'Loạn' giá làm răng implant

author 09:26 20/03/2024

(VietQ.vn) - Để sở hữu một bộ răng giả phù hợp, khách hàng có thể phải bỏ ra số tiền từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng.

Gần nửa tỷ đồng cho một bộ răng implant

Xã hội phát triển, chất lượng đời sống con người ngày càng nâng cao. Trong đó, nhu cầu làm đẹp là chính đáng, được nhiều người quan tâm, từ trẻ nhỏ, thanh niên cho đến người già, từ phụ nữ đến đàn ông.

Nắm bắt được nhu cầu đó, hàng loạt bệnh viện thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, spa chăm sóc sắc đẹp mọc lên “như nấm sau mưa”. “Cái răng, cái tóc là góc con người”, các phòng khám, trung tâm nha khoa cũng không hề kém cạnh, được mở ra khắp nơi, phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị uy tín, cũng không thiếu cơ sở làm ăn thiếu trách nhiệm, khiến khách hàng “tiền mất tật mang”. Đặc biệt, với việc hàng loạt cơ sở mọc lên như nấm, tình trạng “loạn giá” dịch vụ tại các trung tâm, hệ thống nha khoa đang là vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm chú ý.

Để tìm hiểu thêm vấn đề này, PV Chất lượng Việt Nam đã tiến hành khảo sát về dịch vụ làm răng implant ở một số hệ thống nha khoa, phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt nằm trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, tại Nha khoa Kim, dịch vụ cấy trụ Implant có giá dao động từ 6– 34 triệu đồng/trụ, giá tiền trên đã bao gồm Abutment (được hiểu là khớp kết nối giữ trụ Implant và Mão răng sứ), Máng định vị in 3D và sử dụng công nghệ Safest.

Trong khi đó, giá cấy trụ Implant tương tự tại Nha khoa Nhân Tâm dao động từ 7,5 -31,5 triệu đồng/trụ. Cũng cùng dịch vụ nói trên, số tiền mà khách hàng phải trả tại Nha khoa Tâm Đức Smile là 2-38 triệu đồng/trụ, đáng chú ý, đây là mức giá đã giảm 50%. 

Bảng giá của Nha khoa Tâm Đức Smile ghi rõ “giá đã giảm đến 50%” được đặt công khai tại bàn.

Theo tìm hiểu của PV, phương pháp trồng răng Implant toàn hàm là kỹ thuật sử dụng 4 hoặc 6 trụ Implant, phẫu thuật đặt trong xương hàm thay thế chân răng trên hàm bị mất, giúp khắc phục toàn diện trường hợp mất răng toàn hàm, phục hồi hoàn toàn chức năng ăn nhai và có tính thẩm mỹ cao.

Hiện nay, có 2 phương án trồng răng Implant toàn hàm phổ biến là all on 4 và all on 6. Cụ thể, trồng răng implant toàn hàm all on 4 là sử dụng 4 trụ Implant để cắm trên một hàm. Trong đó, có 2 trụ Implant cấy thẳng ở vị trí răng số 2 và 2 Implant cấy nghiêng ở vị trí răng số 5. Giải pháp này được đánh giá tối ưu nhất đảm bảo lực tác động dàn trải đều trên xương hàm. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Multi-unit Abutment, giúp nâng đỡ được 1 hàm 10 -12 răng sứ phía trên.

Tương tự, trồng răng Implant toàn hàm all on 6 là phương pháp được phát triển từ kỹ thuật all on 4, dành cho người có xương hàm quá yếu. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ cắm thêm 2 trụ Implant ở vùng răng hàm, tổng cộng 6 trụ. Việc này sẽ giúp quá trình nâng đỡ được tốt hơn, vững chắc, đảm bảo hiệu quả chức năng ăn uống và hạn chế tiêu xương.

Trong các kỹ thuật về răng hiện nay, 2 giải pháp trên được đánh giá cao nhất, đồng nghĩa với việc giá tiền cho dịch vụ này cũng chẳng hề rẻ, dao động từ vài trăm triệu cho đến gần nửa tỷ đồng. Cụ thể, tại Nha khoa Kim, dịch vụ cấy Implant all on 4 có giá dao động từ 94 -160 triệu đồng và cấy Implant all on 6 có giá từ 141 -240 triệu đồng bao gồm cả răng sứ, Abutment, máng định vị.

Tại Nha khoa Nhân Tâm, dịch vụ cấy Implant all on 4 có giá dao động từ 140 -315 triệu đồng và Implant all on 6 có giá từ 185-425 triệu đồng cho toàn hàm, bao gồm cả răng sứ.

Riêng tại Tâm Đức Smile, theo nhân viên hệ thống nha khoa này, dù đã giảm 50% nhưng Implant all on 4 vẫn có giá từ 79 -179 triệu đồng, Implant all on 6 có giá dao động từ 108-238 triệu đồng. 

Sở Y tế quản lý giá như thế nào?

Theo một bác sĩ Răng Hàm Mặt, hiện nay, có sự chênh lệch rất lớn về giá giữa các cơ sở, phòng khám nha khoa khác nhau, thậm chí là giá các loại dịch vụ ngay trong một cơ sở. Điều này, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, đó là thương hiệu của từng cơ sở. Những cơ sở lớn, nhiều chi nhánh… thường có mức giá cao hơn các phòng khám, trung tâm nha khoa nhỏ hoặc chưa được nhiều người biết tới.

Thứ 2 là chất lượng của răng cũng như các dịch vụ đi kèm. “Mình cứ nghĩ răng cũng như một loại hàng hóa thông thường, hiện nay trên thị trường có vô vàn loại trụ Implant và đa răng sứ, giá nào cũng có. Tùy loại răng mà cơ sở làm lại có các mức giá khác nhau. Có nhiều loại răng có thể chênh nhau mức giá đến vài lần”, vị này nói.

Thế nhưng, theo vị này, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến mức giá giữa các cơ sở chênh lệch nhau quá lớn lại đến từ chính chiến lược kinh doanh của mỗi đơn vị. Cụ thể, theo vị này, mỗi năm, Sở Y tế duyệt giá dịch vụ cho các bệnh viện, phòng khám, thẩm mỹ viện trên địa bàn quản lý. Các đơn vị trên sẽ phải làm hồ sơ bảng giá để Sở Y tế xét duyệt. Nếu Sở Y tế không phản hồi lại đồng nghĩa với việc bảng giá đó đã được thông qua. Còn trong trường hợp Sở Y tế phản hồi bằng văn bản, đề nghị cơ sở làm lại bảng giá dịch vụ thì đơn vị đó sẽ phải làm một bộ hồ sơ mới, điều chỉnh lại giá dịch vụ cho đến khi nào được chấp nhận lúc đó mới được niêm yết sử dụng tại cơ sở.

Trên lý thuyết là có sự quản lý nhưng thực tế việc đưa ra bảng giá dịch vụ đều là do cơ sở tự chủ động. Mức giá bao nhiêu, lợi nhuận thế nào, tất cả đều phụ thuộc vào doanh nghiệp. Do đó, tình trạng đưa giá dịch vụ lên thật cao sau đó lại áp dụng chương trình giảm giá, có thể lên đến 50% hoặc cao hơn nữa để kéo khách là điều không hề hiếm gặp.

Trụ sở Nha khoa Tâm Đức Smile tại 76 Phạm Hồng Thái, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM. (Ảnh: Kim Thoa)

Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây với cơ sở, hệ thống nha khoa áp dụng chương trình khuyến mãi, có thể lên đến 50% thì những chương trình khuyến mãi này đã được thông báo đến cơ quan chức năng hay chưa? Hay đây chỉ là chiêu thức để “qua mặt” khách hàng, bởi trên thực tế, giá “đã giảm 50%” lại chính là bảng giá dịch vụ đã đăng ký với Sở Y tế? Việc công bố “giảm giá” chỉ để khách hàng bớt đắn đo hơn trong việc “xuống tiền”?

Nếu trong trường hợp mức giảm giá 50% là có thật thì vấn đề ở đây là giảm giá dịch vụ thì chất lượng của dịch vụ, sản phẩm có giảm theo hay không? Bởi, về nguyên tắc, doanh nghiệp không bao giờ giảm giá một dịch vụ, sản phẩm đến mức mình lỗ vốn. Vậy nhưng, một hàm răng có thể lên đến gần nửa tỷ đồng nhưng giảm 50%, chỉ còn lại hơn 200 triệu, vậy 200 triệu này đã bao gồm “lợi nhuận” của doanh nghiệp, hay tiền nào của nấy, giá giảm thì chất lượng giảm theo?

Không chỉ “loạn giá”, nhiều phòng khám, hệ thống nha khoa hiện cũng đang có nhiều bất cập giữa hoạt động của các nhân viên, kỹ thuật viên và bác sĩ tại cơ sở. Nhiều đơn vị còn có dấu hiệu trốn thuế thông qua việc thu tiền qua tài khoản cá nhân. Những điều này, chúng tôi sẽ đề cập ở bài viết sau.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang