Loạn thực phẩm chức năng giả, quảng cáo quá mức về công dụng

author 14:24 23/05/2024

(VietQ.vn) - Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hiện nay tình trạng sản xuất, buôn bán, quảng cáo thực phẩm chức năng giả, nhái, không đúng công dụng ngày càng gia tăng gây thiệt hại lớn cho sức khỏe và kinh tế.

Hiện thị trường thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đang rất phát triển nhưng cũng vô cùng hỗn loạn khi nhiều sản phẩm đang quảng cáo quá mức về công dụng. Thậm chí không ít loại là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng được “thổi phồng” về công dụng để bán với giá "cắt cổ", khiến người tiêu dùng gánh chịu thiệt hại lớn về sức khỏe và kinh tế.

Tuy nhiên, công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với nhóm hàng này của cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, các nền tảng mạng xã hội phát triển ồ ạt, đặc biệt với những ứng dụng, website mang tên miền quốc tế không thông báo hoặc ẩn danh gần như thoát khỏi sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa không thể kiểm soát triệt để.

Các đối tượng đã lợi dụng đưa thông tin không chính xác, thổi phồng công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đánh vào tâm lý tin dùng hàng ngoại nhập, thu hút đông đảo người tiêu dùng, đẩy nhu cầu sử dụng ngày càng lớn trên thị trường.

 Sản xuất, buôn bán, quảng cáo thực phẩm chức năng giả, nhái ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam 9 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng hỗ trợ chống đột quỵ quy mô lớn ở thành phố Hà Nội và Thanh Hóa do Nguyễn Thị Thịnh (46 tuổi, ngụ tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) cầm đầu. Làm việc với cơ quan chức năng, bước đầu các bị can khai nhận từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, nhóm này đã sản xuất, bán ra thị trường hơn 20.000 hộp viên An cung hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm (loại thực phẩm chức năng hỗ trợ chống đột quỵ) giả, với trị giá tương đương khoảng 50 tỷ đồng.

Chỉ trong gần 5 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, đã tạm giữ 12.222 sản phẩm (viên, chai, hộp) thực phẩm chức năng các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá khoảng gần 500 triệu đồng. Đơn vị này đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 216 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Đánh giá tình hình thực tế tại địa bàn lớn nhất cả nước, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh ông Đỗ Thanh Quang - thành viên đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng sản xuất tân dược giả tráo đổi hàng nội thành hàng ngoại hoặc núp bóng các doanh nghiệp có chức năng sản xuất tân dược và thực phẩm chức năng để tổ chức sản xuất tân dược và thực phẩm chức năng giả; giả các loại sản phẩm đã được đăng ký độc quyền của các công ty trong nước và nước ngoài với quy mô lớn. Một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài không tổ chức sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước khác. Các vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại tập trung vào một số hành vi chủ yếu như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn...

Bên cạnh đó, lợi dụng nhu cầu dùng thực phẩm chức năng của người dân cao, nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho cơ quan quản lý không quản lý được nội dung quảng cáo nên không xác định được chủ thể quảng cáo và không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Gần đây nhất, Cục An toàn thực phẩm đã trình lãnh đạo Bộ Y tế ký Công văn số 4318/BYT-ATTP ngày 10/7/2023 gửi Bộ Công an và các Bộ liên quan, cùng với UBND và Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết vi phạm quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm còn phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương để kiểm soát các website thương mại điện tử và yêu cầu gỡ bỏ các website vi phạm.

Bộ Y tế cũng trực tiếp làm việc với đại lý quảng cáo, facebook để đưa ra những yêu cầu về phía Việt Nam liên quan đến việc phát hành thông tin quảng cáo không đúng sự thật trên facebook.

Đồng thời, thường xuyên cảnh báo trên website của Cục An toàn thực phẩm những quảng cáo sai phạm, thông tin giả mạo để người tiêu dùng biết và nhận diện, tránh bị mắc lừa. Sự phối hợp này bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin, cơ quan này luôn tuyên truyền người sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời đảm bảo hàng sản xuất, kinh doanh của mình phải đúng, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phải ghi nhãn mác thông tin đầy đủ. Việc kiểm soát bán hàng đa cấp do Bộ Công Thương quản lý và Bộ đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật kiểm soát bán hàng đa cấp…

Về phía người dân, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, khi có bệnh phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Còn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chỉ có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, không có tác dụng điều trị. Nếu quảng cáo thực phẩm chức năng uống vào khỏi bệnh là không đúng.

Người dân cần có chế độ ăn phù hợp, có hiểu biết và lựa chọn thực phẩm phù hợp; phải có kiến thức và đa dạng hoá bữa ăn và phải hiểu cơ thể mình thiếu gì, có bệnh gì, để có sự lựa chọn. Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là bổ sung cho chế độ ăn hàng ngày, không phải dùng để điều trị các loại bệnh.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang