Lạng Sơn thu giữ hơn 1 tấn giun đất sấy khô không rõ nguồn gốc

author 06:09 26/08/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện, thu giữ số lượng lớn giun đất sấy khô không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi vấn chuẩn bị vận chuyển qua biên giới tiêu thụ.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Lạng Sơn, mới đây Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Lộc Bình tiến hành tuần tra kiểm soát tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 14H - 010.50 do lái xe Sần A Chặng (SN 1996, trú tại xã Đại Dực, huyện Tân yên, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển, có biểu hiện nghi vấn vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Tiến hành dừng xe kiểm tra, phát hiện 26 bao tải dứa màu xanh chứa khoảng 1.300 kg giun đất sấy khô. Lái xe không xuất trình được giấy tờ có liên quan chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng hóa. Hiện trên thị trường đang có giá trị khoảng 1 triệu đồng/kg giun đất sấy khô. Phòng Cảnh sát kinh tế đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lượng lớn giun đất sấy khô không rõ nguồn gốc bị phát hiện. Ảnh: Công an Lạng Sơn

Hiện nay nhu cầu sử dụng giun đất khô trong đông y tại thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh, lợi nhuận từ việc bán giun đất khô cao nên nhiều người dân tìm mọi cách để thu mua mặt hàng này bán sang Trung Quốc.  Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La… đang nổi lên tình trạng khai thác giun đất trái phép bằng kích điện, làm hủy loại đất, gây thiệt hại cho các chủ vườn trồng cây ăn quả, canh tác nông nghiệp…

Liên quan tới tình trạng trên, trước đó ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: Cục đã có công văn gửi một số địa phương yêu cầu rà soát, báo cáo tình trạng kích giun đất.

Trong đó, Cục đánh đánh hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất và tình trạng sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất là hành động tận diệt giun và các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Đồng thời, đây cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật.

Cục đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động trên, thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện để có biện pháp xử lý vi phạm.

Tiếp đó, hàng loạt địa phương cũng đã ra văn bản chỉ đạo, rà soát, xử lý tình trạng trên nhưng thực tế vấn nạn kích điện tận diệt giun đất bán cho thương lái vẫn hoành hoành tại các địa phương.

Đáng nói là việc kích điện săn bắt giun đất đã diễn ra nhiều năm nay, tại nhiều địa phương và được tuyên truyền lên án mạnh mẽ nhưng việc xử lý những hành vi dùng điện kích giun vẫn còn hạn chế.

Tại Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng quy định việc khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cũng ghi rõ: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”.

Đối với hành vi làm suy giảm chất lượng đất, có thể căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP để xử phạt. Cụ thể, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 ha; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 ha đến dưới 01 ha; Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 ha trở lên.

Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang