Lật tẩy những chiêu trò nhập khẩu, kinh doanh dầu nhờn kém chất lượng (Bài 1)

author 11:47 28/09/2020

(VietQ.vn) - Để qua mắt cơ quan chức năng và đánh vào sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã sử dụng những chiêu trò tinh vi nhằm đưa các sản phẩm dầu nhờn kém chất lượng ra thị trường.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 1,2 triệu lít dầu nhờn kém chất lượng. Con số này làm dấy lên một mối lo ngại lớn bởi dầu nhờn là một trong những nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với động cơ xe giúp làm sạch, giải nhiệt cho động cơ, làm kín các chi tiết như piston, xéc măng, đảm bảo độ bám giữa các đĩa ly hợp trên xe số, chống mài mòn các bánh răng trong hộp số, bảo vệ các vòng bi, ổ đỡ,…

Chính vì vậy, việc sử dụng dầu nhờn kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến động cơ xe. Nó có thể làm cho xe yếu đi, không được bốc, tiếng kêu lớn, hao xăng rất nhiều, không duy trì được lớp màng dầu giữa hai bề mặt tiếp xúc của chi tiết máy về lâu dài sẽ gây mài nhọn cực nhanh, dẫn đến tình trạng hư hỏng tốn rất nhiều chi phí sửa chữa, thậm chí hư hỏng đến mức không thể khắc phục được.

Mặc dù tác hại của dầu nhờn kém chất lượng đã được nhiều cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn có một bộ phận cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu dầu nhờn kém chất lượng.

Một số sản phẩm dầu nhờn làm giả các thương hiệu nổi tiếng bị phát hiện ở Cần Thơ năm 2018. Ảnh: Mai Trâm 

Trước tình trạng này, các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TCĐLCL) đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc các Bộ, ngành khác tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, phân phối và đặc biệt là các trường hợp nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong.

Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2020, Tổng cục TCĐLCL (cụ thể là Cục QLCL sản phẩm hàng hóa) đã thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng tổng số 1092 lô dầu nhờn động cơ nhập khẩu, phát hiện 40 lô không đạt chất lượng theo QCVN (khối lượng 127.000 lít), xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng. Một số ví dụ về trường hợp bị xử lý: cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với lô dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu không đạt chất lượng của Công ty TNHH Thế giới ĐP, xử phạt Công ty này 180 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Cục QLCL sản phẩm hàng hoá cũng đã phối hợp với Công an TP. HCM kiểm tra Công ty TNHH thương mại dịch vụ Dầu nhớt và Phụ tùng ĐK phát hiện dầu nhờn nhập khẩu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Công ty này đã bán ra thị trường hơn 12.300 lít. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty thu hồi số lượng dầu nhờn trên và lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ về Tổng cục TCĐLCL ra quyết định xử phạt 357 triệu đồng.

Theo một đại diện Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng cũng đã “lật tẩy” hàng loạt chiêu trò tinh vi của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối dầu nhờn không đạt chuẩn.

Dầu nhờn kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng xấu tới động cơ xe. Ảnh minh họa 

Trong đó, vi phạm ở việc một số chỉ số không đáp ứng quy định trong QCVN 14:2018/BKHCN. Cụ thể, theo xác minh, hiện có một số đối tượng nhập khẩu sản phẩm dầu tái chế, thậm chí là dầu thải từ nước ngoài (chủ yếu là Thái Lan) về. Sau đó, các đối tượng tiến hành pha trộn giữa dầu nhờn đã qua tái chế, dầu thải với các sản phẩm chính hãng, chất lượng để tạo ra một sản phẩm dầu nhờn mới bán ra thị trường.

Một trong những mánh khóe tinh vi khác là việc không ghi nhãn phụ tiếng Việt hoặc ghi thiếu thông tin nhà sản xuất lên bao bì sản phẩm dầu nhờn nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, khi sử dụng, người tiêu dùng khó nhận biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm dầu nhờn. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý sai phạm của cơ quan chức năng đối với các trường hợp có vi phạm cũng trở nên khó khăn hơn.

“Trước khi QCVN 14:2018/BKHCN có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dầu nhờn công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất, nhập khẩu. Chất lượng dầu nhờn do doanh nghiệp công bố áp dụng, nhiều chủng loại và chất lượng khác nhau do nguồn cung. Kể từ sau khi có QCVN 14:2018/BKHCN đã thống nhất quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, giao trách nhiệm cho cơ quan chứng nhận, trách nhiệm cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước”, vị đại diện Vụ Pháp chế-Thanh tra cho hay.

Vị này cho biết thêm, tính từ tháng 11/2019 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý trên 10 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất dầu nhờn không phù hợp quy chuẩn. Tổng số tiền xử phạt vi phạm, nộp ngân sách nhà nước là hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phải tái xuất, tiêu hủy hoặc tái chế các sản phẩm không phù hợp.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang