Lương y chỉ ra nhiều tác hại khi lạm dụng gừng
Dùng xịt khoáng sai cách có thể gây hại nghiêm trọng tới làn da
Chuyên gia bật mí bí quyết sử dụng điều hòa sưởi ấm tiết kiệm điện nhất
Chuyên gia và nhà quản lý đề xuất giải pháp then chốt giải quyết các thách thức an ninh mạng
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, gừng không chỉ là loại gia vị quý được sử dụng trong các bữa ăn mà còn là một vị thuốc rất tốt với sức khỏe và sắc đẹp. Trong 100g nước gừng chứa: 67 kcal; carbohydrate: 17,7g; chất béo 0,75%; chất đạm 1,82%; các vitamin: B1 0,025mg; B2 0,034mg; B3 0,075mg; B5 0,203mg; B6 0,16mg; B9 11mg; C 5mg; Khoáng chất: canxi 16mg; magiê 43mg; phospho 34mg; kali 415mg; sắt 0,6mg; kẽm 0,34mg, men phân giải protid và các alpha - camphen, beta - phelandren, eucaliptol...
Gừng rất tốt trong việc phòng chữa cảm lạnh, giảm cảm giác buồn nôn, kiểm soát lượng đường trong cơ thể, tăng cường hoạt động tiêu hóa, phòng ngừa một số bệnh ung thư và hiện nhiều người dùng trà gừng để làm đẹp vóc dáng...
Gừng là một loại thảo dược quen thuộc trong ẩm thực và y học nhờ vào những lợi ích sức khỏe tuyệt vời như giảm buồn nôn, hỗ trợ tiêu hóa và chống viêm. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, việc tiêu thụ gừng quá mức có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, làm trầm trọng thêm một số vấn đề sức khỏe.
Theo khuyến cáo, người lớn có thể sử dụng từ 0,5 - 3 g gừng qua đường uống mỗi ngày trong tối đa 12 tuần, trong khi thanh thiếu niên chỉ nên dùng tối đa 4 ngày. Việc tiêu thụ vượt quá ngưỡng an toàn này có thể dẫn đến những rủi ro không mong muốn.
Không nên ăn quá nhiều gừng vì có thể gây tác hại không ngờ tới sức khỏe. Ảnh minh họa
Không nên ăn gừng nhiều vào mùa Thu
Theo tác giả Lý Thời Chân, Trung Quốc, sau khi trải nghiệm ăn gừng, ông đã đúc kết rằng, ăn gừng nhiều vào mùa Thu sẽ tích nhiệt vào mắt, mắt sẽ nảy sinh ra bệnh. Đối với người bị trĩ, ăn gừng nhiều kèm uống rượu sẽ làm cho bệnh trĩ dễ tái phát. Nếu người nào đã có ung nhọt rồi mà vào mùa Thu lại ăn gừng thì ung nhọt sẽ càng phát triển.
Mùa Thu thời tiết khô hanh, táo khí (không khí khô) tổn thương phế, cộng thêm ăn gừng cay vào lại càng dễ làm tổn thương phổi hơn, gây tăng mất nước, khô khan trong cơ thể, khó thở hại phế lại thêm nhiều gừng vào dễ dẫn đến hại phế. Vì thế mùa Thu không nên ăn gừng.
Tuy nhiên, theo lương y Nguyễn Hữu Toàn, Hải Phòng cũng cho rằng, không phải tất cả mọi người ăn gừng vào mùa Thu, ăn gừng vào buổi tối đều hại cho sức khỏe. Riêng đối với người có thể chất dễ bị lạnh, hoặc bệnh nhân bị lạnh thì dù có là buổi tối hay mùa Thu thì dùng gừng chữa bệnh cũng không có tác hại gì, do đó không cần phải kiêng gừng.
Tiêu thụ nhiều gừng dẫn đến tiêu chảy
Mặc dù gừng giúp tăng cường tiêu hóa, nhưng nếu ăn quá nhiều (hơn 5 g mỗi ngày), nó có thể khiến tốc độ di chuyển của thức ăn qua ruột tăng nhanh đột ngột, dẫn đến tiêu chảy.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Children (Basel), lượng gừng vượt mức khuyến cáo có thể gây mất cân bằng trong hệ tiêu hóa, dẫn đến cảm giác bồn chồn và suy nhược. Vì vậy, để tránh tình trạng này, cần kiểm soát lượng gừng tiêu thụ hằng ngày. Để tránh tác hại của gừng, các chuyên gia khuyên không ăn quá nhiều gừng vì có thể làm xuất hiện các dấu hiệu như ợ nóng, khó tiêu. Tránh dùng gừng đối với những người có tạng nóng, hay nhiệt miệng, táo bón.
Ăn nhiều gừng không an toàn khi mang thai
Gừng thường được sử dụng để giảm ốm nghén trong thai kỳ. Tuy nhiên, việc dùng gừng quá liều (trên 1,5 g mỗi ngày) có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Các bác sĩ sản phụ khoa khuyến cáo phụ nữ mang thai nên thận trọng khi sử dụng gừng và chỉ nên ăn với liều lượng nhỏ sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Điều này đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Gừng có thể gây chảy máu
Công ty Cổ Phần Dược Phẩm FPT Long Châu thông tin, gừng có đặc tính làm loãng máu nhờ khả năng chống tiểu cầu, giúp ngăn ngừa đông máu. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt đối với những người đang sử dụng thuốc chống đông máu như aspirin hoặc warfarin.
Một nghiên cứu trên tạp chí Children (Basel) cho thấy, khi gừng được kết hợp với các gia vị như đinh hương hoặc tỏi, nguy cơ chảy máu sẽ gia tăng đáng kể. Do đó, người có tiền sử chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông cần cẩn trọng khi bổ sung gừng vào chế độ ăn uống.
Ăn nhiều gừng ảnh hưởng đến tim mạch
Người có vấn đề về tim mạch, đặc biệt là những người đang sử dụng thuốc huyết áp, nên tránh dùng gừng liều cao. Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo rằng gừng có thể làm tăng nhịp tim hoặc gây rối loạn nhịp tim nếu tiêu thụ với số lượng lớn. Để đảm bảo an toàn, người bệnh tim cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm gừng vào chế độ ăn.
Gừng có thể gây đầy hơi và chướng bụng
Mặc dù gừng giúp hỗ trợ tiêu hóa, nhưng ăn quá nhiều lại có thể dẫn đến đầy hơi và chướng bụng. Theo nghiên cứu trên tạp chí Nutrients, gừng tác động mạnh đến hệ tiêu hóa trên, khiến cơ thể sản sinh quá nhiều khí, gây cảm giác đầy hơi, khó chịu và ợ nóng. Nếu gặp tình trạng này sau khi ăn gừng, tốt nhất nên giảm lượng tiêu thụ và tham khảo bác sĩ để tìm giải pháp khắc phục.
Gừng chứa chất gingerol giúp kích thích tiết mật và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, khi bụng đói, gừng có thể làm tăng lượng axit trong dạ dày, dẫn đến tình trạng đau bụng, khó tiêu và nóng rát dạ dày. Những người có tiền sử bệnh dạ dày hoặc viêm loét dạ dày cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng gừng, tránh ăn lúc bụng rỗng để giảm thiểu nguy cơ kích ứng niêm mạc dạ dày.
Ăn nhiều gừng gây kích ứng miệng
Một số người có thể gặp phản ứng dị ứng sau khi tiêu thụ gừng, dẫn đến tình trạng ngứa, sưng hoặc đau trong miệng. Hiện tượng này được gọi là hội chứng dị ứng miệng. Các chuyên gia khuyến cáo rằng nếu cảm thấy khó chịu ở miệng sau khi ăn gừng nên ngừng sử dụng ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định liệu có bị dị ứng với loại thảo dược này hay không.
Gừng tương kỵ với thuốc chống đông máu, thuốc chẹn kênh canxi trị tăng huyết áp (Amlodipin...) nên người uống thuốc này tránh dùng gừng. Không dùng gừng bị giập nát hoặc chuyển màu vì sinh chất độc sẽ hại gan. Khi thấy củ gừng mọc mầm trắng phải cắt bỏ mầm ngay để tránh mất hoạt chất.
Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 về gừng tươi và sấy khô
Theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu và thuốc từ dược liệu- yêu cầu đối với củ gừng tươi và sấy khô do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, cây gừng nên thu hoạch vào vụ Thu- Đông từ cây trồng gần 1 năm tuổi trở lên để có gừng già, đào lấy cả khóm, giũ sạch đất cát rồi rửa sạch, cắt bỏ rễ con và tạp chất. Tùy theo cách chế biến để có các vị thuốc là: sinh khương, ổi khương, can khương, bào khương, thán khương (hắc khương, tiêu khương).
Trong đó yêu cầu đối củ gừng tươi phải mập, phân nhánh ngang; củ chính và nhánh gần hình trụ hoặc hơi dẹt, dài 3cm đến18cm, đường kính ngang 0,5cm đến 2,5cm. Vỏ ngoài mỏng màu vàng nâu hay nâu xám với các vòng ngang là vết tích của bẹ lá. Đầu các nhánh có chồi mầm, với đỉnh sinh trưởng ở trong. Lát cắt ngang có màu ngà vàng; ở củ chính có vòng lỗi, có xơ, đôi khi có xen lẫn màu xanh lục nhạt. Mùi thơm, vị cay nóng.
Đối với củ gừng sấy khô yêu cầu phải là củ phân nhánh, khi khô có hình dạng bất định. Củ chính và củ nhánh khi khô thường quắt lại, hơi dẹt, dài 3cm đến 7cm, dày 0,5cm đến 1,0cm. Vỏ ngoài màu nâu xám, có nhiều vết nhăn dọc và ngang, đôi khi còn có một số rễ con sót lại. Thể chất cứng, khó bẻ, mặt bẻ màu nâu vàng sậm hoặc nâu, ở củ già có lõi màu đậm hơn, có xơ. Mùi thơm, vị cay nóng.
Vân Thảo (T/h)