Lắp thêm thiết bị ghi in kết quả vào cột đo xăng dầu: Doanh nghiệp cần hiểu và làm đúng quy định

author 10:09 14/03/2024

(VietQ.vn) - Cơ quan nhà nước không hạn chế việc các đơn vị cung cấp thiết bị, giải pháp, phần mềm, hệ thống phục vụ in hóa đơn điện tử có kết nối với cột đo xăng dầu. Tuy nhiên, các thiết bị, giải pháp, phần mềm cần đảm bảo không can thiệp, làm sai lệch kết quả và đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu và phải được phê duyệt mẫu theo quy định.

Những thắc mắc từ phía doanh nghiệp

Những ngày qua, câu chuyện in hoá đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu và kết nối dữ liệu tới cơ quan thuế đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, phân phối mặt hàng này.

Bởi trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 công điện: Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Việc Thủ tướng liên tiếp có 2 công điện đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong việc tăng cường đẩy mạnh hoạt động quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Mặc dù quy định in hoá đơn điện tử là bắt buộc, song quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối xăng dầu vẫn đang ‘lúng túng’ về quy định liên quan tới thiết bị, giải pháp, phần mềm phục vụ in hoá đơn từng lần bán, kết nối dữ liệu thuế được gắn trên các cột đo xăng dầu. Theo quy định trụ bơm dầu phải được duyệt mẫu, doanh nghiệp không được tự gắn các thiết bị vào trụ bơm, dễ dẫn tới sai số, gian lận, vi phạm quy định đo lường.

Nhiều câu hỏi đã được doanh nghiệp đặt ra như: Doanh nghiệp cung cấp thiết bị, giải pháp, phần phềm có được tự do triển khai việc lắp đặt thiết bị, phần cứng lên cột đo xăng dầu để phục vụ việc in hoá đơn điện tử hay không? Những thiết bị, phần cứng nào được cho phép lắp đặt lên cột đo xăng dầu? Trường hợp cột đo xăng dầu kết nối, bổ sung thiết bị, máy tính (ví dụ kết nối qua cổng máy in, RS485, bảng mạch màn hình…) thì có cần đánh giá hay kiểm định lại tại cơ quan chuyên môn hay không? Trường hợp thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu đã được phê duyệt mẫu, cơ sở sản xuất/nhập khẩu cột đo xăng dầu phải làm gì? Trường hợp thiết bị, máy tính, phần mềm làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu đã được phê duyệt mẫu thì cần xử lý ra sao, liệu có bị cơ quan chức năng xử phạt?

 Ảnh minh hoạ.

Không có quy định cấm doanh nghiệp cung cấp thiết bị, giải pháp, phần mềm

Ngày 8/1/2024, Bộ KH&CN có công văn số 54/BKHCN-TĐC hướng dẫn các Sở KH&CN/ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở sản xuất/ nhập khẩu cột đo xăng dầu và tổ chức kiểm định cột đo xăng dầu thực hiện một số nội dung nhằm chủ động phối hợp triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL, Bộ KH&CN) cũng tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các cơ quan quản lý TCĐLCL từ 63 tỉnh, thành phố cùng đại diện Vụ Pháp chế Thanh tra, Trung tâm kỹ thuật TCĐLCL 1, 2, 3, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; đại diện doanh nghiệp sử dụng và các doanh nghiệp sản xuất cột đo xăng dầu như Công ty Cổ phần Thiết bị Xăng dầu Petrolimex, Công ty TNHH Thiết bị xăng dầu Hoàng Long... để phổ biến, giải đáp các thắc mắc liên quan đến phê duyệt mẫu, kết nối thiết bị để cung cấp số liệu đo phục vụ phát hành hóa đơn điện tử mỗi lần bán xăng dầu.

Theo Vụ Đo lường, hiện nay, pháp luật không có quy định cấm doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các giải pháp, phần mềm, thiết bị gắn trên cột đo xăng dầu phục vụ hoạt động in hoá đơn điện tử từng lần bán. Điều này có nghĩa là, các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các giải pháp, phần mềm, thiết bị (hay còn gọi là các đơn vị trung gian) gắn trên cột đo xăng dầu phục vụ hoạt động in hoá đơn điện tử từng lần bán được tự do đàm phán, ký hợp đồng cung cấp các giải pháp, phần mềm, thiết bị đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý, cột đo xăng dầu (đặc tính kỹ thuật đo lường chính: phạm vi lưu lượng, cấp chính xác; bộ chỉ thị điện tử, bầu lường, buồng bơm, bộ phát xung...) thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Cột đo xăng dầu phải được phê duyệt mẫu, kiểm định (kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa) theo quy định.

Thông tư 15/2015/TT-BKHCN và Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN quy định việc kết nối, bổ sung thiết bị (máy tính, điện thoại..) với cột đo xăng dầu để ghi in kết quả đo phải bảo đảm yêu cầu về đo lường sau đây: “Không có cơ cấu, chức năng tác động làm thay đổi kết quả đo, đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu”.

Trường hợp kết nối, bổ sung thiết bị (máy tính, điện thoại…) làm thay đổi hoặc có khả năng làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường, chức năng của cột đo xăng dầu so với mẫu đã được phê duyệt mẫu thì phải thực hiện việc phê duyệt mẫu lại theo quy định.

Theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KHCN quy định về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (Thông tư 15): “Các bộ phận, chi tiết, chức năng của cột đo xăng dầu phải phù hợp với mẫu đã phê duyệt”.

Trường hợp cải tạo, cải tiến làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu đã được phê duyệt mẫu, cơ sở sản xuất/ nhập khẩu cột đo xăng dầu phải thực hiện việc phê duyệt mẫu cột đo xăng dầu này theo quy định tại Thông tư 23 và kiểm định lại. Do đó, cơ sở sản xuất/ nhập khẩu cột đo xăng dầu phải thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị cải tạo, cải tiến cột đo xăng dầu và gửi về Tổng cục để thực hiện việc đánh giá mẫu và phê duyệt theo quy định. Đơn vị trung gian có thể phối hợp với cơ sở sản xuất nhập khẩu cột đo xăng dầu để thực hiện cải tạo, cải tiến cột đo xăng dầu.

Quy định về đo lường không làm khó doanh nghiệp

Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành xăng dầu đang lúng túng trong việc lựa chọn giải pháp, thiết bị, hệ thống phục vụ cho việc in hoá đơn từng lần bán. Lý do xuất phát từ nhiều phía.

Đầu tiên là đối với cơ sở sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu hiện đang gặp khó vì không biết lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp, phần mềm, thiết bị nào đạt chuẩn (thiết bị gắn vào cột đo xăng dầu đã được phê duyệt mẫu, không làm xảy ra tình trạng sai số hay tác động làm thay đổi đặc tính kỹ thuật của cột đo).

Trong khi đó, nếu sử dụng các giải pháp mang tính “tình thế” bắt buộc phải sử dụng như: dùng máy Pos cầm tay, thiết bị camera AI, ứng dụng trên điện thoại, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thì dễ xảy ra tình trạng quá tải bởi mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đổ xăng với nhiều mức giá khác nhau, tương ứng số lượng hóa đơn xuất ra sẽ rất lớn.

Đồng thời, trường hợp cơ sở sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu nếu sử dụng các thiết bị, giải pháp, phần mềm trên cột đo xăng dầu không đảm bảo yêu cầu về phê duyệt mẫu, đo lường thì khi xảy ra các vấn đề sai số, gian lận, đơn vị sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chứ không phải là đơn vị trung gian. Do đó, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu có chức năng xuất hoá đơn phải đặc biệt lưu ý.

Cần hiểu rõ, khi cột đo xăng dầu bị thay đổi đặc tính kỹ thuật có thể phát sinh sai số, dẫn tới việc kết quả đo không chính xác, từ đó khiến việc phát hành hoá đơn điện tử với thông tin không chính xác, không đúng theo quy định. Việc này còn có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Về phía các đơn vị trung gian, hiện xảy ra tình trạng có nhiều đơn vị cung cấp thiết bị, giải pháp, phần mềm phục vụ in hoá đơn điện tử từng lần bán đang ra sức mời chào, quảng cáo dịch vụ tới chủ doanh nghiệp xăng dầu, chủ cây xăng, tuy nhiên, số doanh nghiệp có thiết bị, giải pháp, phần mềm phù hợp với quy định về đo lường, phê duyệt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thông tin từ Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL) cho hay, việc quản lý phê duyệt mẫu nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng sai số, gian lận trong kinh doanh xăng dầu, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc này cũng góp phần tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực.

Hiện cả nước đã có 6 doanh nghiệp sản xuất/nhập khẩu cột đo xăng dầu có lắp đặt thiết bị kết nối hệ thống xuất hóa đơn diện tử sau từng lần bán hàng được phê duyệt mẫu phù hợp quy định. Điều này cho thấy, thực tế các quy định về đo lường, phê duyệt mẫu không làm khó doanh nghiệp ngành xăng dầu, doanh nghiệp hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện. Thậm chí, từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng ủng hộ và chấp hành nghiêm túc các quy định về phê duyệt mẫu đối với cột đo xăng dầu.

Đói với một số vấn đề liên quan đến vướng mắc kỹ thuật, hiện Bộ Khoa học & Công nghệ đã yêu cầu các Sở Khoa học & Công nghệ, Chi cục TCĐLCL phối hợp với cơ quan thuế tại địa phương hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan tích cực triển khai các giải pháp phù hợp.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang