Lào Cai xử lý hàng may mặc và mỹ phẩm nhái nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 10:59 31/03/2023

(VietQ.vn) - Chỉ trong thời gian ngắn lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã phát hiện và xử lý 3 vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Lào Cai về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi đua năm 2023, trong hai ngày 29, 30/3/2023, bằng các biện pháp nghiệp vụ nắm thông tin trên mạng xã hội, Đội QLTT số 5 -  đã phát hiện xử lý 3 vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, vào ngày 29/3/2023, Đội QLTT số 5 phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra tại Hộ kinh doanh Bùi Văn Mạnh (đ/c: 327 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai) và hộ kinh doanh Bảo DOLCE (đ/c: 321 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai) phát hiện, xử lý hàng hóa là áo phông giả mạo nhãn hiệu ADIDAS và nhãn hiệu BURBERRY. Tại thời điểm kiểm tra chủ hộ kinh doanh không xuất trình được giấy tờ, tài liệu liên quan đến hàng hoá. Đội QLTT số 5 đã tạm giữ hàng hoá và tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

 Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai kiểm tra số lượng hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai

Tiếp đến vào ngày 30/3/2023, tại tổ 5 đường Lương Khánh Thiện, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, Đội QLTT số 5 phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh Lào Cai; Đội liên ngành 389 tỉnh Lào Cai phát hiện, xử lý lô hàng gồm 2.700 tuýp thuốc bôi da được đóng trong 07 thùng các tông, không thể hiện xuất xứ của hàng hoá. Chủ hàng là ông Nguyễn Thành Luân, trú tại Tổ 11, phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Luân khai nhận đăng bán hàng hoá trên mạng xã hội, khi có khách đặt hàng thì mua gom trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, tài liệu kèm theo và không biết nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng. Đội QLTT số 5 đã tạm giữ hàng hoá và lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo lực lượng chức năng, hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các hành vi xâm phạm nhãn hiệu ngày càng gia tăng nhất là các hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa. Theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CPngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp như sau:

“Điều 11. Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng.

Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp; Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng……”

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang