Nhiều học sinh tiểu học nghi bị ngộ độc sau khi dùng suất ăn của Công ty ẩm thực Hạnh Phúc
Bánh mì Thu Hà bị xử phạt do khiến nhiều người bị ngộ độc Salmonellaspp sau khi ăn
Công nhân Công ty TNHH Vega Balls bị ngộ độc: Yêu cầu về kiểm định máy nén khí
Phát hiện 2 bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum toxin, cách phòng tránh hiệu quả
Quy định là vậy nhưng trên thực tế, xã hội ngày càng phát triển càng có nhiều nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm như: Thực phẩm bẩn; không đảm bảo về chất lượng; thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực phẩm tiềm ẩn nhiều thuốc kích thích tăng trưởng, sử dụng hóa chất cấm; quy trình sản xuất không nghiêm ngặt; môi trường không đảm bảo vệ sinh; sử dụng nước thải sinh hoạt trong chế biến; nước thải chăn nuôi để tưới rau làm cho các hàm lượng kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh trong rau, củ, quả cao hơn nhiều so với quy định… gây ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng và xuất khẩu. Mặc dù vấn đề an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày nhưng việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm không phải tổ chức, doanh nghiệp hay người tiêu dùng nào cũng nắm rõ.
Mới đây, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường Tiểu học Kim Đồng, quận 7 đã phản ánh tới báo chí về việc con mình nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng suất ăn bán trú tại trường.
Cụ thể, từ thời điểm đầu tháng 3, nhiều học sinh khối lớp 1, lớp 4 và lớp 5 sau khi đi học về có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… Sau khi vụ việc xảy ra, các cháu được phụ huynh đưa đi khám tại bệnh viện hoặc điều trị tại nhà.
Một phụ huynh cho biết, chỉ trong một buổi tối, con chị nôn ói 5 lần, đi tiêu chảy phân lỏng, đau bụng mệt mỏi tới sáng. “Hỏi con, thì cháu nói đau bụng sau khi ăn trưa tại trường”, phụ huynh này nói.
Theo kết quả siêu âm ổ bụng tại Bệnh viện quận 7 của cháu Đ, học sinh khối lớp 5 trường Tiểu học Kim Đồng được phụ huynh cung cấp thì học sinh này bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn khác, khó tiêu chức năng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều học sinh các khối lớp 1, 4, và 5 của trường.
Trường Tiểu học Kim Đồng - nơi xảy ra vụ việc.
Để làm rõ những vấn đề nói trên, chiều 12/3 vừa qua, Trường Tiểu học Kim Đồng đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện phụ huynh học sinh, Phòng Giáo dục - Đào tạo quận 7, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường, UBND phường…
Tại buổi làm việc, cô Nguyễn Thị Bích Nhiên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, ngày 8/3, trường ghi nhận 15 học sinh có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn… Trong đó, tập trung phần lớn ở lớp 5.3, còn lại rải rác ở khối lớp 1, lớp 4.
Cô Nhiên cũng cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, do sơ suất nên nhà trường không đến phòng y tế để yêu cầu niêm phong các mẫu thực phẩm ngày hôm đó. Đến khi phát hiện thì phòng y tế vừa mới hủy mẫu xong.
Tuy nhiên, đại diện phụ huynh học sinh cho rằng đã sớm thông báo vụ việc đến nhà trường và yêu cầu niêm phong mẫu thực phẩm đưa đi xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân. Thế nhưng, nhà trường không thực hiện dẫn đến việc quá 24 giờ, mẫu thực ăn này không còn tác dụng kiểm định dẫn tới bị mang đi hủy.
Cũng tại buổi làm việc này, cô Nhiên cho biết, nhà trường sẽ tính đến việc thay đổi công ty cung cấp suất ăn nếu như không còn phù hợp.
Được biết, suất ăn bán trú tại trường Tiểu học Kim Đồng do Công ty TNHH Ẩm thực Hạnh Phúc (địa chỉ 300/37 Nguyễn Văn Linh, Phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM) cung cấp. Trung bình 1 tháng, mỗi em học sinh đóng 735.000 tiền ăn cho nhà trường. Công ty có tên quốc tế HAPPY CUISINE COMPANY LIMITED, tên viết tắt HAPPY CUISINE CO.,LTD, do bà Nguyễn Thị Loan là đại diện theo pháp luật.
Phiếu siêu âm của một học sinh khối lớp 5 nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Cần nói thêm, những năm gần đây, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp nước ta đã từng bước nâng cao và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn ATTP của đối tác. Trong tình hình đó, việc xây dựng TCVN về ATTP trong thời gian qua đã bám sát định hướng hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất khẩu sản phẩm đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhiều TCVN về yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm cũng như đa số TCVN về hướng dẫn và quy phạm thực hành vệ sinh đều đã hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế CODEX. Phần lớn tiêu chuẩn về phân tích, kiểm nghiệm cũng đã hài hòa với tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như ISO, AOAC, tổ chức tiêu chuẩn hóa châu Âu (CEN)…
Ngày 21 tháng 10 năm 2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, trong đó có yêu cầu tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về bảo đảm an ninh, ATTP.
Trên cơ sở đó, định hướng trong thời gian tới là tiếp tục xây dựng TCVN về ATTP theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tập trung vào việc xây dựng TCVN cho một số sản phẩm thực phẩm chưa được tiêu chuẩn hóa hoặc đã có tiêu chuẩn nhưng cần rà soát, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, xây dựng TCVN về phương pháp phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP như vi sinh vật, độc tố vi nấm… trên thực phẩm và một số nhóm thực phẩm cụ thể nhằm chủ động ứng phó với các tình huống, sự cố về ATTP.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, hiện đang có khá nhiều tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Có thể kể đến như:
Tiêu chuẩn ISO 22000:2018: Đây là tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành. Giấy chứng nhận ISO 22000 được chấp nhận và có giá trị trên toàn thế giới.
ISO 9001:2015 – Hệ thống quản lý chất lượng: Đây là một trong số những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Doanh nghiệp sẽ được đánh giá và thừa nhận là có hệ thống quản lý tốt về an toàn thực phẩm và đủ khả năng cung cấp sản phẩm thực phẩm an toàn ra ngoài thị trường khi đạt được chứng nhận ISO 22000:2018. Ngoài ra, mọi tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung cấp thực phẩm đều có thể áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000, không phân biệt quy mô, loại hình. Bao gồm cả những tổ chức hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong chuỗi thực phẩm.
Tiêu chuẩn HACCP: HACCP từ viết tắt của “Hazard Analysis & Critical Control Point” – Phân tích mối nguy và Kiểm soát điểm tới hạn. Tương tự như ISO 22000, nó cũng là một tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đúng như tên gọi “Phân tích mối nguy và Kiểm soát điểm tới hạn” HACCP được xem là một công cụ phổ biến trong ngành thực phẩm có chức năng xác định và ngăn chặn các mối nguy hại cụ thể hoặc đang tiềm ẩn có nguy cơ gây ảnh hưởng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
HACCP có thể xác định được mối nguy như: Các mối nguy từ sinh học, mối nguy hóa học, vật lý, hay các điều kiện bảo quản, vận chuyển, sử dụng. Đối tượng áp dụng HACCP gồm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…; các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, khu chế xuất, thức ăn công nghiệp; cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn và các tổ chức hoạt động liên quan đến thực phẩm.
Tiêu chuẩn GMP: GMP là tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành sản xuất tốt. Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm này thường dùng trong lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm yêu cầu điều hiện vệ sinh cao như: các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế. Kể cả các sơ sở kinh doanh ăn uống như nhà hàng, khách sạn cũng rất thích hợp cho việc áp dụng tiêu chuẩn GMP.
Tiêu chuẩn BRC: BRC được viết tắt từ British Retail Consortium là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, do Hiệp hội bán lẻ Anh xây dựng và ban hành. Cũng giống như hầu hết tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phổ biến hiện nay, việc áp dụng tiêu chuẩn BRC nhằm để doanh nghiệp kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn trong sản xuất. Để rồi có cơ sở tạo ra các sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn an toàn cho khách hàng. Bởi vì, suy cho cùng, tất cả tiêu chuẩn đưa ra là để các doanh nghiệp tuân thủ luật lệ và bảo vệ người tiêu dùng.
Kim Thoa