Các dòng xe ô tô 'siêu hot' sẽ mất chuẩn an toàn 5 sao nếu không nhanh chóng nâng cấp sớm

author 14:22 18/02/2022

(VietQ.vn) - Theo cảnh báo của Tổ chức thử nghiệm va chạm và đánh giá an toàn xe ANCAP, từ cuối năm nay trở đi, hàng loạt các mẫu xe đình đám trong khu vực sẽ không còn đạt chuẩn an toàn cao cấp nếu không nâng cấp.

Sự kiện: Cảnh báo ô tô xe máy

Theo đó, để được chứng nhận trở lại, các dòng xe dưới đây sẽ buộc phải ra mắt phiên bản mới hoặc được cập nhật trang bị an toàn.

Các dòng xe sẽ hết hạn vào cuối năm 2022 có nhiều cái tên hot như Toyota Prado, Mitsubishi Triton, Mitsubishi Pajero Sport, Mitsubishi Outlander Sport, Nissan Navara, Mazda CX-3, Mazda2, Suzuki Vitara, Volkswagen Amarok hay Volkswagen Passat. Xa hơn, tới cuối 2023/2024, Mazda MX-5, Kia Rio, Suzuki Swift hay Mazda CX-9 cũng sẽ không còn đạt chuẩn cần thiết.

Ngoài ra, từ sau 2022, ANCAP khẳng định các chứng nhận của họ sẽ chỉ có giá trị trong 6 năm tương ứng một vòng đời của dòng xe được thử nghiệm (ngoại trừ xe thương mại vốn có giá trị sử dụng lâu dài khoảng 10 năm trở lại).

Thay đổi này buộc các hãng xe phải thường xuyên cập nhật công nghệ an toàn trên các dòng sản phẩm của mình bởi với tốc độ phát triển hiện tại của công nghệ ôtô, một mẫu xe trẻ hơn 5, 6 năm tuổi có khả năng an toàn trội hơn rõ rệt cả về cấu trúc lẫn công nghệ đi kèm.

Nhiều dòng xe ở Việt Nam sẽ mất tiêu chuẩn an toàn nếu không nâng cấp nhanh. Ảnh: Drive/ Tuổi trẻ

Một thực tế cho thấy, nhiều khách hàng Việt mua xe hơi thường chỉ chăm chăm chú ý đến giá bán, một số tính năng hiện đại thời trang như đèn LED, màn hình cảm ứng… mà quên đi các trang bị an toàn hoặc tiêu chí an toàn mà chiếc xe đó đạt được.

Điểm an toàn nên là một trong những thống số quan trọng mà bạn nên xem xét đầu tiên mỗi khi quyết định mua xe bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của chính bản thân mỗi người trên xe.

Hiện nay có nhiều tổ chức đánh giá mức độ an toàn của xe hơi nhưng hầu hết đều lấy điểm theo “sao”. Trong đó, 4 tổ chức quen thuộc nhất là: Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), Viện Bảo hiểm an toàn xa lộ Mỹ (IIHS), Chương trình đánh giá xe mới (Euro NCAP) và một tổ chức tại khu vực Đông Nam Á là Asean NCAP. Để kết quả trở nên dễ hiểu và thống nhất thì các tổ chức này lấy hệ thống chấm điểm 5 sao cho xe tốt nhất, 1 sao cho xe tồi nhất. Để khuyến khích các hãng xe sản xuất ra những chiếc xe an toàn thì các tổ chức này sẽ tiến hành đánh giá độc lập liên tục.

Nếu như NHTSA là tổ chức của chính phủ Mỹ nhằm cải thiện tình trạng an toàn đường bộ và giúp lái xe đưa ra quyết định về loại xe mới cũng như đánh giá mức độ an toàn của từng chủng loại xe thì IIHS lại là tổ chức phi lợi nhuận có mục đích ngăn ngừa các thiệt hại về người và tài sản có liên quan đến tai nạn, tổ chức này được tài trợ bởi các công ty bảo hiểm. Các bài kiểm tra của NHTSA và IIHS cũng như của EuroNACP hay AseanNCAP sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng mục đích chính mà mỗi tổ chức theo đuổi. Ví dụ như IIHS nghiêng về đánh giá các va chạm trước sau bên cạnh liên quan đến cấu trúc bền vững của xe trong khi NHTSA lại chú ý nhiều hơn đến sự an toàn của người ngồi trong xe thông qua túi khí…

Euro NACP cũng là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập với mục đích chính là thử nghiệm và đánh giá mức độ an toàn của xe hơi. Euro NCAP thường ít quan tâm đến tốc độ hay khả năng tiết kiệm của xe mà chú ý nhiều hơn tới khả năng đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe khi xảy ra va chạm. Được thành lập năm 1997, sau 20 năm, tiêu chuẩn 5 sao của Euro NCAP gần như là bắt buộc đối với những chiếc xe được bán ra tại châu Âu.

Gần đây, nhiều hãng xe tại Việt Nam đều quảng cáo nói rằng xe của họ đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao của Asean NCAP. Vậy tổ chức Asean NCAP là gì mà lại được đánh giá an toàn của xe hơi. Đẹp xin gửi tới những thông tin vắn tắt nhất về tổ chức này để quý độc giả có thể nắm rõ.

Asean NCAP là tên viết tắt của tổ chức Asean New Car Assesment Program (tạm dịch là Tổ chức đánh giá ô tô mới cho các nước khu vực Đông Nam Á) được thành lập vào tháng 12/2011 với các thành viên là Viện Nghiên cứu an toàn đường bộ Malaysia và Global NCAP. Asean NCAP cũng là tổ chức phi lợi nhuận như Euro NCAP hay IIHS với mục đích nhằm nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn cho xe ô tô, tăng cường nhận thức của người tiêu dung và khuyến khích phát triển các thị trường ô tô theo hướng ngày càng an toàn hơn trong khu vực Asean. Bạn có thể hiểu là Asean NCAP là tổ chức đánh giá mức độ an toàn của xe hơi mới tại Đông Nam Á và cũng xếp hạng từ 1 đến 5 sao, xe nào càng nhiều sao thì càng an toàn.

Asean NCAP sẽ lựa chọn xe và kiểm tra thử nghiệm các tính năng an toàn (các phép thử liên quan đến va chạm) của các xe ô tô bán trong khu vực và công khai kết quả thử nghiệm. Các kết quả thử nghiệm được công khai này sẽ góp phần tăng cường nhận thức của người tiêu dùng về tính năng an toàn của xe thông qua việc đánh giá qua hệ thống sao (stars rating). Một số tiêu chí được quan tâm và thử nghiệm nhiều là an toàn với trẻ em, người lớn, va chạm hông, va chạm trước sau…

Cũng như 3 tổ chức còn lại trên thế giới, toàn bộ kết quả thử nghiệm của Asean NCAP cũng đều được công khai trên website, facebook, youtube…của tổ chức để các hãng xe biết cũng như người dùng có thể tham khảo trước khi quyết định mua xe. Nếu một chiếc xe được đánh giá kém an toàn của Asean NCAP không đồng nghĩa 100% là nó không an toàn và phù hợp vì nó cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Việc các hãng công bố xe của họ đạt tiêu chuẩn an toàn 4 sao, 5 sao của Asean NCAP là điều bình thường. Điều này cần hiểu là tổ chức độc lập Asean NCAP đã thử nghiệm và cấp chứng chỉ an toàn 4 sao, 5 sao cho các mẫu xe này và nó chẳng liên quan gì đến việc kiểm định hay phải báo cáo với cơ quan kiểm định của mỗi quốc gia. Rõ ràng, nếu sở hữu một hãng xe hơi với nhiều mẫu xe được bán ra thì Asean NCAP có thể thử nghiệm độ an toàn và đưa ra đánh giá độc lập.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang