Liên minh châu Âu dự định siết chặt nhập khẩu thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn

author 06:39 21/02/2025

(VietQ.vn) - Dự thảo mới của Ủy ban châu Âu cho thấy, Liên minh Châu Âu (EU) đang lên kế hoạch thắt chặt các hạn chế đối với cây trồng nhập khẩu có sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm ở châu Âu.

Theo thông tin từ hãng tin Reuters, Ủy ban châu Âu sẽ theo đuổi “sự điều chỉnh chặt chẽ hơn về các tiêu chuẩn sản xuất áp dụng cho sản phẩm nhập khẩu”, đặc biệt chú trọng vào thuốc trừ sâu và phúc lợi động vật. Mục tiêu của kế hoạch là đảm bảo ngành nông nghiệp không bị “đặt vào thế bất lợi cạnh tranh” khi đối mặt với các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia có quy định lỏng lẻo hơn.

Dự thảo khẳng định Brussels sẽ đảm bảo rằng “các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm nhất - bị cấm ở EU vì lý do sức khỏe và môi trường” sẽ không được phép quay trở lại qua các sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, EU đã thiết lập mức dư lượng tối đa đối với một số loại thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nông dân châu Âu từng bức xúc vì gánh nặng quản lý, doanh thu bị thu hẹp. Ảnh: Fance 24/© John Thys/ AFP.

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách cải cách Raffaele Fitto, đã gọi đây là “một phản hồi mạnh mẽ trước lời kêu cứu” của nông dân, khi các tháng biểu tình năm ngoái cho thấy nông dân EU bức xúc vì các gánh nặng quy định, doanh thu bị siết chặt và sự cạnh tranh không công bằng từ các đối thủ nước ngoài ít bị quản lý.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra không quan tâm đến các báo cáo trước đó từ tờ Financial Times, khi cho biết EU dự định trình bày ý tưởng này trong tuần tới. Ông Trump khẳng định rằng động thái của EU sẽ gây tổn hại cho châu Âu, trong khi một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ bảo vệ nông dân Mỹ bằng cách thực hiện kế hoạch áp thuế đối ứng.

Các loại cây trồng của Mỹ, chẳng hạn như đậu nành, có thể trở thành mục tiêu nếu các sản phẩm của họ được xử lý bằng thuốc trừ sâu không phù hợp với tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU. Đồng thời, nông dân châu Âu cũng lo ngại về thỏa thuận thương mại với khối Mercosur của Mỹ Latinh, tuy nhiên, theo Ủy viên Nông nghiệp EU Christophe Hansen, thỏa thuận đó là một phần của “mạng lưới an toàn” giúp xuất khẩu thực phẩm trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc có thể áp thuế lên các sản phẩm chủ lực của EU như rượu vang và pho mát.

Dự thảo cũng cam kết cải cách Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) của EU, cắt giảm thủ tục hành chính và tập trung trợ cấp đến những nông dân “cần hỗ trợ nhất”. Tuy nhiên, các nhà phê bình, trong đó có các nhóm môi trường, cho rằng bản kế hoạch này “thiếu quyết liệt” so với phiên bản trước đó và chỉ tập trung vào việc nới lỏng các quy định nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế của EU. Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đã lên tiếng rằng, kế hoạch mới này “làm rất ít để giải quyết các mối đe dọa về môi trường, khí hậu và kinh tế - xã hội mà hầu hết nông dân đang phải đối mặt”.

Trong bối cảnh EU thắt chặt tiêu chuẩn sản xuất đối với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ nông dân và người tiêu dùng, Việt Nam với vai trò là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu đang được yêu cầu nâng cao chất lượng sản xuất và an toàn thực phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.

Theo các chuyên gia, nhà xuất khẩu Việt Nam cần thực hiện chiến lược tuân thủ toàn diện để đáp ứng quy định của EU. Trước hết, cần đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn về dư lượng hóa chất, sử dụng các loại hóa chất được EU chấp thuận và kiểm tra dư lượng tại phòng thí nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch để đáp ứng yêu cầu về chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ kiểm tra chất lượng chi tiết để đối phó với tỷ lệ kiểm tra cao tại EU. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Rainforest Alliance hay Fairtrade không chỉ giúp sản phẩm vượt qua rào cản nhập khẩu mà còn nâng cao uy tín. Hơn nữa, đầu tư vào sản xuất bền vững là yếu tố quan trọng để thu hút người tiêu dùng Bắc Âu, vốn đặc biệt quan tâm đến tác động môi trường của sản phẩm.

 Duy Trinh (Reuters, Fance 24)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang