Lắng nghe doanh nghiệp dệt may quốc tế để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia

author 06:36 11/05/2024

(VietQ.vn) - Chiều ngày 10/5, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Tọa đàm trao đổi, thảo luận và chia sẻ các nội dung liên quan đến ngành dệt may tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, quận 1, TP.HCM

Tham dự Toạ đàm có ông Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL); bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy; ông Phạm Lê Cường - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục TCĐLCL cùng đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia ngành đo lường, dệt may.

Tọa đàm trao đổi và chia sẻ các nội dung liên quan đến ngành dệt may diễn ra tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, TP.HCM.

Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đã chỉ rõ “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Do đó, để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và hoạt động đánh giá sự phù hợp liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính hướng đến NetZero vào năm 2050, Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận và chia sẻ các nội dung liên quan đến ngành dệt may doanh nghiệp.

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Tổng cục rất mong muốn có một buổi trao đổi, chia sẻ về vấn đề dệt may, các hoạt động liên quan đến xuất khẩu của mặt hàng này. Trên tinh thầnh học hỏi, Tổng cục cũng mong muốn được lắng nghe, chia sẻ từ một số đơn vị doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy phát biểu tại Toạ đàm.

Cùng quan điểm đó, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy cho rằng, thông qua buổi Toạ đàm ngày hôm nay, Tổng cục cũng muốn được lắng nghe, chia sẻ về những khó khăn khi hoạt động tại Việt Nam và thị trường quốc tế của các đơn vị tổ chức nước ngoài liên quan đến ngành dệt may. Đồng thời cũng là cơ hội để chúng tôi tham khảo để sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Chất lượng Sản phẩm hàng hoá.

Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn, thách thức của ngành dệt may hiện nay đang gặp phải. Nhiều ý kiến, đóng góp liên quan đến cách thức tính toán của tín chỉ carbon, vấn đề môi trường, nước thải, khí thải, phát thải gián tiếp, năng lượng, rào cản xuất khẩu, hoạt động đánh giá sự phù hợp, ….được đưa ra thảo luận tại Tọa đàm.

Toạ đàm ghi nhận nhiều ý kiến, đóng góp từ các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài, chuyên gia về TCĐLCL.

Sau phần thảo luận sôi nổi, ông Hà Minh Hiệp ghi nhận những ý kiến đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp. Đồng thời, cũng đưa ra 3 đề xuất liên quan đến việc tập trung đào sâu hơn về vấn đề thể chế, xây dựng các tiêu chuẩn đối với phương pháp tính toán về phát thải, kiểm kê khí nhà kính… và tổ chức các hội thảo không chỉ mời các doanh nghiệp FDI mà còn mời các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang