Áp dụng mã số mã vạch theo chuẩn mực sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa

author 06:18 19/01/2018

(VietQ.vn) - Việc sản phẩm hàng hóa áp dụng mã số mã vạch GS1 sẽ theo một chuẩn mực, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin về nhà nhập khẩu khi sử dụng mã nước ngoài.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Mã số mã vạch là một trong các công nghệ nhận dạng tự động đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới hơn 40 năm nay. Ở những nước phát triển, mã số mã vạch được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, đem lại hiệu quả cao.

Đặc biệt, đối với sản phẩm là nông sản thực phẩm và hải sản, mã số mã vạch được áp dụng không những để quản lý, thu thập thông tin tự động trong cả chuỗi cung ứng (từ nuôi trồng, sản xuất, phân phát, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng) mà còn được áp dụng để xác định nguồn gốc nguồn gốc sản phẩm, phục vụ cho các hệ thống quản lý theo ISO 9000, HACCP. Đối với hải sản xuất khẩu, tất cả các nước đã sử dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và mã số mã vạch GS1 để đáp ứng nhu cầu bạn hàng nhằm bảo vệ thị phần và thương hiệu quốc gia. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Patrick Jonasson, Giám đốc điều phối tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Văn phòng GS1 toàn cầu cho rằng, hiện nay người dân đang thiếu niềm tin vào thực phẩm, khi người dân đọc được những thông tin thực phẩm bẩn thì họ đã thay đổi hành vi mua sắm. Do đó nhà nước cần có quy định ngặt nghèo hơn. Cùng với đó, nguồn gốc của lương thực cũng rất phức tạp, chúng đến từ những nơi khác nhau trên thế giới nên càng cần truy xuất nguồn gốc hơn.

“Thực phẩm cần có 1 ngôn ngữ chung (sản phẩm đi từ lúc nuôi trồng cho đến bàn ăn) và chúng cần đảm bảo thống nhất giữa các bên cung ứng. Và GS1 sẽ làm được điều đó”, ông Patrick Jonasson cho nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh cũng cho rằng, việc sản phẩm hàng hóa áp dụng mã số mã vạch GS1 sẽ được theo một chuẩn mực và có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho người tiêu dùng biết. Tổng cục đang có kế hoạch sẽ đưa vào vận hành phần mềm chính thống quét mã vạch trên điện thoại di động và cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm sử dụng mã số mã vạch GS1 theo định hướng phục vụ người tiêu dùng, siêu thị và các đơn vị liên quan trong thời gian tới.

Cơ sở dữ liệu quốc gia này có vai trò tích cực hỗ trợ công tác quản lý như trao đổi và kiểm soát thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm, đảm bảo chất lượng mã số mã vạch GS1 đúng quy định, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin về nhà nhập khẩu khi sử dụng mã nước ngoài, đặc biệt áp dụng trong xác định nguồn gốc sản phẩm.

Bà Phan Hồng Nga, Phụ trách Văn phòng mã số mã vạch chia sẻ tại Hội thảo

Bà Phan Hồng Nga, Phụ trách Văn phòng mã số mã vạch (GS1 Việt Nam) cho biết, hệ thống GS1 cung cấp cho người sử dụng các mã số rõ ràng để phân định hàng hóa, dịch vụ, tài sản và địa điểm trên toàn cầu. Những mã số này có thể được thể hiện bằng mã vạch, tạo điều kiện cho việc đọc nó bằng thiết bị điện tử trong quá trình kinh doanh. Hệ thống này được thiết kế để khắc phục các hạn chế của hệ thống mã hóa nội bộ của các công ty, tổ chức hoặc ngành cụ thể, làm cho thương mại hiệu quả hơn và đáp ứng người tiêu dùng tốt hơn.

Các tiêu chuẩn GS1 có thể nâng cao hiệu quả của việc ghi chép và trao đổi thông tin giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng. Khi được sử dụng từ cơ sở dữ liệu chính xác và luôn được cập nhật, các tiêu chuẩn GS1 sẽ cung cấp cho tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng khả năng kĩ thuật để phân định, theo dõi và xác định nguồn gốc sản phẩm, địa điểm của họ xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn GS1 đòi hỏi nhà sản xuất, bao gói, xuất nhập khẩu, người vận chuyển, phân phối và bán lẻ phải duy trì hồ sơ về số seri của đơn vị thương phẩm và đơn vị logistic, số phân định và thông tin thuộc tính của các đơn vị thương phẩm cũng như là mã số địa điểm nơi xuất xứ của nó. Việc duy trì hồ sơ tạo điều kiện cho nhà sản xuất và người đóng gói cung cấp dữ liệu xác định nguồn gốc khi nhà xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối cũng như khách hàng của họ yêu cầu. Việc chuyển khả năng thành lợi ích thực tế đòi hỏi phải có những thỏa thuận song phương để chia sẻ các thông tin kiểm kê tương ứng.

Đại diện GS1 Việt Nam cho biết, phần mềm quét mã vạch trên điện thoại di động (viết tắt là Scan & Check) mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa xây dựng xong và đưa vào vận hành sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ quan chức năng, của người tiêu dùng, của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là của hơn 25 ngàn doanh nghiệp thành viên GS1 Việt Nam về xác thực nguồn gốc thông tin chủ sở hữu và hàng hóa sử dụng mã số mã vạch.

Scan & Check được sử dụng để quét kiểm tra tính hợp pháp của mã số mã vạch cũng như thông tin chính hãng về sản phẩm trước khi người tiêu dùng ra quyết định mua hàng.

Trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp Then chốt Tiểu vùng sông Mê kông Mở rộng (GMS) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ (Dự án TA-8163), các quốc gia thành viên tại tiểu vùng đã cùng nhau xây dựng và phê duyệt một Chiến lược Phát triển Chuỗi giá trị Nông sản An toàn và Thân thiện với Môi trường tại GMS (gọi tắt là Chiến lược SEAP) và được Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia thành viên phê duyệt tại Siem Reap, Cambodia ngày 8/9/2017.

Để khởi động triển khai Chiến lược SEAP trên, trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 6/2018, Dự án TA-8163 sẽ cung cấp hỗ trợ kĩ thuật cho các nước GMS thí điểm tăng cường thực thi truy xuất nguồn gốc thực phẩm sử dụng mã số mã vạch GS1 trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở quy mô quốc tế và trong nước.

Tại Hội nghị tham vấn cấp quốc gia vừa được tổ chức ở Hà Nội, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, xác định một chuỗi giá trị điển hình để tham gia chương trình, xác định sự cần thiết và mong muốn triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, xác định các yêu cầu về cơ sở vật chất, năng lực và các hạng mục đầu tư.

Đại diện GS1 (thông qua văn phòng GS1 Toàn Cầu và Văn phòng GS1 Việt Nam) cũng đã chuyển tải và phân tích được các lợi ích, yêu cầu và chi phí cần đầu tư để một chuỗi giá trị thông qua doanh nghiệp đầu tàu thực thi hệ thống này, chi phí vận hành, giải đáp các câu hỏi và vướng mắc mà doanh nghiệp cần biết trước khi xác định tính khả thi và quyết định triển khai thực hiện.

 Huy Hùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang