Loạn ‘fake reviews’ trên mạng xã hội: Hệ luỵ nhãn tiền!

author 16:10 31/08/2021

(VietQ.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, “kênh” giao tiếp chủ yếu của cộng đồng dựa trên các nền tảng mảng xã hội như Facbook, ZaLo, YouTube… Tuy nhiên, không ít cá nhân lợi dụng các nền tảng mạng này để đăng tải tin giả (fake news), dàn dựng clip, hình ảnh gây sốc kèm những bình luận, nhận xét giả (fake reviews) không khách quan gây hoang mang dư luận.

“Tôn hành giả, giả hành tôn”

Một trong những cú “fake news” gây “sang chấn tâm lý” cho cộng đồng mạng chính là việc một tài khoản facebook có tên “bác sĩ Khoa” với dòng tâm trạng quyết định "nhường đi chiếc máy thở" người nhà đang dùng cho một sản phụ. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi".

Ngay lập tức, dòng trạng thái trên đã nhận được hàng trăm ngàn comment, like từ cộng đồng mạng bày tỏ sự thán phục, sẻ chia. Tuy nhiên, cũng ngay sau đó cơ quan chức năng xác minh và ra thông báo: “Nội dung chia sẻ này là hư cấu, các cá nhân liên quan đăng tải và chia sẻ nội dung đã bị xử phạt và buộc tháo gỡ nội dung này”. 

Thông tin lan truyền về câu chuyện bác sĩ rút ống thở của cha mẹ nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu. 

Không chỉ riêng fake news, hiện nay nạn “fake reviews” với những nhận xét không khách quan cũng đang bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng như một phương tiện để hạ uy tín đối thủ trong kinh doanh.

Gần đây nhất, một tài khoản có tên “Trần Dương Nhôm Kính” (địa chỉ tại Nghệ An) đã tạo clip trong đó lấy nhiều mẩu thanh nhôm của một hãng nhôm có thương hiệu trên thị trường cùng một số thanh nhôm khác ngâm vào thùng nước muối. Sau đó người này bỏ ra và thực hiện quay video lại, đăng trên các nền tảng mạng xã hội cùng lời bình luận: Thanh nhôm hãng... có tem nhãn đã bị muối làm bong tróc sơn!?

Vụ việc ngâm các thanh nhôm vào thùng nước muối có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín doanh nghiệp. 

Ngay khi đoạn clip đăng tải, nhiều bình luận từ các chuyên gia trong ngành cho rằng người đăng tải đoạn clip này không có chuyên môn về sản phẩm, không hiểu về các phản ứng hóa học. Nhiều comment còn thẳng thừng chỉ trích người này cố tình đăng clip để bôi nhọ hãng nhôm kia.

Sau khi nhận nhiều lời chỉ trích cũng như thông báo từ phía doanh nhiệp có hãng nhôm được đăng ký thương hiệu, tài khoản này đã gỡ bỏ mọi video đăng tải trước đó cùng lời xin lỗi tới cộng đồng mạng. 

Đây chỉ là một trong số rất nhiều fake reviews gây xôn xao dư luận thời gian qua. Nạn fake reviews để nhận ưu đãi đang khiến người tiêu dùng gặp khó trong chọn lựa sản phẩm, dịch vụ. Tình trạng này xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, blog và mạng xã hội, là “ung nhọt” cần bài trừ.

Người dùng cần tỉnh táo

Khi xem clip trên, dựa trên thông tin đưa ra người xem có quyền nghi ngờ về tính khách quan và khoa học của sự việc? Và việc vội vàng phán xét của facebooker đã trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu doanh nghiệp. 

Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Có chăng việc dàn dựng clip nhằm mục đích bêu xấu hay “dìm” một nhãn hiệu? Hành vi so sánh các sản phẩm khác nhau, nêu đích danh và “kết luận” phiến diện, thiếu khoa học là hoàn toàn vô ích trong việc đánh giá chất lượng một sản phẩm, không phù hợp với mục đích sử dụng sản phẩm?

Trong bối cảnh công nghệ số, người tiêu dùng thường xuyên mua sắm trực tuyến, việc tìm kiếm và đọc nhận xét trước khi mua là thói quen khá phổ biến. Khi tìm hiểu về một doanh nghiệp, sản phẩm hay dịch vụ, chỉ cần tìm kiếm kèm theo từ khoá “nhận xét”, “đánh giá”, “review” người dùng có thể tiếp cận được rất nhiều thông tin. 

Việc đánh giá sản phẩm lẽ ra phải thực hiện một cách thận trọng, khoa học tại những cơ sở được cấp phép thì việc sử dụng các công cụ thô sơ, thiếu hiểu biết đã gây ra những thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay. Thậm chí, hành vi này rất có thể sẽ khiến chính người làm review vướng vào vòng lao lý. 

Để cảnh báo và chấn chỉnh tình trạng trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã đưa ra một số cách nhận biết và khuyến cáo người tiêu dùng để mua sắm trực tuyến nói chung và nhận xét trực tuyến nói riêng.

Cụ thể, cách nhận biết nhận xét giả hoặc nhận xét không khách quan là: Nhận xét có nội dung không hợp lý như cho thấy sản phẩm/dịch vụ có giá rẻ nhưng chất lượng tương đương sản phẩm, dịch vụ cao cấp; nhận xét quá tích cực và hay kèm các dấu cảm thán như “!”, “!!!”; nhận xét quá tích cực, kèm theo nội dung “cầu xin” nhà sản xuất sản xuất thêm, sản xuất lại sản phẩm, dịch vụ… Sản phẩm, dịch vụ được rất nhiều người nổi tiếng cùng nhận xét trên mạng xã hội…

Nhận xét có nội dung gần giống nhau đã xuất hiện ở nhiều hội, nhóm có liên quan trên mạng xã hội; nhận xét quá tiêu cực về sản phẩm để được hoàn lại tiền; nhận xét quá tiêu cực nhưng không đưa ra lý do; bài đăng có kèm ảnh minh họa chất lượng thấp hoặc ảnh đã qua chỉnh sửa (Ví dụ: nhận xét về sản phẩm dưỡng da, trang điểm, đồ ăn…).

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến cần giác trước những nhận xét có dấu hiệu là giả, không khách quan như trên; người tiêu dùng nên mua hàng từ những sàn thương mại điện tử chỉ cho phép người đã mua sản phẩm, dịch vụ nhận xét về sản phẩm, dịch vụ đó; tìm hiểu về các doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ tương tự trước khi đưa ra quyết định.

Trần Giang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang