Luật BHXH sửa đổi: Bước tiến quan trọng trong chính sách an sinh xã hội

author 17:10 25/07/2024

(VietQ.vn) - Ngày 29/6/2024, Luật BHXH (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV (có hiệu lực từ 1/7/2025), với nhiều điểm mới tác động đến an sinh xã hội, phù hợp với tình hình mới ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, qua 8 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của người lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn xảy ra ở nhiều địa phương, DN; chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn đông đảo người dân; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay; tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng mới đạt khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu là còn thấp; tỷ lệ người hưởng chế độ BHXH một lần vẫn gia tăng… Vì vậy, việc Quốc hội quyết định sửa đổi Luật là yêu cầu thiết thực, tất yếu.

Là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, đúc kết thực tiễn, phát huy tinh thần trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng Luật BHXH (sửa đổi). Những báo cáo, ý kiến, nội dung mà BHXH Việt Nam tham gia, đề xuất từ thực tiễn đã đóng góp tích cực cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật BHXH lần này.

Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

So với Luật BHXH 2014, Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn như: Mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút NLĐ tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH 2014; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Luật này có 9 nhóm điểm mới so với Luật BHXH 2014.

Thứ nhất, về quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN bảo đảm (Điều 21 đến Điều 24). Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện trên thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Thứ hai, thể hiện liên kết tầng trong hệ thống BHXH bằng việc quy định chế độ trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong thời gian hưởng trợ cấp này, được hưởng BHYT do NSNN đóng.

Thứ ba, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh; người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ theo Luật DN…

Thứ tư, mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH như giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng; người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản.

Thứ năm, dành riêng một chương để quy định quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH. Theo đó, quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Thứ sáu, quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”.

Thứ bảy, quy định cụ thể hơn về đầu tư và quản lý quỹ BHXH; việc duyệt, thẩm định, phê chuẩn quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHXH.

Thứ tám, đơn giản hóa TTHC về BHXH, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và về đánh giá sự hài lòng của người dân đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH.

Thứ chín, bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính.

Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra; hoặc mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Một trong những đổi mới quan trọng của Luật BHXH 2024 là sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, như: Điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm); được hưởng trợ cấp hằng tháng và được NSNN đóng BHYT trong trường hợp có thời gian đóng BHXH không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; tăng mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 2 tháng lương bình quân đóng BHXH (hiện nay là 0,5 tháng) cho mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.

Quy định cụ thể để thể chế hoá nội dung tại Nghị quyết về việc hưởng BHXH một lần là đối với NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Như vậy, đối với nhóm NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (từ 1/7/2025) sẽ không được nhận BHXH một lần theo điều kiện này (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hoặc đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng).

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang