Thông qua Đạo luật kiểm soát AI đầu tiên trên thế giới

author 21:11 15/03/2024

(VietQ.vn) - Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua Đạo luật AI nhằm kiểm soát AI, đặt nền tảng pháp lý đầu tiên trên thế giới quản lý lĩnh vực công nghệ đang có tốc độ phát triển cực nhanh và các hoạt động đầu tư có liên quan.

Liên minh Châu Âu đã phê duyệt bộ quy tắc cơ bản đầu tiên trên thế giới về quản lý trí tuệ nhân tạo. Quy định được thông qua trong phiên họp của Nghị viện với 523 phiếu ủng hộ, 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng.

Đạo luật AI (The AI Act) được coi là hình mẫu cho các quốc gia và khu vực khác thực hiện các quy định tương tự liên quan đến lĩnh vực mới mẻ, song được cảnh báo có nhiều nguy cơ tiềm ẩn này.

So với các quy định tại một số nước, luật AI của EU là quy định toàn diện nhất, bao trùm hàng loạt vấn đề từ rủi ro cho đến bản quyền. Luật đặt ra nghĩa vụ đối với cả nhà cung cấp và người dùng dựa trên 4 cấp độ rủi ro của AI, gồm rủi ro không thể chấp nhận được, rủi ro cao, rủi ro nói chung và rủi ro thấp. Các hệ thống AI “gây rủi ro không thể chấp nhận” bị xem là mối đe dọa với con người và sẽ bị cấm, như hệ thống có khả năng thao túng hành vi nhận thức của con người. Các hệ thống AI ảnh hưởng tiêu cực đến sự an toàn hoặc các quyền cơ bản được xếp vào "rủi ro cao", sẽ phải được đánh giá trước khi đưa ra thị trường và tiếp tục được đánh giá trong vòng đời.

Trong khi đó, luật AI coi những rủi ro có hệ thống có thể phát sinh từ các mô hình AI sử dụng vào mục đích chung, trong đó có các mô hình AI tổng quát lớn. Các nền tảng AI tổng quát, như ChatGPT, sẽ phải tuân theo những yêu cầu minh bạch nội dung do AI tạo ra, thiết kế mô hình ngăn chặn việc tạo ra nội dung trái phép và công bố các bản tóm tắt dữ liệu có bản quyền được dùng để huấn luyện AI. Còn hệ thống AI có rủi ro thấp, gồm các hệ thống AI tạo ra hoặc xử lý hình ảnh, âm thanh hoặc nội dung video, ví dụ như deepfake. Các hệ thống này phải tuân thủ tính minh bạch tối thiểu, cho phép người dùng nhận biết được đang tương tác với AI và quyết định tiếp tục sử dụng hay không.

Các nước thành viên sẽ phải đưa ra các hình thức xử lý thích đáng và có tính răn đe, trong đó có các mức xử phạt hành chính, đối với những hệ thống AI vi phạm các quy định của luật. Trong đó, ngưỡng cao nhất mà luật đề ra để xem xét là phạt tới 35 triệu euro, tương đương 7% tổng doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty nếu không tuân thủ các yêu cầu về dữ liệu.

Ban đầu, một số nước thành viên EU, nhất là Pháp và Đức, lo ngại luật AI sẽ kìm hãm sự đổi mới, sáng tạo của các công ty công nghệ tại châu lục. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định luật mới đem lại cho người dùng sự tin tưởng vào các hệ thống AI, từ đó gia tăng mối quan tâm đến công nghệ tiên tiến này. Về phía doanh nghiệp, đạo luật tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để các nhà cung cấp AI có thể tiếp cận những thị trường rộng lớn hơn. Các công ty tuân thủ luật AI cũng sẽ phải thực hiện thử nghiệm trong thế giới thực, do đó sẽ có môi trường thử nghiệm có kiểm soát đối với những công nghệ đổi mới.

 Ảnh minh họa

Giới chuyên gia đánh giá luật AI của EU là một sáng kiến bước ngoặt nhằm đưa EU trở thành khu vực dẫn đầu thế giới về công nghệ AI có đạo đức và lấy con người làm trung tâm, trong khi thúc đẩy khả năng cạnh tranh và đổi mới, sáng tạo. Bộ luật này chính là công cụ giám sát và kiềm chế những tác động tiêu cực của công nghệ AI để thực sự được quản lý và khai thác phục vụ con người.

Ra đời vào năm 2021, Đạo luật AI của EU chia công nghệ thành các loại rủi ro, từ “không thể chấp nhận” - nghĩa là công nghệ sẽ bị cấm - đến mức độ nguy hiểm cao, trung bình và thấp.

Quy định dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 5, sau khi vượt qua bước kiểm tra cuối cùng và nhận được sự thông qua từ Hội đồng Châu Âu. Kế hoạch triển khai sau đó sẽ được thực hiện từ năm 2025 trở đi.

Một số quốc gia EU trước đây đã lên tiếng đề xuất phương án tự điều chỉnh đối với loạt biện pháp kiềm chế do Chính phủ chỉ đạo, trong bối cảnh lo ngại rằng quy định khắt khe có thể trở thành rào cản lớn đối với công cuộc cạnh tranh cùng nhiều gã khổng lồ công nghệ đến từ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những quốc gia ủng hộ bao gồm Đức và Pháp, nơi đang sản sinh ra vô số công ty khởi nghiệp AI đầy hứa hẹn ở Châu Âu.

Rõ ràng, EU đang chinh phục cả hai mục tiêu: giảm thiểu tác động tiêu cực của sự phát triển công nghệ đến người dùng cũng như bắt kịp vị thế thống trị của những đổi thủ chủ chốt trên thị trường.

Tuần trước, EU cũng đã thông qua Luật cạnh tranh mang tính bước ngoặt nhằm kiềm chế các gã khổng lồ Hoa Kỳ. Theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), EU có thể trấn áp hành vi phản cạnh tranh từ các công ty công nghệ lớn và buộc công ty phải mở rộng dịch vụ trong lĩnh vực mà vị thế thống trị của hãng đã kìm hãm đa số doanh nghiệp nhỏ hơn, “bóp nghẹt” quyền tự do lựa chọn của người dùng. Sáu công ty — hầu hết đều là big tech Hoa Kỳ như Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance đến từ Trung Quốc – đã được đưa vào danh sách áp dụng.

Mối lo ngại ngày càng gia tăng về vấn đề lạm dụng trí tuệ nhân tạo, ngay cả khi nhiều ông lớn như Microsoft, Amazon, Google và nhà sản xuất chip Nvidia kêu gọi đầu tư AI mạnh mẽ.

Các Chính phủ lo ngại khả năng rằng deepfake, dạng trí tuệ nhân tạo tạo ra toàn bộ thông tin sai lệch, bao gồm cả ảnh và video, đang “hoành hành” trước hàng loạt cuộc bầu cử toàn cầu quan trọng trong năm nay.

Một số doanh nghiệp ủng hộ áp dụng AI cho biết đã tự điều chỉnh phương pháp để tránh thông tin sai lệch. Đầu tuần này, Google đưa thông báo sẽ hạn chế truy vấn liên quan đến bầu cử nếu được người dùng yêu cầu từ chatbot Gemini của hãng, đồng thời nhấn mạnh đã thực hiện một số thay đổi ở Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang