Lazada không cho kiểm tra hàng khi nhận
Nhân viên Kids Plaza 'lấy nhầm' bỉm hết hạn gần nửa năm bán cho khách?
Hàng giả, nhái bán tràn lan, Lazada và Shopee nói gì?
Mua hàng tại Lazada giá hơn 100 ngàn, phải trả phí... 8 triệu
Mua hàng trên Lazada trả tiền thật nhưng nhận điện thoại nhái P.P.K
Thanh toán mới được mở
Khi mua hàng hóa, người tiêu dùng phải kiểm tra, xem xét thật kỹ mới quyết định trả tiền. Đặc biệt khi mua hàng qua mạng, người mua phải cẩn thận hơn trước khi nhận hàng phải kiểm tra sản phẩm có đúng kích thước, màu sắc, chất lượng mình đã đặt mua hay không và sau đó mới trả tiền cho người giao hàng.
Bởi trên thực tế đã có quá nhiều trường hợp sản phẩm quảng cáo trên mạng và hàng giao hoàn toàn khác khiến người mua mất tiền oan.
Thế nhưng kể từ ngày 15.3.2019, Lazada thay đổi chính sách nhận hàng và kiểm tra. Cụ thể, sàn này áp dụng việc “Không hỗ trợ đồng kiểm khi nhận hàng”. Theo đó, người mua khi nhận hàng sẽ không được mở kiện hàng ra xem mà chỉ được kiểm tra các yếu tố bên ngoài của kiện hàng.
Người mua chỉ có quyền mở kiện hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ cho nhân viên vận chuyển. Chính sách của Lazada cũng nêu rõ, nếu người mua không hài lòng hoặc sản phẩm có vấn đề sau khi đã nhận hàng và thanh toán, người mua có thể khiếu nại đến Lazada trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận hàng.
Khoản thanh toán mà người mua đã thanh toán cho kiện hàng sẽ được hoàn trả sau khi có quyết định cuối cùng của Lazada đối với khiếu nại của người mua.
Kể từ đó, nhiều khách hàng phải “nuốt nghẹn” vì chính sách mới này. Trao đổi với Thanh Niên, vợ chồng bạn Phương Vân (Nhà Bè, TP.HCM) cho biết cách đây không lâu, bạn đặt mua một hồ bơi cho con trên Lazada nhưng lúc nhận hàng không cho mở ra kiểm.
Khi về nhà mở hộp mới thấy sai kích thước, hồ quá nhỏ không sử dụng được và giá rẻ hơn cái hồ kích thước lớn mà chị đặt mua. Khiếu nại với người bán thì không cho đổi hàng với lý do đã mở hộp. Phía Lazada cũng đồng ý với lý do này.
“Sao kỳ vậy? Không cho mở hàng kiểm tra khi nhận. Rồi phải mở hộp ra kiểm tra hàng bị sai thì lại không đổi vì đã mở hộp. Nếu không mở hộp sao biết là sai? Bạn nhân viên tổng đài khi đó còn đưa ra hướng giải quyết là khách hàng tự vào đánh giá 1 sao cho người bán đó để khách khác biết mà né. Bó tay nên vợ chồng em bỏ luôn sàn này, không dám mua bất cứ cái gì nữa”, Phương Vân chia sẻ.
Tương tự, bạn Hồng Minh (quận 7, TP.HCM) cho biết chính sách không cho kiểm hàng trước khi nhận của Lazada khiến chị cũng bức xúc. Khi đặt mua một áo cardigan, nhận hàng trả tiền sau đó mới được mở kiểm tra thì sản phẩm bị một lỗ nhỏ ngay ống tay áo.
Liên lạc qua người bán thì bảo quy trình đổi trả phải qua tổng đài Lazada. Nhưng cứ lòng vòng mất bao nhiêu tiền điện thoại vẫn không được. Chị Hồng Minh bức xúc và cho biết cũng “cạch mặt” sàn này. Từ đó cũng dẫn đến chị nghi ngờ chất lượng hàng hóa ở các sàn thương mại điện tử khác.
Gói hàng anh P.P.K nhận được có đầy đủ thông tin anh đã đặt trên Lazada
Ép người tiêu dùng
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích, chính sách không cho kiểm tra khi nhận hàng của Lazada là vi phạm luật thương mại và luật bảo vệ người tiêu dùng. Bởi theo quy định, người tiêu dùng có quyền được biết và đối chiếu, kiểm tra thông tin hàng hóa từ chất lượng sản phẩm đến nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc… trước khi thanh toán.
Đưa ra chính sách đó là kiểu bán hàng ép người mua và Lazada cũng không thực hiện đúng nghĩa vụ của người bán hàng.
“Tôi nghĩ rằng Bộ Công thương phải kiểm tra, rà soát các hợp đồng, quy định của Lazada cũng như các sàn thương mại điện tử khác để chấn chỉnh, loại bỏ những điều khoản gây bất lợi cho người dùng. Điều này cũng góp phần chấn chỉnh hoạt động thương mại điện tử và từ đó mới có thể thu hút được người dùng mua hàng qua mạng”, luật sư Hậu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena, cho rằng kể từ khi Lazada đưa ra chính sách không cho kiểm hàng khi nhận đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình.
Đối với thị trường Việt Nam với nhiều hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái hàng dỏm quá nhiều thì quy định đó là hoàn toàn gây bất lợi cho người mua. Chỉ có thể áp dụng quy định này đối với những sản phẩm do chính Lazada bán.
Tuy nhiên, khi đó chủ sàn này cũng phải cam kết thực hiện chính sách đổi trả sản phẩm, bồi thường thiệt hại cho khách hàng khi sản phẩm không đúng với chất lượng, thông tin đã công bố.
Ông Võ Đỗ Thắng phân tích, trong trường hợp khách mua hàng qua Lazada và nhận được hàng nhái, có thể có các trường hợp xảy ra. Đó là nhân viên của Lazada tuồn thông tin của khách hàng cho một đơn vị bên ngoài và nơi này bán hàng dỏm cho khách.
Thứ hai là hệ thống Lazada có vấn đề về bảo mật, từ đó khiến toàn bộ thông tin, đơn hàng bị bên ngoài lấy cắp. Hoặc chính sách quản trị rủi ro, quản trị hệ thống và kiểm soát đối tác không chặt chẽ khiến đối tác sau khi có đủ thông tin lại phối hợp bên khác lừa khách hàng, sau đó hủy đơn hàng không giao.
Dù trong trường hợp nào thì Lazada cũng phải chịu trách nhiệm áp dụng chính sách bồi thường, đổi trả hàng hay đền bù thiệt hại vì đã công nhận đây là khách hàng của mình, có đặt mua sản phẩm trên hệ thống của mình.
Theo Báo thanh niên