Lấy ý kiến về việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp
Phổ biến Luật Khoa học và Công nghệ, Luật đo lường
Rà soát chính sách, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớn
Theo Bộ Công Thương, ngày 27/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, mục tiêu về tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP lần đầu tiên được đặt ra là “đến năm 2025, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và mức đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong giai đoạn tới phải duy trì ở mức trên 16%/năm, trong khi mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2011-2020 là trên 11%. Và để đảm bảo nguồn lực cho tăng trưởng, ngành chế biến chế tạo mỗi năm cần nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng từ 800 ngàn đến 1 triệu tỷ VND, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần khoảng từ 60-90 ngàn tỷ VND.
Về hệ thống pháp lý liên quan đến phát triển công nghiệp, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp còn lại đã có Luật riêng để điều chỉnh, thì hoạt động trong các ngành chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển lại chưa có luật riêng, dẫn đến thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành liên quan, từ đó chưa thể chế hóa hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.
Vì vậy, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc cần thiết hiện nay không phải là xây dựng một đạo luật về quản lý và phát triển chung cho tất cả các ngành công nghiệp (đặc biệt là trong bối cảnh khi các phân ngành công nghiệp còn lại đã có luật riêng điều chỉnh), mà cần xây dựng đạo luật riêng với các cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chương trình hành động nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó giao Bộ Công Thương xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ (tiến hành trong giai đoạn 2021-2025) và Luật Phát triển công nghiệp (tiến hành trong giai đoạn 2023-2025).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp, Bộ Công thương đã xây dựng và dự thảo Hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp, hiện đang lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Phát triển công nghiệp bao gồm 8 chương: Quy định chung, Định hướng phát triển công nghiệp, Năng lực cạnh tranh công nghiệp, Chính sách quản lý đầu tư cho phát triển công nghiệp, Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Cụm liên kết ngành công nghiệp, Phát triển bền vững trong công nghiệp, Điều khoản thi hành.
Đặc biệt, do nguồn lực quốc gia có hạn, để tránh đầu tư phát triển dàn trải, thiếu hiệu quả, Luật Phát triển công nghiệp sẽ chỉ tập trung điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, có tác động lan tỏa thúc đẩy tới các ngành công nghiệp và kinh tế khác (trừ các ngành công nghiệp đã được điều chỉnh tại các Luật chuyên ngành khác như công nghiệp quốc phòng, công nghiệp công nghệ thông tin…).
Luật Phát triển công nghiệp cũng sẽ không tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và điều kiện đầu tư kinh doanh, mà sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng - địa phương, đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Các nội dung của Luật sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội là cơ sở để Chính phủ triển khai các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ.
Việc xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Mục tiêu xây dựng Luật bao gồm:
(i) Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị;
(ii) Tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước xây dựng và triển khai có hiệu quả các định hướng, chương trình phát triển công nghiệp nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng về phát triển kinh tế;
(iii) Xây dựng mô hình quản lý nhà nước thống nhất và đủ mạnh về phát triển công nghiệp;
(iv) Khắc phục các điểm yếu nội tại của công nghiệp Việt Nam.
Nguyễn Hương (t/h)