Lãnh đạo TP.HCM nói gì về việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp?

author 10:35 09/10/2021

(VietQ.vn) - Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng thông tin tại buổi Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 8/10, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn, vướng mắc trong vẫn đề lãi suất ngân hàng có thể phản ánh trực tiếp với hiệp hội, ngân hàng để được tháo gỡ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể… vượt qua khó khăn, có thêm nguồn vốn để phục hồi hoạt động, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ qua Thông tư số 01, 03 và 14 như: giảm lãi suất, khoanh lãi, không nhảy nhóm,... Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn, vướng mắc có thể phản ánh trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM hoặc thông qua các Hiệp hội, Hội ngành nghề… Riêng các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh có nhu cầu… có thể liên hệ với các Hội, đoàn thể tại địa phương, Ngân hàng Chính sách Xã hội để được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn với lãi suất thấp.

Lãnh đạo TP.HCM nói gì về việc giảm lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp?

 Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn, vướng mắc trong vấn đề lãi suất ngân hàng có thể phản ánh trực tiếp với các hiệp hội, ngân hàng để được tháo gỡ.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng với lãi suất ngân hàng, các vấn đề liên quan đến thuế cũng được quan tâm hiện nay. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng quy định cụ thể việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh… và một số chính sách khác chuẩn bị được ban hành.

Cục Thuế TP.HCM cũng đã có văn bản gửi các Chi cục Thuế quận – huyện, TP.Thủ Đức về việc triển khai thực hiện hoàn thuế sớm hơn cho doanh nghiệp thay vì cuối năm như bình thường. Các doanh nghiệp đăng ký nộp hồ sơ để được hoàn thuế sớm, có thêm vốn để kinh doanh.

Liên quan đến chi phí xét nghiệm, doanh nghiệp phản ánh hiện nay phải tự chi trả chi phí xét nghiệm quá cao trong khi tình hình tài chính đang khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng chia sẻ, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp đã kiên cường để vượt qua những khó khăn, đặc biệt là giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ” hoặc triển khai bình ổn giá suốt thời gian giãn cách với việc trang trải kinh phí không hề nhỏ. Hiện nay chi phí xét nghiệm cho nhân viên của các doanh nghiệp cũng là gánh nặng khi hoạt động trở lại. Thấu hiểu điều này, TP đã có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về việc cho phép doanh nghiệp được hoạch toán các chi phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhu cầu đi lại, vận tải hành khách liên tỉnh cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp, người dân quan tâm. Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND TP, lãnh đạo TP.HCM và Sở GTVT TP đã chủ động làm việc, trao đổi, phối hợp với các tỉnh, thành để thống nhất phương án đi lại liên tỉnh. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương để các tỉnh, thành đưa ra chính sách phù hợp thực tiễn. TP.HCM không thể đơn phương giải quyết được vấn đề này, tuy nhiên TP sẽ tiếp tục thảo luận với các tỉnh, thành căn cứ theo diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh các chính sách, chủ trương kịp thời.

Cũng trên lĩnh vực GTVT, theo phản ánh, hoạt động đăng kiểm tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP đang quá tải, dự tính tới cuối tháng mới xử lý xong xe tồn đọng. Nhưng sau ngày 10/10 lực lượng CSGT sẽ bắt đầu xử phạt xe quá hạn đăng kiểm. Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho hay, ngày 6/10, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng không xử phạt các xe quá hạn đăng kiểm từ nay cho đến 30/10/2021. Đồng thời, trong hơn 20 ngày tới sẽ tập trung lực lượng phấn đấu hoàn thành công tác đăng kiểm cho số lượng xe còn tồn đọng.

Xác định sự quan trọng của chuỗi cung ứng, Phó Chủ tịch UBND TP thông tin, TP đã, đang và sẽ triếp tục triển khai những biện pháp phòng chống dịch cao để bảo đảm an toàn cho khu vực này, góp phần phục hồi nhiều hoạt động và việc làm liên quan. Chính sách mở cửa giữa các địa phương chưa đồng bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ, tuy nhiên, TP vẫn duy trì chuỗi cung ứng ở mức cơ bản, đảm bảo đầy đủ những mặt hàng thiết yếu cho người dân. TP cũng xây dựng và ban hành kế hoạch, lộ trình dần tổ chức lại hoạt động cung ứng tại các chợ đầu mối và làm việc với các tỉnh thành, Hiệp hội để kết nối chuỗi cung ứng, đảm bảo xuyên suốt hơn.

Cũng tại chương trình tối 8/10, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, thực trạng hiện nay có sự di chuyển một bộ phận người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam để về quê tránh dịch gây ra sự thay đổi về nguồn lực lao động. Nhưng cùng với đó, số lượng người dân từ các tỉnh, thành đăng ký trở lại TP.HCM để làm việc cũng khá nhiều.

Sở GTVT TP đang kết nối, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phối hợp để đón lao động về TP.HCM. Về việc làm, người dân cần tìm việc làm có thể liên hệ lại với Công ty cũ hoặc Trung tâm giới thiệu việc làm của Sở LĐTB&XH TP hoặc các tổ chức việc làm trên địa bàn để được hỗ trợ kịp thời.

Nếu doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể đón công nhân trở về, TP sẽ ưu tiên vắc xin để doanh nghiệp có thể tổ chức tiêm cho công nhân khi trở về TP làm việc. Với những trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cần được bảo vệ tốt nhất, có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn hoặc làm việc với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang công tác để thống nhất phương án làm việc an toàn nhất.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang