Lạng Sơn: Liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

author 08:56 04/10/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện và xử phạt nhiều hộ kinh doanh vi phạm chào bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn về tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; qua giám sát các trang mạng xã hội, Đội Quản lý thị trường phát hiện hộ kinh doanh sử dụng tài khoản Facebook mang tên “Lương Thị Thiết (Thời trang men)” tại địa chỉ kinh doanh tại số 80 đường Ngô Quyền, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn và tài khoản Zalo mang tên “Lan Phung Tuyet Anh” tại địa chỉ kinh doanh tại Số 47 đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn quảng cáo và chào bán sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Đội Quản lý thị trường số 6 tiến hành kiểm tra đột xuất 02 hộ kinh doanh nêu trên, có địa chỉ kinh doanh trùng khớp với địa chỉ tài khoản Facebook, Zalo. Kết quả kiểm tra thực tế phát hiện hộ kinh doanh Lương Thị Thiết và Đỗ Văn Phụng bày bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam.

 Nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và trình cấp có thẩm quyền xử phạt hộ kinh doanh Lương Thị Thiết số tiền là 27.500.000 đồng, buộc tiêu hủy 110 đơn vị sản phẩm có tổng trị giá 37.700.000 đồng và xử phạt hộ kinh doanh Đỗ Văn Phụng với số tiền là 16.000.000 đồng, buộc tiêu hủy 81 đơn vị sản phẩm có tổng trị giá 16.950.000 đồng. Các nhãn hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy là Adidas, Gucci, Louis Vuitton, D&G (Dolce & Gabban), BOSS…

Tiếp đến, qua công tác quản lý địa bàn và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ công tác địa bàn huyện Chi Lăng thuộc Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Chi Lăng tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Lương Thị Huyền có địa điểm kinh doanh tại khu Minh Hòa, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Tại thời điểm kiểm tra Tổ công tác phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 55 sản phẩm là giầy, dép người lớn mang các nhãn hiệu NIKE, ADIDAS có dấu hiệu là hàng hoá giải mạo nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Qua đấu tranh khai thác, bà Lương Thị Huyền là chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của toàn bộ số hàng hoá nêu trên; để tiêu thụ hàng hoá, bà Lương Thị Huyền thường xuyên đăng, chào bán trên trang facebook cá nhân với nicknem là “Huyền 21 ”.

Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội kiểm tra công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh Lạng Sơn (Đội 389 tỉnh Lạng Sơn) tiến hành kiểm tra xe ô tô con 07 chỗ nhãn hiệu SUZUKI, biển kiểm soát 30E-253.84 do ông Ngụy Đình Khu, sinh năm 1973, có địa chỉ thường trú Số 38, Lý Thường Kiệt, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn điều khiển có dấu hiệu vận chuyển hàng hoá vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe đang cho phương tiện dừng đỗ để bốc xếp hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên xe xuống bên đường tại khu vực Ngã ba Pò Hà, thôn Thâm Mò, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu lái xe đưa toàn bộ phương tiện cùng hàng hóa về trụ sở Đội QLTT số 2 để tiến hành khám phương tiện theo quy định.

Kết quả khám, trên xe phát hiện có 04 loại hàng hóa gồm: 60 chiếc kẹp uốn tóc dùng điện; 550 chiếc khăn quàng cổ nữ, loại dài 1,7m, rộng 0,7m; 50 chiếc bàn chải đánh răng điện; 200 chiếc mũ vải nữ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm theo giá tham khảo của sản phẩm hàng hóa cùng loại trên thị trường là hơn 11 triệu đồng.

Toàn bộ số hàng hóa trên được sản xuất ngoài Việt Nam (bao bì sản phẩm ghi chữ Trung Quốc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam). Ông Ngụy Đình Khu là lái xe đồng thời là chủ sở hữu số hàng hóa trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp theo quy định.

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có bắt buộc phải có nhãn phụ không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa:

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nếu chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Lưu ý kĩ là nội dung ghi trên nhãn phụ hàng hóa phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang