'Ma trận bác sĩ TikTok' khiến nhiều người nhập viện vì tin tưởng mù quáng

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây nhiều bệnh nhân do tin tưởng mù quáng theo lời quảng cáo của "bác sĩ TikTok" đã sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng chống đột quỵ, dùng máy sấy tóc làm ấm phần gáy...phải nhập viện.
Google cảnh báo lỗ hổng nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng
Cảnh báo hàng loạt website cơ quan nhà nước bị chèn link quảng cáo cờ bạc
Cảnh báo nhai kẹo cao su có thể nuốt phải hạt vi nhựa
Cảnh báo độc tố nấm sẽ thay đổi theo mùa nên lưu ý khi chọn ăn
"Hoa mắt" trước những lời quảng cáo từ "bác sĩ TikTok"
Sự bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, đã tạo ra một cách tiếp cận thông tin hoàn toàn mới nhưng đồng thời cũng kéo theo những hệ lụy khó lường. Một trong số đó là sự nở rộ của các "bác sĩ TikTok" - những người tự xưng là chuyên gia y tế, đưa ra lời khuyên và phương pháp điều trị mà không có bất kỳ bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn nào.
Với những chiêu trò "tung hứng" khéo léo, những "bác sĩ" này dễ dàng thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lượt theo dõi. Họ sử dụng những video ngắn, bắt mắt, kết hợp những lời lẽ có cánh, hứa hẹn "chữa bách bệnh", "cải lão hoàn đồng", đánh trúng tâm lý của những người đang gặp vấn đề về sức khỏe.
Không ít người trong lúc hoang mang, lo lắng đã "hoa mắt" trước những lời quảng cáo này, sẵn sàng chi tiền để mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc làm theo những phương pháp điều trị phản khoa học như "Không cần mất công tìm kiếm", "Không mất chi phí"... là những thông tin tư vấn sức khỏe từ các "chuyên gia trời ơi" hiển thị khắp nơi trên các nền tảng mạng xã hội. Thật - giả lẫn lộn khiến nhiều người rơi vào ma trận.
Thậm chí chỉ vài dòng tư vấn của 'bác sĩ TikTok' như "Dạo này đột quỵ, tai biến nhiều quá. Người thân lấy ngay cái máy sấy tóc làm ấm phần gáy lên đến toàn đầu và toàn thân để đánh tan cục máu đông" đã thu hút gần 20.000 lượt chia sẻ, gần 4.000 bình luận. Nhiều người chẳng nghi ngờ gì, ghi nhớ phương pháp trị bệnh để sử dụng ngay khi không may gặp cơn đột quỵ.

Nở rộ 'bác sĩ tiktok' khiến nhiều người nhập viện vì quá tin tưởng. Ảnh: Lao Động
Hay một video ngắn chia sẻ về phương pháp dùng máy sấy dọc sống lưng, mũi, cổ họng giúp hỗ trợ hô hấp, chữa cúm. Video cũng thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận bên dưới. Không ít người đã làm theo mà không cần kiểm chứng những phương pháp này có thực sự hiệu quả hay tiềm ẩn nguy cơ.
Hay chỉ cần gõ "đau bụng" trên mạng xã hội TikTok có hàng loạt kết quả do chính các "bác sĩ mạng" trả về, chẩn đoán ngay các bệnh như: viêm đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan, sỏi mật, viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa... Tất cả những chẩn đoán do các "bác sĩ online" tư vấn đều đính kèm lời rao bán các loại thuốc, thực phẩm chức năng để điều trị. Thậm chí ung thư cũng được quảng cáo điều trị dứt điểm sau 1 liệu trình. Như điều trị ung thư gan, u xơ tử cung, ung thư vú... được các "thần y" chia sẻ trị dứt điểm.
Trên TikTok còn ra rả nhiều thông tin chữa bệnh khó kiểm chứng như nhịn ăn chữa ung thư, chích đầu ngón tay để trị đột quỵ, xoa bóp vùng cổ thường để chữa tuyến giáp, ung bướu… Vì nội dung đề cập các triệu chứng thấy giông giống nên nhiều người cảm thấy bản thân như đang mắc bệnh. Không ít trường hợp rơi vào bẫy mua thuốc, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng.
Nhiều người nhập viện vì tin 'bác sĩ TikTok' nói nhảm
PGS-TS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết tính chính xác của hàng loạt thông tin sức khỏe được chia sẻ trên TikTok là vấn đề đáng báo động. Rất nhiều cá nhân tự xưng là bác sĩ, chuyên gia y tế nhằm quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc các phương pháp điều trị phi khoa học. Gần đây, các bác sĩ thường xuyên phải tiếp nhận, "sửa sai" cho những ca bệnh tin và làm theo hướng dẫn của "bác sĩ TikTok".
Quá trình điều trị chúng tôi gặp không ít bệnh nhân đái tháo đường đã bỏ thuốc để chữa bệnh theo "bác sĩ" trên mạng, đến khi nhập viện, bệnh đã trở nặng. Dù "tiền mất tật mang" nhưng các video đó vẫn thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng bởi lý do đánh đúng vào tâm lý thích chữa bệnh theo tiêu chí nhanh, dễ, rẻ…" - PGS-TS Hưng cảnh báo.
Hay mới đây một phụ nữ 65 tuổi ở Thái Nguyên vì chứng mất ngủ, hoang tưởng cũng đi tìm "thần y". Lướt trên mạng thấy "bác sĩ TikTok" cảnh báo các dấu hiệu ung thư tiêu hóa, gan, thận, tê bì tay chân, mỏi vai gáy..., bà đã mua rất nhiều thực phẩm bổ sung để uống. Hai tuần trước, ngủ dậy thấy dấu hiệu tê tay, đau đầu, bà vội vàng bảo con cháu đưa đi cấp cứu vì nghĩ là đột quỵ. Gần đây, bà đòi đi khám bệnh nhiều hơn, thậm chí tự đi chụp chiếu sau những lời khuyên trên mạng. Số tiền khám và mua thuốc đã lên tới hơn 30 triệu đồng nhưng bà vẫn chưa yên tâm về sức khỏe.
Nguy hiểm hơn liên quan tới các sản phẩm phòng ngừa đột quỵ, hàng loạt bệnh nhân phải nhập viện vì uống viên An cung ngưu hoàng để ngăn ngừa đột quỵ. Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện sản phẩm có tên An cung ngưu hoàng hoàn lưu hành trên thị trường Việt Nam có nhiều nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên... được nhập khẩu vào Việt Nam.
Cơ quan này quy định rõ thuốc chỉ được dùng theo đơn, đúng chỉ định và dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền hoặc thầy thuốc Đông y. Thế nhưng "bác sĩ TikTok" sẵn sàng tư vấn uống luôn, người dân đặt sản phẩm được gửi đến tận nhà với giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.
Nhiều TikToker từ những kiến thức cóp nhặt, không qua môi trường học tập y khoa, vẫn lưu loát chia sẻ "bí kíp" chữa bệnh như chuyên gia thực thụ. Những thông tin tư vấn sức khỏe không được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học tràn lan đã gây ra không ít hệ lụy cho xã hội.
Đáng nói, những tư vấn sức khỏe chia sẻ trên mạng xã hội được rất nhiều người lớn tuổi tiếp nhận. Trong khi đó, người cao tuổi mới tiếp xúc với mạng xã hội không thể nhận biết được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin chưa được kiểm chứng mà chỉ biết rằng "trên mạng bảo thế, nên làm theo".
Cách đây không lâu, một nam bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trong tình trạng đầu ngón tay rướm máu. Người vợ chia sẻ thấy chồng bỗng khó nói, tê yếu nửa người, nghi chồng bị đột quỵ, người vợ dùng vật nhọn chích toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân nặn máu để "chữa bệnh". Sau chích máu 20 phút không thấy chuyển biến, lúc này gia đình mới đưa ông đến bệnh viện cấp cứu.
Theo bác sĩ đây là một trong những sai lầm khi xử trí ban đầu cho người bệnh đột quỵ do có thể gây tình trạng nhiễm trùng tại vị trí chích máu. Đặc biệt, việc máu chảy khó cầm đối với người bệnh đột quỵ não có rối loạn đông máu và làm kéo dài thêm thời gian đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Hay mới đây, thêm một cặp vợ chồng đã đánh mất cơ hội làm cha mẹ khi tin vào lời "bác sĩ" trên TikTok quảng cáo điều trị vô tinh bằng cách uống thuốc không được kiểm chứng suốt thời gian dài.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho hay, việc sơ cứu người bệnh, đặc biệt đột quỵ không đúng cách sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Thông tin về việc sấy vào gáy để chữa đột quỵ bác sĩ Mạnh khuyến cáo, đây là phương pháp không có tác dụng. Trong trường hợp bệnh nhân xảy ra đột quỵ, làm những việc này thậm chí còn làm chậm "giờ vàng" cấp cứu cho bệnh nhân. Khi thực hiện những mẹo này sẽ làm chậm thời gian cấp cứu, bệnh nhân tử vong nhanh hơn. Do đó người dùng mạng xã hội cần là người sử dụng thông minh, không nên áp dụng tất cả những gì nghe được, thấy được trên mạng xã hội khi không có kiểm chứng rõ ràng.
"Hiện nay các bệnh viện, hiệp hội đều có website, thậm chí có ứng dụng để tư vấn sức khỏe với những thông tin rõ ràng, dễ hiểu, đã được khoa học chứng minh. Vì vậy, thay vì nghe theo những tư vấn còn chưa rõ đúng hay sai, thật hay giả thì người dân nên tham khảo những thông tin trên nền tảng chính thống.
Bên cạnh đó, khi có vấn đề về sức khỏe nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. Tuyệt đối không nên áp dụng theo các phương pháp truyền miệng hay chia sẻ cá nhân bởi mỗi người sẽ có tình trạng bệnh lý khác nhau, cơ thể khác nhau và phương pháp điều trị khác nhau", bác sĩ Mạnh khuyến cáo.
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh; đồng thời cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.
"Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, tổn thất về kinh tế, tổn hại sức khỏe" - lãnh đạo Bộ Y tế cảnh báo.
An Dương (T/h)