Liên minh châu Âu bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu

(VietQ.vn) - Liên minh châu Âu (EU) chính thức hủy bỏ kế hoạch cắt giảm 50% thuốc trừ sâu vào năm 2030, chuyển hướng sang thúc đẩy công nghệ sinh học và tiêu chuẩn thương mại, mở ra một chương mới trong chính sách nông nghiệp.
Liên minh châu Âu dự định siết chặt nhập khẩu thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn
Châu Âu tăng cường sử dụng Internet an toàn cho trẻ em
Liên minh châu Âu siết chặt quy định đối với thương mại nông sản tươi và mật ong
Công nghiệp hóa và đô thị hóa: Bài học từ châu Âu
Nguyên nhân hủy bỏ kế hoạch
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, quyết định này được xác nhận qua tuyên bố của Ủy viên Nông nghiệp EU Christophe Hansen, sau khi đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội từ giới nông dân và các phe phái chính trị bên trong khối. Sự thay đổi này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược nông nghiệp của EU mà còn mở ra một hướng đi mới tập trung vào đổi mới công nghệ và phát triển các giải pháp thay thế an toàn hơn cho thuốc trừ sâu truyền thống.
Trước đây, EU đã đưa ra kế hoạch Quy định Sử dụng Bền vững Thuốc trừ sâu (SUR) nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các loại thuốc trừ sâu hóa học. Đề xuất này, được công bố vào tháng 6/2022, đặt ra mục tiêu cắt giảm 50% lượng thuốc trừ sâu sử dụng và bao gồm các biện pháp nghiêm ngặt như cấm hoàn toàn sử dụng thuốc trừ sâu trong các khu vực nhạy cảm như công viên đô thị và các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc danh mục Natura 2000. Tuy nhiên, các biện pháp khắt khe này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng nông dân, những người lo ngại rằng việc thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh kế của họ.
EU hủy bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu. Ảnh: moit.gov.vn
Phản ứng tiêu cực từ giới nông dân cùng với sự phản đối của các phe phái chính trị, đặc biệt là từ cánh hữu, đã làm cho quá trình triển khai kế hoạch trở nên khó khăn và không đạt được những tiến triển thiết thực.
Trong một cuộc phỏng vấn với Euronews, ông Hansen khẳng định: "Chúng tôi đã không đạt được tiến triển nào. Vấn đề này hiện không còn nằm trong chương trình nghị sự của Ủy ban châu Âu".
Sự khẳng định này đã chính thức khép lại quá trình tranh luận và cho thấy EU không còn dự định ép buộc các tiêu chuẩn giảm thuốc trừ sâu bắt buộc như đã đề xuất ban đầu.
Thay vì tiếp tục theo đuổi một mục tiêu cứng nhắc về giảm thuốc trừ sâu, EU hiện đang chuyển hướng tập trung vào việc thúc đẩy các giải pháp công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp. Một trong những sáng kiến tiêu biểu là Đạo luật Công nghệ Sinh học (Biotech Act), với mục tiêu đẩy nhanh phát triển các sản phẩm thay thế an toàn hơn cho thuốc trừ sâu truyền thống. Các giải pháp này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời duy trì năng suất sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, EU cũng đặt mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn thương mại bằng cách yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về dư lượng thuốc trừ sâu. Điều này được xem là một bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Các biện pháp này dự kiến sẽ được áp dụng một cách linh hoạt và có tính chất khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, thay vì bắt buộc phải tuân theo các chỉ tiêu giảm sử dụng thuốc cứng nhắc.
Nông sản việt nam chịu ảnh hưởng như thế nào?
Sự thay đổi chiến lược của EU hứa hẹn mang đến những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam. Việc từ bỏ kế hoạch giảm 50% thuốc trừ sâu giúp giảm bớt áp lực về việc phải thích nghi với những quy định môi trường khắt khe mà trước đây EU từng đặt ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần lưu ý rằng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt qua các quy định kiểm dịch thực vật và các biện pháp kiểm tra tại cửa khẩu.
Theo thông tin từ Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU đều bắt buộc có chứng nhận kiểm dịch thực vật. Hơn nữa, các sản phẩm đến từ các khu vực có nguy cơ cao sẽ phải đối mặt với mức kiểm tra định kỳ cao hơn. Ví dụ, gần đây EU đã tăng tần suất kiểm tra đối với ớt từ Cộng hòa Dominica, cam và ớt từ Ai Cập, cũng như đậu và ớt từ Kenya. Điều này cho thấy, dù không còn áp đặt mục tiêu giảm thuốc trừ sâu bắt buộc, EU vẫn duy trì yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
Để tận dụng cơ hội từ hướng đi mới của EU, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ canh tác sạch, cải tiến quy trình sản xuất và đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của khối. Bên cạnh đó, việc cập nhật các quy định mới của EU và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ duy trì thị phần mà còn mở rộng thị trường tại EU.
Sự thay đổi chiến lược của EU cho thấy một tầm nhìn mới về nông nghiệp và thực phẩm, với trọng tâm là đổi mới công nghệ và hướng đến phát triển bền vững. Thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp hạn chế, EU mong muốn tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các giải pháp thay thế và thúc đẩy thương mại an toàn. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là ở các nước xuất khẩu như Việt Nam, tái định hình chiến lược kinh doanh của mình, đầu tư vào công nghệ và cải tiến chất lượng sản phẩm.
Duy Trinh