co mạch để dễ thở hơn, đỡ nghẹt mũi. Thời gian gần đây giao mùa bệnh nhân dùng thường xuyên hơn, khoảng 7-8 lần mỗi ngày, mỗi bên mũi vài giọt. Nhiều lần mũi không ngửi được mùi.

Còn Hiếu, 16 tuổi, bị viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi liên tục. Thường xuyên biểu diễn âm nhạc, Hiếu phải dùng thuốc nhỏ mũi co mạch trước giờ lên sân khấu để kiểm soát triệu chứng. Dùng thuốc kéo dài khiến Hiếu bị lệ thuộc.

Bác sĩ Nguyên cho biết hai bệnh nhân trên đã lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch gây phì đại cuốn mũi dưới, cản trở không khí dẫn đến khó thở, nghẹt mũi kéo dài. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi, giảm kích thước của cuốn mũi dưới, cải thiện luồng không khí. Niêm mạc mũi của bệnh nhân Loan phù nề, sung huyết nên chảy nhiều máu khi phẫu thuật nạo hạch. Hai tuần sau, bệnh của họ đều cải thiện.

Các cuốn mũi là cấu trúc xương nằm bên trong mũi, được bao phủ bởi lớp niêm mạc, có chức năng lọc, làm ấm, làm ẩm không khí khi hít thở, nhạy cảm với tác động từ môi trường bên ngoài. Người có cơ địa viêm mũi dị ứng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, cấu trúc cuốn mũi bẩm sinh... có nguy cơ cao bị phì đại cuốn mũi (hay còn gọi là quá phát cuốn mũi). Triệu chứng bệnh gồm nghẹt mũi kéo dài, khó thở, tắc nghẽn, thở bằng miệng khi ngủ, tăng tiết nước bọt.

Thông tin thêm về thuốc nhỏ mũi co mạch, Bệnh viện Vinmec cho biết, thuốc co mạch hay còn gọi là thuốc chống sung huyết với thành phần chính là Pseudoephedrine (Sudafed), Oxymetazoline (Afrin), Phenylephrine (Sudafed PE), Naphazoline, ... Thuốc có hai dạng là nhỏ và xịt với tác dụng chính là làm co mạch ở mũi để giảm sổ mũi, nghẹt mũi.

Khi bị nghẹt mũi, người bệnh thường không đến khám bác sĩ mà tự ý mua thuốc về dùng vì cho rằng nghẹt mũi là tình trạng lưu thông trong niêm mạc mũi bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây nghẹt mũi là do tình trạng co giãn quá mức các mạch máu ở mũi.

Lạm dụng thuốc co mạch mũi như sử dụng vượt liều dùng và dùng trong thời gian dài có thể lại gây ra viêm mũi, nghẹt mũi. Cho đến nay, nguyên nhân gây nghẹt mũi, viêm mũi do thuốc vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên có một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc co mạch như gây phù nề niêm mạc mũi do liên tục làm co mạch máu ở mũi, không cung cấp đủ máu nuôi dưỡng niêm mạc mũi. Nhờn thuốc do số lượng thụ thể đáp ứng thuốc bị suy giảm và dẫn đến nghẹt mũi. Sau khi thuốc co mạch hết tác dụng sẽ gây ra hiện tượng giãn mạch bù trừ.

Khả năng co mạch có thể bị mất và giãn mạch có thể xảy ra khi dùng thuốc liên tục trong thời gian dài. Viêm mũi, nghẹt mũi do dùng thuốc co mạch nếu không điều trị có thể dẫn đến phì đại cuốn mũi, viêm mũi teo, viêm xoang mãn tính, ngưng thở khi ngủ, ... gây nguy hiểm đối với sức khỏe.

Lạm dụng thuốc co mạch nhỏ mũi còn có thể gây nghiện. Khi đó, người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn giảm liều sử dụng đến khi có thể ngưng dùng thuốc hẳn. Việc ngưng dùng thuốc ngay lập tức có thể khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên nặng hơn.

Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và được kê đơn thuốc với liều lượng phù hợp. Nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, nếu 5 ngày không bớt bệnh cần ngừng nhỏ mũi và tái khám. Người bệnh nghẹt mũi kéo dài khoảng 2-3 tuần nên đi khám để phát hiện kịp thời, điều trị hiệu quả ngay từ đầu. Người bị lệ thuộc thuốc nhỏ mũi co mạch nên cai thuốc theo tư vấn của bác sĩ. Để hạn chế tái phát viêm mũi dị ứng lúc giao mùa, người bệnh nên giữ ấm niêm mạc mũi, đeo khẩu trang khi ra ngoài, xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang